Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

4 người bị buộc tội tham nhũng trong chương trình "hộ chiếu vàng" của Síp

Hoài Phương

Thứ ba, 19/07/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Theo nguồn tin của Hãng Truyền thông Al Jazeera, cựu Chủ tịch Quốc hội Síp là 1 trong số 4 người bị buộc tội tham nhũng sau cuộc điều tra về bê bối “đổi tiền lấy quốc tịch” tại Síp.

Một người cầm ảnh hộ chiếu trong cuộc biểu tình chống tham nhũng bên ngoài Trung tâm Hội nghị Filoxenia, Síp ngày 14/10/2020. Ảnh: REUTERS / Yiannis Kourtoglou

4 người này sẽ bị xét xử tại Thủ đô Nicosia vào ngày 12/9 sau khi Tổng Chưởng lý của Đảo Síp đệ trình 5 tội danh, bao gồm âm mưu lừa đảo nhà nước và gây ảnh hưởng không đáng có, đối với các quan chức nhà nước vào ngày 14/7.

Các nhà chức trách Síp cho biết, cáo buộc liên quan đến cả cuộc điều tra của Al Jazeera và kết quả của Hội đồng Điều tra năm 2021.

Các nhà chức trách chưa công bố danh tính những người bị buộc tội, nhưng các nguồn tin pháp lý nói với Al Jazeera rằng, họ là Demetris Syllouris, cựu Chủ tịch Quốc hội Síp; Christakis Giovani, cựu thành viên Quốc hội và nhà phát triển bất động sản; Antonis Antoniou, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Giovani; và luật sư Andreas Pittadjis.

Vụ bê bối về "hộ chiếu vàng" đã được phơi bày trong một bộ phim tài liệu của Al Jazeera, "The Cyprus Papers Undercover" (tạm dịch là “Bí mật Hồ sơ Síp”), phát hành vào tháng 10/2020.

Trong bộ phim tài liệu, cả 4 người đàn ông nói với các phóng viên bí mật đóng giả là đại diện của một doanh nhân có tiền án tại quốc gia mình sống rằng, họ sẵn sàng giúp người này có được hộ chiếu Síp và trở thành công dân của Liên minh châu Âu - với một cái giá nhất định.

4 người đàn ông cho biết, thông qua Chương trình Đầu tư của Síp, hộ chiếu có thể được cấp với khoản đầu tư tối thiểu là 2,15 triệu euro (2,5 triệu USD vào thời điểm đó).

Theo luật pháp Síp, những tội phạm bị kết án không được hưởng lợi ích từ chương trình.

Khi các phóng viên hỏi luật sư Pittadjis rằng, trước đây ông có đổi tên khách hàng làm hộ chiếu để không bị phát hiện có tiền án hay không, Pittadjis cười và trả lời: "Tất nhiên, đây là Síp".

Còn Demetris Syllouris, Chủ tịch Quốc hội Síp khi đó, nói với các phóng viên rằng, họ sẽ có "sự ủng hộ hoàn toàn" của ông.

Khi được hỏi, nếu người nộp đơn đã có tiền án thì có thể nhận được hộ chiếu không, Syllouris trả lời: "Tôi không thể đảm bảo 100% nhưng [khả năng] là 99%".

Vào thời điểm đó, ông Demetris Syllouris là nhân vật quan trọng thứ 2 trên chính trường Síp, chỉ sau Tổng thống Nicos Anastasiades. Bởi vậy, đoạn ghi âm cuộc trò chuyện đã khiến người dân nước này vô cùng bất bình. Sau đó, do sức ép của dư luận, ông Syllouris đã phải từ chức.

Cả 4 người đàn ông nói trên đều phủ nhận mọi hành vi sai trái. Trong một bài phát biểu, ông Syllouris khẳng định mình vô tội và tuyên bố sẽ thu thập bằng chứng chống lại những cáo buộc ông vi phạm pháp luật.

Hộ chiếu của Síp từ lâu được coi là “hộ chiếu vàng”, có ý nghĩa quan trọng với các cá nhân muốn vào châu Âu. Việc cấp hộ chiếu cho người nước ngoài tại Síp bắt đầu từ năm 2007 nhằm đổi lấy các khoản đầu tư lớn.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2013, chính sách này được đẩy mạnh hơn. Việc cấp hộ chiếu cho người nước ngoài nói trên đã giúp Síp thu về khoảng 8,2 tỷ USD trong những năm qua.

Chính sách “đổi tiền lấy quốc tịch” tại Síp đã giúp các đối tượng xấu, chỉ cần có tiền, có thể thâm nhập EU dễ dàng, di chuyển tự do theo Hiệp ước Schengen về đi lại tự do trong lãnh thổ EU với những mục đích khác nhau, như tìm kiếm các mức thuế thấp, giáo dục ưu việt, thậm chí chạy trốn các bản án... gây ra những nguy cơ tiềm ẩn.

Sau vài ngày bộ phim tài liệu của Al Jazeera được phát, chương trình "hộ chiếu vàng" đã bị hủy bỏ; Syllouris và Giovani từ chức; Liên minh châu Âu, Chính phủ Síp và cảnh sát đã mở các cuộc điều tra.

Những tấm hộ chiếu Liên minh châu Âu rất được ưa chuộng, đặc biệt là đối với những người từ châu Á, Trung Đông, Ukraine...

Người mang hộ chiếu Síp được tự do sinh sống, làm việc và đi lại tại 27 quốc gia thành viên EU và được miễn thị thực tới hơn 170 quốc gia.

Trước khi "The Cyprus Papers Undercover" được phát sóng, nhóm điều tra của Al Jazeera đã công bố một tài liệu mật mang tên "The Cyprus Papers" (tạm dịch là “Hồ sơ Síp”), một tập hợp hơn 2.000 tài liệu bị rò rỉ liên quan chương trình hộ chiếu Síp.

Các tài liệu cho thấy, từ năm 2017 đến 2019, Síp đã phê duyệt hộ chiếu cho hơn 30 người đang bị điều tra hình sự, trừng phạt quốc tế hoặc đang thi hành án tù.

Hơn 40 người nộp đơn xin cấp hộ chiếu giữ các vị trí chính trị hoặc nhà nước nhạy cảm, đồng nghĩa với việc họ được coi là một nguy cơ nghiêm trọng cho hối lộ hoặc rửa tiền theo hướng dẫn của EU.

Vào thời kỳ đó, Síp đã phê duyệt hơn 1.400 hộ chiếu theo chương trình này, với nhiều hộ chiếu cấp bao gồm cả thành viên gia đình, nâng tổng số lên gần 2.500.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tân Tổng thống Botswana cam kết đấu tranh chống tham nhũng

Tân Tổng thống Botswana cam kết đấu tranh chống tham nhũng

(Thanh tra) - Tân Tổng thống Botswana Duma Boko ngày 19/11 cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành một cuộc chiến quyết liệt chống tham nhũng, trong đó tất cả những người bị coi là có tội sẽ bị đưa ra pháp luật một cách nghiêm khắc.

Ngọc Anh

12:40 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm