Thấu triệt lời căn dặn của Người, Đảng ta luôn nhất quán: “Đoàn kết thống nhất trong Đảng, trước hết là ở cơ quan lãnh đạo, có ý nghĩa quyết định sự thành công của cách mạng” (2). 

Thế nhưng vẫn tồn tại một sự thật đau lòng là: “Trong Đảng có ý kiến khác nhau để tìm tòi các biện pháp nhằm thực hiện được các mục tiêu của Đảng là cần thiết và là điều bình thường. Tuy nhiên, có lúc, có nơi đã để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ. Chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng bản vị, cục bộ” (3).

Vì vậy, nhận diện và khắc phục tình trạng “đoàn kết xuôi chiều” trong nội bộ hiện nay là vấn đề rất cấp thiết.

1. Nhận diện tình trạng “đoàn kết xuôi chiều” trong nội bộ và tác hại

Ngay từ những năm cuối kỷ thứ XX, Đảng ta sớm nhận thức nguy cơ của mất đoàn kết nội bộ - một trong những nguy cơ phá hoại Đảng từ bên trong. Vì vậy, trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương số 157/TLHN, ngày 5/1/2004 về kiểm điểm nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã khẳng định: “Việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn đoàn kết nội bộ tuy có chuyển biến, tiến bộ, nhưng vẫn còn những biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc không theo quy chế, độc đoán, chuyên quyền; một số nơi còn tiềm ẩn nguy cơ mất đoàn kết, không thể xem thường; bên cạnh đó không ít tổ chức đảng có biểu hiện đoàn kết xuôi chiều” (4).

Xuôi chiều ở đây xảy ra hai thái cực:

Một là, đoàn kết xuôi chiều “tích cực”. Tức là, nhất cử, nhất động của mỗi cá nhân đều nhân danh tập thể để ủng hộ tuyệt đối các quyết định của tập thể cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Về mặt hình thức, có vẻ là tích cực, nhưng bản chất là tiêu cực, bởi vì: Nó triệt tiêu khả năng phản biện, tính sáng tạo của cán bộ, đảng viên thuộc quyền. Theo đó, họ chỉ phụ họa theo ý kiến của người đứng đầu, sợ mất lòng, sợ va chạm, sợ bị đánh giá là không ủng hộ cấp trên, sợ bị cô lập... Cho nên, giải pháp an toàn của họ là “thứ nhất ngồi lỳ, thứ nhì đồng ý”. Thứ đoàn kết xuôi chiều này, tuy chưa ảnh hưởng tiêu cực ngay một sớm, một chiều; nhưng về lâu dài, nó làm cho người đứng đầu “dương dương tự đắc”, coi mọi quyết định mình là đúng đắn, là chân lý; còn tập thể thì tự biến mình trở thành tổ chức đớn hèn, như “một guồng máy” luôn chịu sự điều khiển của người đứng đầu. Kết quả là mất đoàn kết nội bộ, thậm chí có tổ chức Đảng mất sức chiến đấu.

Hai là, đoàn kết xuôi chiều tiêu cực. Đó là hiện tượng đoàn kết với mục đích bảo vệ lợi ích cục bộ, bản vị của nhóm lợi ích tiêu cực. Vì lợi ích nhóm tiêu cực, họ sẵn sàng kéo bè, kéo cánh, cô lập và trù dập những người không cùng “cánh hẩu”, sẵn sàng chà đạp lên lợi ích của người khác, sẵn sàng nhắm mắt làm liều…

Thật dễ nhận ra một sự thật đau lòng là: Đằng sau những khẩu hiệu đầy tính “dân túy”, đằng sau những cuộc “thị sát” các công trình thuộc kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của một số lãnh đạo các bộ, ngành rồi thay quân giữa dòng, “chém tướng” ngay tại hiện trường là để gây dựng vây cánh, tạo nhóm lợi ích tiêu cực mới. Hậu quả là, tổ chức ngày càng mất đoàn kết hơn, mất dân chủ nhiều hơn; từ đó kéo theo hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng đó là: Đảng mất cán bộ, Nhà nước và nhân dân mất tài sản, nhân dân mất niềm tin vào một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất…

Điều đáng lo ngại là, đoàn kết xuôi chiều tiêu cực trong các tổ chức Đảng không chỉ xảy ra ở cơ sở mà nghiêm trọng hơn là ở cả một số cơ quan Trung ương, các đơn vị kinh tế lớn.

Sau hơn 12 năm kể từ khi có Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương số 157/TLHN, đến Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tình trạng này không những không được khắc phục triệt để, mà còn ngày càng phức tạp và nghiêm trọng hơn. Vì vậy, trong nghị quyết, Đảng lại tiếp tục nhận định: “Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty”.

Nghị quyết cũng chỉ rõ biểu hiệu “gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền...” là biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống.

2. Khắc phục tình trạng “đoàn kết xuôi chiều” trong nội bộ hiện nay

 Tẩy trừ chủ nghĩa cá nhân. Để xóa bỏ một sự vật, hiện tượng phải triệt tiêu nguyên nhân sinh ra nó. Phải tẩy trừ chủ nghĩa cá nhân vì nó nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là nguyên nhân sâu xa và trực tiếp gây ra đủ thứ bệnh trong đó có đoàn kết xuôi chiều. Chủ nghĩa cá nhân là sản phẩm của chế độ xã hội cũ mà ở Việt Nam đó là chế độ phong kiến và chế độ thực dân. Các chế độ đó dựa trên nền tảng kinh tế là sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, là kinh tế cá thể, tư nhân và một phần kinh tế tư bản. Chế độ kinh tế đó hướng tới lợi ích vật chất của cá nhân, gia đình hoặc một nhóm, tập đoàn nào đó vì vậy nó nuôi dưỡng và phát triển lợi ích kinh tế của mỗi cá nhân và phát triển chủ nghĩa cá nhân. Cán bộ, đảng viên vướng vào chủ nghĩa cá nhân vì chưa gột rửa hết những tàn tích tiêu cực của chế độ cũ đó. Chính vì vậy, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (5).

Tẩy trừ chủ nghĩa cá nhân là việc không đơn giản vì nó là “kẻ thù trong ta” nên cuộc đấu tranh để từ bỏ nó rất khó khăn phức tạp; do đó, không những phải nhận diện đúng, mà còn phải kiên quyết tẩy trừ nó.

Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Đối với mình, những tư tưởng và hành động có lợi ích cho Tổ quốc, cho đồng bào là bạn. Những tư tưởng và hành động có hại cho Tổ quốc và đồng bào là kẻ thù. Thế là chẳng những ở ngoài, mà chính ở trong mình ta cũng có bạn và thù. Vì vậy chúng ta cần phải ra sức tăng cường bạn ở trong và ở ngoài, kiên quyết chống lại kẻ thù ở ngoài và ở trong mình ta” (6).

Theo đó, tẩy trừ chủ nghĩa cá nhân bằng cách cải tạo tư tưởng cho cán bộ, đảng viên thông qua công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; thông qua đẩy mạnh tự phê bình và phê bình của cá nhân và tập thể. Về hành chính, biện pháp căn cơ là phải làm tốt công tác thanh lọc đảng viên và công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng.

Kiên trì “giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đây là đoàn kết thực sự, đoàn kết trong Đảng ta là đoàn kết trên lập trường cách mạng của giai cấp công nhân. Ở bất cứ thời kỳ nào, đoàn kết nội bộ là vấn đề vô cùng hệ trọng, quyết định sự thành, bại trong lãnh đạo cách mạng của Đảng. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Thấu triệt lời dạy của Bác Hồ, trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng chủ trương: “Kiên quyết phòng, chống các biểu hiện bè phái, “lợi ích nhóm” và lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng để xuyên tạc sự thật, kích động, gây rối, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ” (7).

Kiên trì “giữ gìn con ngươi của mắt mình” trong điều kiện mới cần làm tốt nội dung yêu cầu sau:

Một là, là cần thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên về tính tất yếu, nội dung, biện pháp xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ. Theo đó, “nội bộ phải đoàn kết chặt chẽ, mở rộng tự phê bình và phê bình. Tăng cường chế độ lãnh đạo tập thể và cá nhân phụ trách. Phải khiêm tốn học hỏi cán bộ, học hỏi quần chúng, học hỏi tỉnh bạn. Phải cố gắng học tập lý luận, văn hóa và kỹ thuật” (8).

Hai là, tiếp tục xây dựng tổ chức Đảng các vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ - Nền tảng vững chắc và là điều kiện tiên quyết để củng cố, tăng cường đoàn kết nội bộ. Đồng thời, xây dựng mối đoàn kết máu thịt với nhân dân - nền tảng sức mạnh của Đảng. Muốn vậy, “trước hết là phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân, mỗi người phải tin chắc làm được” (9) như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định và theo chủ trương của Đảng ta: “Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc” (10).

Ba là, cán bộ phải nêu gương về đoàn kết. Đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp phải tiền phong gương mẫu gương về đoàn kết, mực thước về giữ gìn đoàn kết nội bộ; chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, giữ gìn đoàn kết nội bộ tốt, có tác phong lãnh đạo dân chủ, sâu sát, cụ thể, tới nơi, tới chốn và thực hành nêu gương trước cấp dưới. Kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện của “đoàn kết xuôi chiều” cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, chủ nghĩa kinh nghiệm, độc đoán, gia trưởng, xa rời, lãnh cảm với cấp dưới và đảng viên.

“Đoàn kết xuôi chiều” như “sợi dây cháy chậm” đã bị châm lửa đang được kết nối với “khối thuốc nổ”, nếu không phát hiện kịp thời phát hiện và dập tắt nó có thể phá vỡ nội bộ Đảng ta. Để khắc phục tình trạng đó nhằm xây dựng khối đoàn kết thống nhất thực chất trong Đảng nhất thiết phải quán triệt và thực hiện đúng tinh thần: “Tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng” và “dọc ngang thông suốt” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh.

Chú thích:

(1) (5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.622; tr.546

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 55, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.420

(3) (4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 63, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.922; tr.99

(6) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, tr.264

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.188

(8) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, tr.261

(9) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, tr.621

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.38

TS Hà Sơn Thái