Tại Công ty TNHH Một thành viên Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh, quá trình thanh tra niên độ các năm 2019, 2020, đoàn thanh tra kết luận: Công ty là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bia, năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, nhưng lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên công ty đã duy trì sản xuất, tạo việc làm và thu nhập khá cao, cung cấp nguyên liệu men bia cho một số doanh nghiệp, thuê các doanh nghiệp khác các dịch vụ… đã gián tiếp tạo việc làm cho nhiều lao động khác, góp phần đáng kể vào sự ổn định, phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh Hà Tĩnh.

Quá trình thanh tra về thực hiện quy định Luật Doanh nghiệp, quy định của pháp luật về lao động đảm bảo quy định.

Riêng quy định của pháp luật về tài chính - kế toán, thuế, còn một số quy chế về tài chính, chi tiêu chưa được bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với quy định mới hiện hành.

Trong thực hiện quy định về đất đai, đầu tư xây dựng dự án, trong kỳ thanh tra, công ty thực hiện đầu tư xây dựng, lắp đặt bổ sung thêm 2 tank (thùng nằm ngang) để sản xuất bia, mỗi tank dung tích 165m3, với tổng giá trị đầu tư 13.166.359.220 đồng, năm 2019 đã nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Qua kiểm tra, công ty đã thực hiện đảm bảo trình tự, thủ tục thẩm quyền về đầu tư xây dựng đối với doanh nghiệp. Tuy vậy, nhà thầu Công ty TNHH Cơ nhiệt điện lạnh Bách Khoa (đóng tại Hà Nội) thi công gói thầu xây dựng, lắp đặt thiết bị với giá trị hợp đồng được nghiệm thu thanh toán 12.330.000.000 đồng. Đây là nhà thầu có trụ sở ngoài tỉnh Hà Tĩnh, nhưng đến thời điểm thanh tra chưa đăng ký kê khai và đóng nộp thuế giá trị gia tăng vãng lai ngoại tỉnh theo quy định. Đoàn thanh tra yêu cầu Công ty TNHH Cơ nhiệt điện lạnh Bách Khoa phải truy nộp số tiền thuế giá trị gia tăng vãng lai ngoại tỉnh chưa thực hiện.

Qua thanh tra, yêu cầu công ty kiến nghị chủ sở hữu (Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn) tiến hành điều chỉnh điều lệ công ty phù hợp với pháp luật hiện hành cũng như cách thức, phương pháp điều hành của chủ sở hữu và công ty mẹ đối với các công ty con (sửa đổi quy định chủ tịch hội đồng thành viên phải có quốc tịch Việt Nam, chủ tịch hội đồng quản trị công ty mẹ bổ nhiệm và bổ nhiệm lại tổng giám đốc...). Rà soát, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh quy chế tài chính và các nội quy, quy chế khác đã được ban hành từ khi thành lập công ty (trước khi cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại công ty mẹ) để phù hợp với quy định hiện hành và công tác quản trị điều hành mới của chủ sở hữu, hội đồng thành viên.

Sửa đổi, điều chỉnh quy định quản lý chi phí của công ty để quy chế phù hợp với pháp luật hiện hành. Chuyển từ hóa đơn giấy sang sử dụng hóa đơn điện tử.

Thực hiện việc chuyển đổi nơi đóng nộp kinh phí công đoàn từ Công đoàn ngành Công thương về liên đoàn lao động nơi công ty đăng ký địa chỉ trụ sở kinh doanh (Liên đoàn Lao động huyện Thạch Hà) để đảm bảo phân cấp trong thu nộp nguồn kinh phí công đoàn.

Trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng (nếu có), công ty chủ động phối hợp với cơ quan thuế địa phương, đề nghị nhà thầu ngoại tỉnh đăng ký, kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng vãng lai theo quy định.

Về kinh tế, đã ban hành quyết định về xử lý thu hồi thuế giá trị gia tăng vãng lai ngoại tỉnh, số tiền 224.181.818 đồng vào ngân sách Nhà nước từ Công ty TNHH Cơ nhiệt điện lạnh Bách Khoa.

Tại Công ty Cổ phần Lương thực Hà Tĩnh, là doanh nghiệp đăng ký 52 ngành nghề kinh doanh khác nhau, trong đó lương thực là ngành chủ đạo, nông sản, phân bón và kinh doanh dịch vụ khác...

Qua thanh tra, đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế: Công ty có 5 chi nhánh hoạt động trong và ngoài tỉnh, trong đó có chi nhánh hoạt động không hiệu quả. Công tác quản lý, sử dụng đất tại một số địa điểm được thuê đất hiện tại không phát huy hiệu quả sử dụng đất.

Thanh tra tỉnh cũng đề nghị công ty bổ sung, chấn chỉnh, tổ chức thực hiện các nội dung còn tồn tại và kiến nghị, xử lý các nội dung: Cập nhật những thông tin doanh nghiệp, quy định mới và ban hành điều lệ mới theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Thực hiện phân phối lợi nhuận sau thuế theo điều lệ mới của công ty.

Xây dựng lộ trình đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin tại văn phòng và các chi nhánh để sử dụng đồng bộ hóa đơn điện tử quy định tại Nghị định số 119/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Thực hiện trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi để có căn cứ thực hiện theo đúng quy định của công ty. Lập, quản lý và sử dụng sổ quản lý lao động; tổ chức khám sức khỏe định kỳ đầy đủ cho người lao động; báo cáo tình hình sử dụng lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo Khoản 2, Điều 4 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP; xây dựng định mức lao động theo quy định.

Đối với 3 vị trí thuê đất trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh, yêu cầu công ty thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kết luận số 92/KL-UBND ngày 26/3/2018 và Văn bản số 4092/UBND-NL2 ngày 24/6/2019. 

Đối với 7 vị trí tại các huyện, có 2/7 vị trí thuê đất tại thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Xuân An, yêu cầu công ty xây dựng phương án sắp xếp sản xuất, kinh doanh, lập dự án để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, tránh để lãng phí nguồn lực đất đai của Nhà nước, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường đô thị. Trường hợp không còn có nhu cầu sử dụng thì báo cáo UBND tỉnh, trả lại đất cho Nhà nước trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày kết luận thanh tra này được ban hành.

Tại Công ty Cổ phần Hồng Vượng là doanh nghiệp có các ngành nghề kinh doanh gồm: Khai thác, chế biến, kinh doanh vật liệu xây dựng (đá, cát, sỏi, đất); dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường bộ, bốc xếp hàng hóa đường bộ.

Qua thanh tra, đã chỉ ra một số tồn tại và kiến nghị biện pháp xử lý, nhất là thực hiện quy định của pháp luật về tài chính - kế toán, thuế để xảy ra một số sai sót về mẫu chứng từ, mẫu sổ cái tài khoản, hạch toán chi phí, chưa thực hiện tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hằng quý, nợ đọng thuế cuối năm khá lớn.

Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các lỗi trong sử dụng hóa đơn, chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử trong thời gian tới (hạn cuối phải sử dụng ngày 1/7/2022). Sử dụng mẫu phiếu thu, phiếu chi, sổ cái các tài khoản theo đúng quy định; hạch toán việc nộp tiền ký quỹ đúng chuẩn mực và nguyên tắc kế toán theo quy định tại Thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực hiện nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách, tránh tình trạng nợ đọng thuế kéo dài; hằng quý ước tính và tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.

Định kỳ 6 tháng và năm, công ty báo cáo tình hình sử dụng lao động gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Can Lộc; lập, quản lý và sử dụng sổ quản lý lao động; thực hiện việc thỏa ước lao động tập thể, tổ chức hội nghị người lao động; xây dựng nội quy lao động; định kỳ hằng năm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; thực hiện việc thỏa ước lao động tập thể, tổ chức hội nghị người lao động theo quy định tại Khoản 2, Điều 14 Nghị định số 60/2013/NĐ-CP về quy định chi tiết khoản 3, Điều 63 Bộ luật Lao động năm 2012 về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

Về kinh tế, yêu cầu Công ty Cổ phần Hồng Vượng thực hiện nộp ngân sách Nhà nước số tiền hơn 152.693.000 đồng thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.

Xuân Thống