Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 09/05/2016 - 13:43
(Thanh tra)- Đó là con số vừa được Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đưa ra trong bản báo cáo về tình trạng tham nhũng năm 2015 ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông.
Biểu tình chống tham nhũng lan rộng ở khắp các thành phố lớn của Lebanon. Ảnh: AFP
Báo cáo của TI được thực hiện tại 9 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2014 - 11/2015. Kết quả cho thấy, trung bình có 61% người được hỏi ở Yemen, Ai Cập, Sudan, Maroc, Lebanon, Algeria, Tunisi, Jordani và Palestine đều khẳng định tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục gia tăng trong năm qua ở những nơi mà họ sinh sống và làm việc.
“Có cảm giác như cuộc cách mạng “Mùa xuân Ả rập” chưa từng xảy ra. Lãnh đạo các nước khu vực Bắc Phi và Trung Đông dường như bị thất bại trong nỗ lực minh bạch hóa, thất bại trong nỗ lực kêu gọi người dân tố cáo tham nhũng, vì thế họ đã thất bại trong việc kiềm chế và giảm thiểu tình trạng tham nhũng. Có nghĩa là quyền công dân của người dân khu vực Bắc Phi và Trung Đông thực sự chỉ là cái mác bề ngoài mà giới lãnh đạo hô hào, kêu gọi, nhưng thực chất, người dân buộc phải hối lộ, “đi đêm” nếu muốn thực hiện những quyền và nghĩa vụ hành chính cơ bản của mình”, José Ugaz - Chủ tịch TI bày tỏ lo ngại.
Phần lớn các dịch vụ công đều có tham nhũng
Kết quả nghiên cứu, khảo sát, điều tra của TI đã chỉ ra rằng 38% người dân Maroc phải hối lộ để hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế công. Thậm chí, theo điều tra của TI, ngay cả đối với một bé gái bị mù không rõ nguyên nhân, khi người bố đưa con đến bệnh viện để điện não đồ nhằm tìm ra nguyên nhân và hướng điều trị cho con gái, ông cũng phải đối mặt với 2 lựa chọn: Hoặc là đưa tiền cho y tá, bác sĩ để được khám bệnh, hoặc đưa con về nhà vì sẽ không có ai chăm sóc cho con gái mù của ông nếu ông không hối lộ.
Không chỉ y tế, ngay cả cảnh sát, tư pháp và những dịch vụ công liên quan đến giấy tờ tùy thân của người dân cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” của tham nhũng ở hầu hết các nước khu vực Bắc Phi và Trung Đông. Và không chỉ ở các bộ, ngành, địa phương mới có tham nhũng, ngay cả quan chức chính phủ, các nghị sĩ và công chức, không đâu là không có dính dáng đến các hành vi tham nhũng, biển thủ, nhận hối lộ…
Trước thực trạng tham nhũng tràn lan như vậy, nhưng công chúng cũng không có cách nào tác động để Chính phủ đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, bởi họ luôn yếu thế trước các cơ quan công quyền, đồng thời cũng không có cơ quan nào đủ quyền và đủ công tâm đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trước những sai phạm của bộ máy công quyền. “Giới quan chức có vẻ như vẫn chưa thỏa mãn với những gì mà họ tham nhũng được, nên họ vẫn chưa nỗ lực trong phòng, chống tham nhũng. 5 năm sau cuộc cách mạng “Mùa xuân Ả rập”, Chính phủ các nước Bắc Phi và Trung Đông vẫn có quá ít hành động thực chất để chống lại nạn tham nhũng đang hoành hành ở đất nước họ”, báo cáo của TI nêu rõ.
Tham nhũng diễn ra mọi lúc, mọi nơi, nhưng nạn nhân của những hành vi tham nhũng thì gần như không biết cầu cứu tới ai, tới cơ quan nào, phần vì họ không tin các cơ quan công quyền có thể giúp họ thoát khỏi “bóng ma” tham nhũng, và phần quan trọng nữa là họ sợ sẽ bị trả thù nếu thông tin tố cáo tham nhũng của họ không được bảo mật. 71% số người được hỏi trong báo cáo của TI cho thấy, họ luôn mong muốn Chính phủ, giới quan chức lãnh đạo của họ có hành động thiết thực để chống tham nhũng. Nhưng càng mong thì người dân càng thất vọng, bởi tham nhũng vẫn gia tăng ở nơi họ sống và làm việc, tham nhũng có ở mọi lĩnh vực, mọi cấp chính quyền từ thấp đến cao.
2 nước Lebanon và Yemen, 4 lĩnh vực tư pháp, cảnh sát, giáo dục và y tế “giữ ngôi đầu” tham nhũng
Trong báo cáo của TI về tình trạng tham nhũng ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông vừa được công bố cho thấy, 5 năm sau cách mạng “Mùa xuân Ả rập”, tình trạng tham nhũng vẫn không ngừng gia tăng. Theo ước tính của TI, trong năm 2015, có khoảng 50 triệu người dân ở 2 khu vực này ít nhất phải hối lộ 1 lần để được hưởng các dịch vụ công.
Tình trạng đòi hối lộ trong lĩnh vực công trở nên nghiêm trọng nhất tại 2 nước là Lebanon và Yemen. Theo khảo sát, 92% số người được hỏi ở Lebanon khẳng định tham nhũng đang tăng cao và họ ít nhất 1 lần phải đưa hối lộ để được hưởng các dịch vụ công trên chính đất nước, quê hương của họ. Con số này ở Yemen là 84%.
Tham nhũng, hối lộ diễn ra ở mọi cấp, mọi lĩnh vực. Từ cấp chính quyền địa phương cho đến cấp cao nhất là các chính trị gia, các nghị sĩ quốc hội, không đâu là không có dính líu tới tham nhũng, hối lộ. Thậm chí, ngay cả giới chức tôn giáo, vốn luôn được coi là “miễn nhiễm” với tham nhũng, thì kết quả khảo sát của TI cũng cho thấy có tới 19% người được hỏi cho rằng họ đã từng chứng kiến các hành vi tham nhũng, nhận hối lộ của giới chức tôn giáo.
Báo cáo của TI cũng chỉ ra, 4 lĩnh vực được coi là “giữ ngôi đầu” về tham nhũng ở các nước Bắc Phi và Trung Đông là tư pháp, an ninh, giáo dục và y tế. Trong đó, 2 lĩnh vực giáo dục và y tế, dù được cho là “mới nổi” trong nhóm lĩnh vực tham nhũng nhiều nhất, nhưng mức độ tham nhũng trong 2 lĩnh vực này không thua kém gì so với tư pháp và an ninh.
“Mức độ tham nhũng đang thực sự ở ngưỡng báo động tại khu vực Bắc Phi và Trung Đông. Tham nhũng hiện nay chính là chất xúc tác cực kỳ hiệu nghiệm cho các cuộc biểu tình bùng phát ở khắp mọi nơi. Nếu giới lãnh đạo các quốc gia Bắc Phi và Trung Đông không sớm có ngay các giải pháp hiệu quả, hành động thiết thực để dẹp trừ tệ nạn tham nhũng, các cuộc nội chiến đẫm máu rất có thể sẽ diễn ra, bởi người dân đã chịu đựng quá mức giới hạn”, một đại diện của TI nhận định.
Nhật Minh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024N. Phê
N. Phó
Trung Hà
CB
Đông Hà
Đông Hà
Hoàng Nam
Kim Thành
Cao Sơn
Trần Kiên
Bùi Bình
Hải Hà