Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

10 sự kiện nổi bật năm 2011

Thứ năm, 26/01/2012 - 12:10

(Thanh tra) - Năm 2011 qua đi để lại nhiều dư âm buồn cho thế giới. Thiên tai nặng nề ở Nhật Bản, Thái Lan; chiến tranh, bạo loạn nổ ra ở Trung Đông và đặc biệt là kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái kép. Tất cả chúng ta đều mong bức tranh u ám này sẽ nhanh chóng qua đi và hy vọng năm mới 2012 sẽ tốt đẹp hơn...

1- Cách mạng mùa Xuân Arab

Mặc dù cách mạng mùa Xuân Arab bắt đầu nổ ra vào trung tuần tháng 12/2010 nhưng đến mùa Xuân 2011 mới thực sự bùng phát mạnh mẽ cả về chiều sâu lẫn chiều rộng.

Ngày 14/1, cuộc cách mạng này đã giật đổ chính quyền Tunisi sau 1 tháng biểu tình đẫm máu. Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali đã phải chạy trốn sang Saudi Arab sau 23 năm trị vì đất nước.

Ngày 11/2, cuộc cách mạng này cũng buộc Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak phải từ chức và bị trục xuất ra nước ngoài, trao lại quyền kiểm soát cho chính quyền quân sự đến khi cuộc bầu cử được tiến hành, dự kiến vào năm 2012.

Ngoài ra, cách mạng mùa Xuân Arab còn nổ ra ở nhiều quốc gia khác như Syri, Li Băng, Yemen, Maroc, Oman, Jordan, Iraq, Sudan... Nhưng, đỉnh điểm phải kể đến là cuộc cách mạng đẫm máu ở Lybi. Nó đã làm cho quốc gia ở Bắc Phi này thiệt hại nặng cả người và của. Trước tình hình đó, NATO buộc phải can thiệp bằng quân sự và ủng hộ phe nổi dậy chống lại chính quyền. Sau nhiều tháng giao tranh, phe nổi dậy đã kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ Lybi đồng thời lật đổ chế độ độc tài Muammar Gaddafi sau 41 năm cầm quyền.

Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, mùa Xuân Arab chắc chắn vẫn còn tiếp diễn và chừng nào còn sự độc tài và bất dân chủ thì vẫn còn cuộc chiến đòi công lý.

2- Thảm họa kép ở Nhật Bản

Ngày 11/3 sẽ đi vào lịch sử không bao giờ quên đối với nước Nhật khi trận động đất 9,1 độ richter kèm theo sóng thần đã tàn phá vùng biển phía Đông nước này.

Thảm họa kép đã giết chết 15.822 người và hơn 3.926 người mất tích. Nhiều thị trấn và làng mạc đã bị phá hủy hoàn toàn. Tồi tệ hơn nữa là 4 lò hạt nhân của nước này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dư chấn động đất và gây hoang mang cho cả thế giới về mức độ nhiễm phóng xạ.

 Ước tính, thiệt hại cho đại thảm họa này lên tới 235 tỷ USD và làm cho nước Nhật phải mất nhiều năm mới phục hồi lại trạng thái ban đầu.

3- Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden

Ngày 1/5 là dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố của siêu cường số 1 thế giới - Hoa Kỳ - khi Tổng thống Barak Obama tuyên bố đã hạ được trùm khủng bố Osama bin Laden, người sáng lập và là lãnh đạo “tập đoàn” khủng bố al-Qaeda.

Để khai tử được Osama bin Laden, Mỹ đã phải tốn rất nhiều tiền của và cả mạng sống của các binh lính hiện diện ở Afghanistan cũng như Pakistan sau 10 năm lùng sục.

Bất ngờ là, Osama bị tiêu diệt trong một dinh thự gần căn cứ quân sự của Pakistan. Điều này đã đặt ra nhiều nghi ngờ cho đồng minh thân cận của Mỹ.

4- Châu Âu tung gói cứu trợ Hy Lạp trị giá 78 tỷ euro

Trung tuần tháng 5, sau nhiều tranh cãi gay gắt tại các hội nghị, Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã thống nhất tung gói cứu trợ trị giá 78 tỷ euro để cứu Hy Lạp thoát khỏi cảnh phá sản.

Trước đó, sự “vung tay quá trán” trong chi tiêu công đã khiến Hy Lạp mắc nợ như chúa chổm và mất khả năng thanh toán cho các chủ nợ.

Sở dĩ các quốc gia trong khối EU như Đức, Pháp... - nơi có nền kinh tế ổn định hơn, phải oằn lưng đóng thuế để kéo Chính phủ và dân Hy Lạp không bị sụp đổ vì họ sợ hiệu ứng dây chuyền. Tuy nhiên, cho đến nay, các chuyên gia kinh tế vẫn hết sức lo ngại cho tình hình nợ ở Hy Lạp.

Không những thế, tình hình này còn lây sang cả Italia, Bồ Đào Nha... Và, những món nợ này đang làm đau đầu các chính phủ.

5- Nam Sudan trở thành quốc gia trẻ nhất thế giới

Ngày 9/7, Nam Sudan đã trở thành quốc gia non trẻ nhất thế giới sau khi tách ra khỏi quốc gia Sudan.

Để giành được sự độc lập này, cả Sudan và Nam Sudan đã phải trả giá quá đắt. Sau hàng thập kỉ nội chiến, đã có hơn 2,5 triệu người tử vong và hơn 5 triệu người phải đi tị nạn ở nước ngoài.

Nam Sudan “chiến đấu” đến hơi thở cuối cùng để tách khỏi Sudan vì muốn thoát khỏi chế độ độc tài Omar al-Bashir, người đã nắm quyền từ năm 1989 đến nay. Ông này bị cáo buộc tham nhũng hàng tỷ USD cũng như phạm tội diệt chủng. (Ảnh 5)

6- Thảm sát kép ở Na Uy

Ngày 22/6, đất nước thanh bình và văn minh thuộc hạng cao nhất thế giới là Na Uy đã bị rung chuyển bởi 2 vụ khủng bố do một thủ phạm gây ra.

Có 85 người bị thiệt mạng trong vụ bắn giết tại trại thanh niên do Đảng Lao động cầm quyền tổ chức trên đảo Utoeya và 7 người tử vong trong vụ đánh bom ở trung tâm Thủ đô Oslo.

Người gây ra thảm sát này là Andders Behring Breivik, từng học trường quản lý kinh doanh, có một hồ sơ hình sự hoàn toàn trong sạch và chưa từng có kinh nghiệm về quân sự. Tuy nhiên, hắn đã biết chế tạo thuốc nổ để gây ra vụ khủng bố tàn khốc nêu trên.

7- Đại hồng thủy ở Thái Lan

Năm 2011 là năm kinh hoàng đối với nhân dân Thái Lan do tác động của lũ lụt nghiêm trọng.

Từ giữa tháng 7, ảnh hưởng của cơn bão Nock Ten đã gây lũ lụt và nhấn chìm nhiều tỉnh, thành của Thái Lan, trong đó có Thủ đô Băng Cốc.

Đến ngày 21/11 thì 17/77 tỉnh, thành của nước này vẫn chìm trong nước lũ.  Sang tháng 12, mặc dù nước đã rút, nhưng Băng Cốc và nhiều nơi vẫn bị ảnh hưởng. Cho đến nay, đã có tổng cộng 606 người thiệt mạng và 3 người mất tích.

Cơ quan Ngăn ngừa Thảm họa và Di trú Thái Lan cho biết, trận đại hồng thủy kéo dài 6 tháng qua đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến 10 triệu dân nước này. Ngân hàng Thế giới ước tính, thiệt hại kinh tế tổng cộng là 45 tỷ USD.

8- “Vua” công nghệ thế giới qua đời

Ngày 5/10, cả thế giới mê công nghệ tiếc thương trước sự ra đi của Steven Jobs, người sáng lập ra Tập đoàn Apple và là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành Công nghiệp máy tính thế giới.

Steve Job qua đời sau nhiều năm chống lại bệnh ung thư tuyến tụy. Ông được coi là một nhà phát minh, một nhà kinh doanh bậc thầy mà thế giới hiếm có. Trong sự nghiệp, ông đã tạo ra những sản phẩm công nghệ đầy mê hoặc như máy nghe nhạc iPod, điện thoại thông minh iPhone, máy tính bảng iPad và máy tính MacBook Air. Ngoài ra, ông còn tạo ra cách mạng về cách nghe nhạc, phim hoạt hình.

Nhờ tài năng lãnh đạo, Jobs cũng đã vực dậy Công ty Apple (trước đó, ông chia tay công ty do mình sáng lập sau những bất đồng với Chủ tịch Hội đồng quản trị) từ vực phá sản thành công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới.

Jobs qua đời để lại số tài sản khoảng 8,3 tỷ USD.

9- Dân số thế giới cán mốc 7 tỷ người

Vào ngày 30/10, dân số thế giới đã chính thức cán mốc 7 tỷ người. Philippines là quốc gia đầu tiên trên thế giới loan báo tin vui này sau sự ra đời của bé gái Danica Camacho ở Thủ đô Manila.

Mặc dù con số 7 tỷ người chỉ là tương đối vì có thể cao hơn hoặc thấp hơn hàng triệu người do sai sót trong thống kê, nhưng nó cho thấy, trái đất đang mang trên mình khoảng 7 tỷ mạng sống con người. Đây là một cơ hội và cũng là một thách thức lớn. Sẽ có nhiều người hơn sống cùng nhau và giúp cho dân số thế giới không bị mai một, nhưng kéo theo đó cũng là sự ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu - nghèo ngày càng nới rộng, sự chật chội ở đô thị, nguồn lương thực và nước uống bị đe dọa.

Trong vòng 50 năm qua, dân số thế giới đã tăng 2 lần và không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.

10- Kinh tế thế giới bao trùm bóng đen

Với tác động của thảm họa sóng thần và động đất làm cho guồng máy kinh tế lớn thứ 3 thế giới - Nhật Bản, gần như dẫm chân tại chỗ
.

Trong khi đó, ở lục địa già cỗi Âu châu, những mối lo ngại không ngừng khi phải đối diện với nguy cơ sụp đổ của đồng tiền chung euro sau khi Hy Lạp, Iceland, Italia... đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Còn ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Mỹ cũng rơi vào tình cảnh túng quẫn không khác là mấy khi lần đầu tiên bị Tổ chức Xếp hạng Tín dụng S&P đánh tụt mức độ tín nhiệm từ AAA xuống còn AA+. Lý do là siêu cường số 1 thế giới này đã có khoản nợ công 15.000 tỷ USD, tương đương với GDP. Ngoài ra, Mỹ còn đối mặt với khoản thâm hụt ngân sách cũng như thâm thủng mậu dịch khổng lồ.

Siêu cường mới nổi Trung Quốc cũng tạo ra mối lo ngại cho toàn thế giới khi kinh tế nước này đang đứng trước nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản. “Nhiên liệu” chính phục vụ cỗ máy tăng trưởng của Trung Quốc là bất động sản đang xì hơi nhanh chóng. Chỉ trong vài tháng cuối năm, nhiều nơi giá nhà đã giảm tới 30%. Kèm theo đó là hoạt động sản xuất đình đốn (do không còn nhiều đơn đặt hàng từ châu Âu và Mỹ) làm cho hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, hàng triệu nhân công thất nghiệp.  Trong khi đó, lạm phát lại tăng cao. Mặc dù kinh tế Hoa lục tăng trưởng vẫn cao trong năm nay, nhưng được dự đoán là sẽ khó khăn trong những năm tiếp theo và không đủ lực để vực kinh tế thế giới đi lên.

Các chuyên gia tài chính lo ngại, thế giới đang lặp lại kịch bản đại khủng hoảng từng xảy ra trong thập niên 30 của thế kỉ trước. Hiện màu sắc kinh tế thế giới u ám hơn so với năm 2008 vì nhiều nền kinh tế chủ chốt đã suy yếu và không còn khả năng để tung gói kích cầu như cách đây 3 năm. Giờ đây, nhiều người cầu nguyện có một phép màu để trái đất vượt qua giai đoạn tồi tệ này.


Hữu Mạnh (Tổng hợp từ CNN/WK/Time)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm