Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ

Thứ năm, 15/12/2011 - 23:49

(Thanh tra)- Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 8702/VPCP-KNTN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý sau thanh tra công tác qui hoạch, quản lý và sử dụng đất (SDĐ) tại TP Hồ Chí Minh. Tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý với kết luận và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ (TTCP) tại Kết luận thanh tra số 2889/KL-TTCP-V.I; đồng thời yêu cầu UBND TP Hồ Chí Minh báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ trong quí I/2012.

•    UBND TP HCM có trách nhiệm kiểm điểm và có hình thức xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân sai phạm và báo cáo kết quả thưc hiện lên Thủ tướng Chính phủ trong quí I/2012.

Lập kế hoạch SDĐ chậm

Giai đoạn 2001 - 2010, công tác qui hoạch, kế hoạch SDĐ chưa được UBND TP và các cấp chính quyền địa phương thực hiện đúng theo qui định. Qui hoạch, kế hoạch SDĐ đã được duyệt hầu hết chậm so với thời gian qui định; số liệu các chỉ tiêu qui hoạch có nội dung thiếu cơ sở, độ tin cậy và chất lượng thấp; công tác đánh giá dự báo cơ cấu SDĐ trong kỳ qui hoạch, kế hoạch SDĐ thiếu chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần. Kết quả thực hiện đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch được duyệt, một số D.A được giao thiếu cơ sở pháp lý. Theo đó, nguồn kinh phí được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước trị giá trên 42,1 tỷ đồng phục vụ công tác lập và phê duyệt qui hoạch, kế hoạch SDĐ của TP và các quận, huyện có hiệu quả sử dụng thấp. Cụ thể, giai đoạn 2001 - 2005, TP không lập và trình duyệt qui hoạch SDĐ mà lập kế hoạch SDĐ hàng năm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng không đúng qui định. Trước khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt qui hoạch SDĐ, UBND TP đã quyết định giao đất cho 758 D.A làm nhà ở, phúc lợi công cộng và sản xuất kinh doanh chưa đúng qui định.

Giai đoạn 2006 - 2010, UBND TP lập điều chỉnh qui hoạch SDĐ đến năm 2010, kế hoạch SDĐ 5 năm và được Chính phủ phê duyệt. Kiểm tra cho thấy, năm 2006, TP chưa có kế hoạch SDĐ được phê duyệt nhưng đã vận dụng và căn cứ vào qui hoạch xây dựng để giao đất cho 217 D.A làm nhà ở, phúc lợi công cộng và sản xuất kinh doanh với tổng diện tích trên 1.634 ha.

TTCP đã thanh tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến công tác qui hoạch, SDĐ, qui hoạch xây dựng và quản lý đất tại Sở Qui hoạch và Kiến trúc; Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); UBND 6 quận, huyện; Ban quản lý Khu đô thị mới Nam TP; Cục thuế, chi cục thuế quận 2, 7, Bình Tân, Bình Chánh và 38/804 dự án (D.A) khu đô thị, nhà ở.


Đáng nói là, giai đoạn 2001 - 2005, hầu hết các quận, huyện không lập qui hoạch SDĐ mà chỉ lập kế hoạch SDĐ hàng năm gửi Sở TN&MT thẩm định trình UBND TP phê duyệt. Giai đoạn 2006 - 2010, việc lập qui hoạch SDĐ đến năm 2010, kế hoạch SDĐ 5 năm và định hướng SDĐ đến năm 2020 của 24 quận, huyện được Sở TN&MT thẩm định và trình UBND TP phê duyệt chủ yếu vào cuối năm 2008 và năm 2009. Ở cấp xã, phường, thị trấn, đầu năm 2009, UBND TP mới ban hành quyết định phê duyệt qui hoạch SDĐ đến năm 2010, kế hoạch SDĐ 5 năm cho 159 phường, thị trấn và xã đô thị.
   
Giữ qui hoạch 17 năm

Kiểm tra việc SDĐ giai đoạn 2001 - 2005 cho thấy, hầu hết các loại đất chưa được sử dụng đúng chỉ tiêu kế hoạch; mất cân đối cơ cấu SDĐ. Dẫn đến nhiều D.A tồn tại dưới dạng qui hoạch treo, nhất là các D.A hạ tầng xã hội, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Công tác qui hoạch xây dựng, qui hoạch chung cấp TP và cấp quận, huyện từ năm 2000 - 2010 có 2 đồ án. Đồ án qui hoạch chung cấp TP đến 2020 được phê duyệt năm 1998 cho thấy một số chỉ tiêu chưa bảo đảm Qui chuẩn xây dựng Việt Nam ban hành năm 1996, số liệu đánh giá hiện trạng qui hoạch chưa đúng dẫn đến định hướng qui hoạch chưa phù hợp với thực tế, chất lượng đồ án và tính dự báo thấp. Đồ án qui hoạch chung TP đến năm 2025 được phê duyệt năm 2010 có thời gian lập và phê duyệt dài trên 12 năm trong khi theo qui định, cứ 5 năm phải điều chỉnh qui hoạch cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Vì vậy, phát sinh những bất cập trong công tác quản lý đô thị, định hướng qui hoạch chung TP thiếu chính xác, hiệu quả thấp. Ngoài ra, qui hoạch chung của Khu Nam TP cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1994 nhưng đến nay đã gần 17 năm vẫn chưa được xem xét điều chỉnh. Đến nay, Khu Nam TP chưa có thiết kế đô thị, qui hoạch tổng thể mạng lưới trường học, mạng lưới y tế, hệ thống thoát nước…

Sở Qui hoạch Kiến trúc là chủ đầu tư lập và trình duyệt 169 đồ án qui hoạch 1/2000 nhưng có đến 46 đồ án qui hoạch không sử dụng được, gây lãng phí trên 7,5 tỷ đồng.

Chất lượng các đồ án qui hoạch chi tiết đô thị chưa được các cơ quan liên quan quan tâm đúng mức về chất lượng. Nhiều đồ án có chất lượng thấp, nội dung qui hoạch chưa đúng Qui chuẩn xây dựng. Điển hình, Ban quản lý Khu đô thị mới Nam TP đã giao cho các nhà đầu tư tự lập qui hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đối với các khu chức năng, chấp thuận địa điểm và chia nhỏ các khu chức năng thành nhiều D.A thành phần. Do vậy, qui hoạch chi tiết liên tục phải điều chỉnh theo đề nghị của các chủ đầu tư. Ví dụ, Cty cổ phần phát triển nhà Nam Sài Gòn (Sadeco) thi công hạ tầng kỹ thuật chưa đúng qui hoạch được duyệt, lấn đất xây dựng giao thông và đất công trình công cộng để làm nhà ở, chuyển nhượng đất khi chưa được giao. Ban quản lý khu Nam phê duyệt điều chỉnh qui hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bổ sung đất xây dựng trụ sở làm việc của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Sài Gòn với diện tích gần 2.000m2 của D.A khu nhà ở và nghỉ ngơi giải trí tại phường Tân Phong ngoài quyết định giao đất của Thủ tướng Chính phủ, ngoài qui hoạch chi tiết được duyệt.

Buông lỏng quản lý   

Có đến 40% hồ sơ thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ của các cơ quan, sở, ngành và UBND TP giải quyết chậm, gây lãng phí về thời gian. UBND các huyện, quận, Sở TN&MT đã tham mưu trình UBND TP quyết định giao đất cho 3 D.A ngoài qui hoạch, kế hoạch SDĐ được duyệt. UBND huyện Bình Chánh đã ban hành 58 thông báo chấp nhận chủ trương đầu tư trái thẩm quyền. Ban quản lý khu Nam TP cũng chấp thuận cho 3 chủ đầu tư thực hiện các D.A trên 37ha dù không đủ năng lực. Các D.A này cần xem xét thu hồi. Từ 1998 - 2008, Ban quản lý khu Nam TP cũng ban hành các văn bản chấp thuận cho 108 D.A khu dân cư và chấp thuận địa điểm thực hiện các D.A công trình công cộng với mục đích kinh doanh trái thẩm quyền. Đoàn thanh tra cũng phát hiện 17 D.A của khu Nam TP chồng lấn vào phạm vi 20m an toàn công trình đường bộ và giới hạn hành lang bảo vệ cầu.

Tại Văn bản số 8702/VPCP-KNTN, Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của TTCP, tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân sai phạm; đồng thời xử lý triệt để về kinh tế. UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ TN&MT, TTCP xem xét, xử lý kiến khiếu nại của Cty Cổ phần đầu tư kinh doanh nhà, Cty TNHH Tấn Trường và Cty phát triển công nghiệp Tân Thuận liên quan đến việc truy thu tiền SDĐ đã nộp đủ theo thông báo của cơ quan thuế TP. UBND TP Hồ Chí Minh báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ trong quí I/2012.

Bên cạnh đó, hầu hết các D.A được thanh tra đều có tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch được phê duyệt, nhiều D.A chậm từ 3 - 5 năm, có D.A chậm 9 năm chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa đầu tư xây dựng như D.A khu nhà ở Hiệp Phú phường Hiệp Phú, quận 9 với diện tích 10,8ha do Cty TNHH MTV kinh doanh nhà Phú Nhuận là chủ đầu tư. UBND TP cũng chấp thuận chuyển đổi chủ đầu tư chưa đúng thẩm quyền, cho phép các nhà đầu tư điều chỉnh qui hoạch, chuyển đổi mục đích SDĐ từ đất công viên cây xanh, đất công trình công cộng sang đất ở dẫn đến tình trạng thiếu diện tích để xây dựng công viên cây xanh so với qui hoạch được duyệt…

Xử lý tài chính, trách nhiệm

Giai đoạn 2001 - 2010, UBND TP đã ra quyết định thu hồi và giao đất cho 804 D.A nhà ở với diện tích 7.517ha. Hiện nay, còn 69 D.A chủ đầu tư chưa kê khai nộp tiền SDĐ. Nguyên nhân do đang gặp khó khăn trong xác định đơn giá đất để tính tiền SDĐ theo qui định tại Nghị định 69/2009/NĐ-CP “sát với giá chuyển nhượng quyền SDĐ thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường”.

TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hồ Chí Minh thu hồi về ngân sách Nhà nước các khoản do thực hiện tính toán và kê khai tiền SDĐ không đúng qui định trên 554,6 tỷ đồng; chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc TP xem xét thu hồi khoản tiền SDĐ chưa thực hiện theo qui định 691,7 tỷ đồng, tiền phạt do chậm nộp tiền SDĐ 259,6 tỷ đồng; xem xét, xử lý các khoản đề nghị truy thu tiền SDĐ đối với trường hợp đã nộp đủ tiền sử dụng trước đây theo thông báo của cơ quan thuế TP, như Cty Intresco 244,5 tỷ đồng, Cty TNHH Tấn Trường 103,9 tỷ đồng, Cty Phát triển công nghiệp Tân Thuận 24,8 tỷ đồng…

Về xử lý trách nhiệm: UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo và thực hiện xử lý trách nhiệm đối với các sở, ban, ngành, Ban quản lý khu Nam TP, UBND các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan. Chỉ đạo phê duyệt qui hoạch mạng lưới cơ sở y tế, mạng lưới giáo dục khu đô thị mới Nam TP; kiểm tra rà soát đối với các D.A trên địa bàn TP để đất trống và các D.A không giải phóng được mặt bằng.

Đan Quế

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm