Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình có nhiều cố gắng trong triển khai các quy định của Trung ương về quản lý, điều hành dự toán thu chi ngân sách; HĐND, UBND tỉnh đã triển khai ban hành kịp thời, đầy đủ các quy định và hướng dẫn theo thẩm quyền về quản lý, điều hành tài chính, ngân sách thời kỳ ổn định 2017-2020 (kéo dài thực hiện đến hết năm 2021). 

Tuy nhiên, tại kết luận thanh tra công tác quản lý ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình được công khai mới đây, Thanh tra Bộ Tài chính chỉ rõ việc ban hành quy định và hướng dẫn về quản lý, điều hành tài chính, NSNN của tỉnh Hoà Bình còn một số nội dung chưa phù hợp.

Chưa hướng dẫn quyết toán suất đầu tư

Công văn số 265/CV-HĐTĐGĐ ngày 24/12/2021 của Hội đồng Thẩm định giá đất tỉnh Hòa Bình quy định một số chỉ tiêu làm căn cứ xác định giá đất cụ thể của các dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnhchưa hướng dẫn phải quyết toán chi phí đầu tư trường hợp sử dụng giá trị suất vốn đầu tư để xác định giá trị quyền sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định.

Tại điểm 1.2 Khoản 1 của suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 65/QĐ-BXD ngày 20/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, mục đích sử dụng suất vốn đầu tư là để xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư dự án, xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng ở giai đoạn chuẩn bị dự án; trường hợp tạm sử dụng để xác định giá trị quyền sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai thì phải quyết toán chi phí đầu tư theo quy định của Bộ Tài chính làm căn cứ xác định tiền sử dụng đất của dự án phải nộp NSNN. Ngày 13/7/2022, Bộ Xây dựng ban hành suất đầu tư của năm 2021 không quy định cho tạm sử dụng để xác định giá đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Kiểm tra xác suất 11 dự án cho thấy, Hội đồng Thẩm định giá đất của tỉnh áp dụng suất vốn đầu tư của Bộ Xây dựng ban hành cho các năm trước làm căn cứ xác định giá trị quyền sử dụng đất và xây dựng giá sàn trong năm 2020, 2021 nhưng chưa thực hiện quyết toán chi phí đầu tư.

Ngoài dự án xây dựng hạ tầng khu đấu giá quyền sử dụng đất tại xóm Mỏ và tiểu khu 8, thị trấn Lương Sơn được UBND huyện Lương Sơn phê duyệt, các dự án còn lại không quy định quyết toán hạ tầng và chi phí dự phòng.

leftcenterrightdel
Trụ sở Công ty Cổ phần Nước sạch Hoà Bình. Ảnh: TK 

Chưa thoái vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Nước sạch Hòa Bình

Ngày 17/8/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt danh mục doanh nghiệp Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020.

Năm 2017, UBND tỉnh Hòa Bình đã thực hiện thoái vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Nước sạch Hòa Bình là 24%. Tuy nhiên, năm 2018 và năm 2019 không thực hiện thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Công ty theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg; tỷ lệ vốn Nhà nước còn lại tại công ty sau khi thoái vốn lần I năm 2017 là 40%. 

Ngày 2/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021- 2025 (hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/8/2021).

Ngày 09/9/2021, UBND tỉnh Hoà Bình đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến vào dự thảo quyết định của Thủ tướng phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước giai đoạn 2021-2025, trong đó UBND tỉnh đề nghị loại bỏ Công ty Cổ phần Nước sạch Hoà Bình khỏi danh sách doanh nghiệp thoái vốn.

Theo Thanh tra Bộ Tài chính, do Công ty Cổ phần Nước sạch Hoà Bình có tỷ lệ vốn Nhà nước là 40%, không đáp ứng tiêu chí phân loại theo quy định tại Khoản c Điều 4 Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg, nên thuộc đối tượng thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 theo hướng Nhà nước không nắm giữ cổ phần, vốn góp. Việc UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị đưa Công ty Cổ phần Nước sạch Hoà Bình khỏi danh sách doanh nghiệp thoái vốn giai đoạn 2021-2025 là chưa phù hợp quy định tại Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi kết thúc thanh tra và trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Hoà Bình, tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho Công ty Cổ phần Nước sạch Hoà Bình giữ nguyên phần vốn Nhà nước là 40% giai đoạn 2022-2025.

Chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa một số đơn vị

Theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Nông, Lâm nghiệp, trong đó quy định về chuyển Công ty Nông, Lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

Đến tháng 10/2022, UBND tỉnh Hoà Bình Bình chưa xây dựng phương án chuyển đổi sang công ty cổ phần đối với 4 doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Sông Bôi Hòa Bình, Công ty TNHH MTV Thanh Hà Hòa Bình, Công ty TNHH MTV 2-9 Hòa Bình, Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức thực hiện theo đúng quy định.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Quyết định số 26/2021/QĐ-TTg ngày 12/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần thì Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hoà Bình là đơn vị thuộc diện phải chuyển đổi sang mô mình công ty cổ phần.

Đến thời điểm thanh tra (tháng 9/2022), UBND tỉnh Hoà Bình vẫn chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chuyển đơn vị này thành công ty cổ phần giai đoạn 2021-2025 để triển khai thực hiện theo đúng quy định.

leftcenterrightdel
Trụ sở Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình. Ảnh: TK

Chưa công bố giá vật liệu đất đắp, chưa đóng mã số đơn vị quan hệ với ngân sách tại 11 dự án

Qua kiểm tra cho thấy Sở Xây dựng chưa công bố giá vật liệu đất đắp làm căn cứ quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình dẫn đến việc áp dụng không thống nhất tại các dự án trên địa bàn. 

Theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phi đầu tư xây dựng. 

Tuy vậy, năm 2021 và đến tháng 8/2022, Sở Xây dựng chưa công bố giá vật liệu đất đắp đến chân công trình để làm căn cứ quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn.

Việc Sở Xây dựng chưa phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, xác định giá đất đắp làm căn cứ quản lý chi phí đầu tư dẫn đến việc áp dụng không thống nhất tại các dự án trên địa bàn. 

Kiểm tra xác suất 4 dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hoà Bình quản lý cho thấy sự khác nhau khi phê duyệt dự toán hạng mục đất đắp tại các dự án.

Kiểm tra việc tất toán và đóng mã số đơn vị quan hệ với ngân sách theo Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 18/2020/TT-BTC ngày 31/3/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, đến thời điểm 30/6/2022, tại Văn phòng Kho bạc Nhà nước tỉnh có 11 dự án được đầu tư từ ngân sách tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán, đơn vị đã đề nghị tất toán tài khoản thanh toán hết công nợ, Kho bạc Nhà nước Hòa Bình đã làm xong thủ tục tất toán tài khoản, nhưng chưa làm văn bản gửi danh sách sang Sở Tài chính để đóng mã số đơn vị quan hệ với ngân sách.

 

Trần Kiên