Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 28/05/2013 - 07:37
(Thanh tra)- Năm 45 tuổi, ông Hà Văn Gấm (xóm 3, xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) nộp 500.000 đồng xin đấu 485m2 đất làm nhà ở. Nay, ông Gấm đã 67 tuổi, vẫn chưa được UBND xã Nghĩa Phú cấp đất.
Ông Gấm và một số chủ hộ cùng làm đơn, nộp tiền xin cấp đất năm 1991 cung cấp thông tin cho PV. Ảnh: Hồng Bài.
Dân chấp hành nghiêm
Năm 1991, UBND xã Nghĩa Phú ra thông báo công khai cho nhân dân trong xã biết về việc đấu đất làm nhà ở theo Quyết định số 367 của UBND tỉnh Nam Định. Khu đất đấu nằm ở phía Nam, trên trục đường xã, thuộc khu vực ao cá Bác Hồ.
Cùng một số hộ dân trong xã, như: Vũ Văn Tuấn, Nguyễn Văn Tường, Vũ Văn Huy, Vũ Văn Huynh... hộ ông Hà Văn Gấm làm đơn xin đấu một suất đất tại ao cá (trước nhà ông Đỗ Văn Dũng, nguyên Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú) xóm 5, diện tích 485m2 (mặt đường 35m). Ông Gấm còn đem đơn xin đấu đất lên Văn phòng UBND xã Nghĩa Phú, nộp trực tiếp cho Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đại Đoàn.
Ông Gấm cho biết: “Sau khi xem đơn, ông Đoàn đồng ý với vị trí (ao cá), diện tích thửa đất (485m2) mà tôi xin đấu, trình bày trong đơn và đã ký duyệt vào đơn. Ông Đoàn báo cho cán bộ địa chính và cán bộ Ban Tài chính xã biết, đồng thời tiến hành làm thủ tục viết phiếu thu tiền, nhập vào sổ quỹ của UBND xã. Ông Phan Bộ Lĩnh, Phó Ban Tài chính xã được ông Đoàn giao nhiệm vụ đến nhà tôi thu tiền đấu đất là 500.000 đồng và giao cho tôi Phiếu thu số 08 ngày 25/1/1991, có nội dung “ông Gấm nộp lệ phí 367””.
Như vậy, hộ ông Hà Văn Gấm đã thực hiện đầy đủ thủ tục, đúng quy định xin đấu đất ở và còn là hộ đầu tiên nộp đủ, đúng thời hạn số tiền đấu đất cho chính quyền xã Nghĩa Phú.
Tuy nhiên, khi ông Gấm đề nghị UBND xã đo, giao đất thì ông Đoàn xin khất, chưa giao đất được vì, thửa đất đó hộ ông Đỗ Văn Dũng đang thả cá.
Giữa năm 1991, những hộ cùng làm đơn xin đấu đất với hộ ông Gấm đều được UBND xã Nghĩa Phú giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Thấy vậy, ông Gấm lại đến Văn phòng UBND xã gặp ông Đoàn đề nghị UBND xã đo, giao cho gia đình. Song, ông Gấm chỉ nhận được lời khất, hứa như lần trước.
Liên tiếp các năm sau, ông Gấm nhiều lần đề nghị UBND xã đo, giao đất, nhưng đều nhận được lời “khất” của Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đại Đoàn.
Năm 1999, ông Nguyễn Đại Đoàn đột ngột qua đời. Ông Hà Văn Gấm bắt đầu bước vào cuộc “trường chinh” ôm đơn đi “gõ cửa” các cấp chính quyền từ xã lên huyện, tỉnh, Trung ương để “đòi đất”.
Chính quyền tắc trách
Lý do chưa đo, giao đất cho ông Gấm mà UBND xã Nghĩa Phú đưa ra là: “Vị trí đất ao trước nhà ông Dũng (xóm 5) không đưa ra tổ chức đấu giá được do hộ ông Dũng đang sử dụng thửa đất ao này và có đơn đề nghị UBND xã xem xét lại việc nộp tiền đất ao trước đây của gia đình (đất tranh chấp giữa UBND xã với hộ ông Dũng)”. Lý do này không thuyết phục.
Theo hồ sơ địa chính năm 1986 của xã Nghĩa Phú, vị trí đất số 128, tờ bản đồ số 7a, diện tích 485m2, trong đó: Đất ao 485m2, chủ sử dụng là Ủy ban xã. Về nguồn gốc thửa đất trên: Trước đây vị trí này là đất làn sông (sông Mốc), thửa đất ao được hình thành từ năm 1980, do nhân dân đóng góp ngày công đắp, chặn sông để thả cá, gọi là ao cá Bác Hồ. Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Phú giao cho hộ ông Nguyễn Ngọc Rị thuê thả cá.
Năm 1988, ông Đỗ Văn Dũng đấu lại của ông Rị (không có văn bản). Từ năm 1989 - 2008, đã sử dụng đất ao thả cá nhưng không có hợp đồng thuê, không nộp tiền vào ngân sách xã. Năm 2004 (sau khi ông Đoàn, Chủ tịch UBND xã mất), ông Đỗ Văn Dũng đưa ra một tờ “phiếu thu ngân sách xã, phường”, ghi ngày 8/11/1996, có nội dung: “Nhận của bà Vũ Thị Tía (vợ ông Dũng), địa chỉ xóm 5 với số tiền 840.000 đồng, lý do thu: Nộp tiền đất ao trước nhà”. Trong phiếu thu ghi tên bà Tía và Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú (ông Nguyễn Đại Đoàn) ký, đóng dấu. Nhưng trong phiếu thu không có chữ ký của thủ quỹ, kế toán ngân sách xã.
Thửa đất số 128 là ao cá, nay đã bị ông Dũng lấp đầy cát, ông Toán xây nhà xưởng. Ảnh: Hồng Bài.
Qua kiểm tra, xác minh sổ sách kế toán của UBND xã Nghĩa Phú thời 1996 – 1999, đã khẳng định: Số tiền 840.000 đồng của bà Tía chưa được nộp vào ngân sách xã. Như vậy, không có việc hộ ông Dũng đã nộp tiền sử dụng đất ao mà chủ sử dụng là UBND xã Nghĩa Phú và phiếu thu tiền trên không có giá trị pháp lý.
Mặc dù không có hợp đồng thuê đất, không nộp tiền thuê đất, nhưng năm 2008, ông Dũng vẫn thuê người hút cát lấp ao cá, sau đó trồng cây. Như vậy, ông Dũng đã tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Việc làm trên của ông Dũng đã vi phạm pháp luật đất đai, có dấu hiệu cố tình chiếm đất công (đất UBND xã quản lý, sử dụng). Song, việc làm của ông Dũng không bị chính quyền xã ngăn chặn, xử lý đã gây bức xúc trong người dân xã Nghĩa Phú.
Không những vậy, ngày 31/12/2011, UBND xã Nghĩa Phú đã thực hiện khoán thầu thửa đất ao cá cho hai hộ Đỗ Văn Dũng và Vũ Văn Toán (em vợ ông Dũng). Trong đó: Hộ ông Dũng nhận khoán 328m2 với mức khoán 91kg thóc/năm. Hộ ông Toán nhận khoán 155m2, mức nộp khoán 68,8kg thóc/năm. Dư luận cho rằng, UBND xã Nghĩa Phú đã hợp thức hóa những sai phạm của ông Dũng và ông Toán. Hiện nay, ông Toán đã dựng nhà xưởng may mặc trên diện tích đất nhận khoán. Còn diện tích đất ông Dũng nhận khoán mặc dù đã vượt cát, lấp đầy nhưng vẫn không sử dụng.
Tại Công văn số 326/UBND-TTr ngày 28/11/2012 của UBND huyện Nghĩa Hưng “V/v trả lời đơn đề nghị của công dân” gửi ông Hà Văn Gấm, đã nêu: “Việc hộ ông Dũng, ông Toán ký hợp đồng thuê đất công để sử dụng vào mục đích sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, nhưng không làm đúng mục đích, là đúng”. UBND huyện Nghĩa Hưng đề nghị xã Nghĩa Phú: “Yêu cầu hộ ông Toán phải tháo dỡ phần nhà xưởng xây trên đất công xã do sử dụng đất trái mục đích; đồng thời thanh lý hợp đồng thuê đất đối với hộ ông Toán. Thanh lý hợp đồng thuê đất đối với hộ ông Dũng vì chưa sử dụng đất và chưa nộp tiền thuê đất theo hợp đồng... Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, tập thể, cá nhân trong việc quản lý đất đai qua các thời kỳ”.
Hộ ông Gấm thiệt đơn thiệt kép
Ông Hà Văn Gấm cho biết, gia đình thiệt đơn thiệt kép. UBND huyện Nghĩa Hưng công nhận ông Hà Văn Gấm đã nộp tiền xin cấp đất làm nhà ở năm 1991 là đúng, có thật. Cái lý mà UBND huyện Nghĩa Hưng đưa ra làm căn cứ để không giao thửa đất số 128 cho hộ ông Hà Văn Gấm là: “Do hộ ông Hà Văn Gấm và UBND xã Nghĩa Phú không đưa ra được chứng cứ pháp lý về vị trí, diện tích hộ ông Gấm xin đất làm nhà ở năm 1991”. Căn cứ pháp lý mà UBND huyện Nghĩa Hưng yêu cầu là “Đơn xin đất làm nhà ở” của ông Gấm đã nộp UBND xã Nghĩa Phú.
Yêu cầu trên là đúng, nhưng quá máy móc. Vì, việc lưu giữ hồ sơ đất đai thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền xã Nghĩa Phú. UBND xã phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện và công dân về việc làm mất hồ sơ xin cấp đất, chậm giao đất cho hộ ông Gấm.
Trong khi đó, những bằng chứng mà ông Gấm đưa ra đủ căn cứ pháp lý để UBND huyện Nghĩa Hưng xem xét giao thửa đất 128 cho ông. Đó là Phiếu thu tiền số 08 ngày 25/1/1991; Sổ quỹ của UBND xã Nghĩa Phú năm 1991 - 1992.
Xin đặt vấn đề: Nếu ông Gấm không có đơn xin cấp đất, trong đơn không nêu vị trí, diện tích đất xin đấu thì ông Nguyễn Đại Đoàn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú dựa vào đâu để định giá đất với số tiền là 500.000 đồng cho hộ ông Gấm nộp vào ngân sách xã?
Ông Phan Bộ Lĩnh, nguyên là Phó ban Tài chính xã (1987 - 1995) và ông Trần Sỹ Phiên, nguyên là cán bộ địa chính xã (1987 - 2008) của xã Nghĩa Phú, đều được ông Nguyễn Đại Đoàn, lúc đó là Chủ tịch UBND xã giao xem hồ sơ (đơn) xin cấp đất của ông Gấm và trực tiếp thu tiền đất ông Gấm. Ông Lĩnh đã viết xác nhận: “Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã, tôi đã thu số tiền đất của ông Hà Văn Gấm, xóm 3, là 500.000 đồng để cấp đất cho ông Gấm theo đơn đề nghị, ở phía Đông đường xuống xóm 3, thuộc ao cá ông Dũng quản lý, thả cá”. Còn ông Phiên viết xác nhận: “... Theo đơn xin cấp đất của ông Hà Văn Gấm ở vị trí đấu đất ở là ao trước nhà ông Đỗ Văn Dũng, xóm 5 đang thả cá”.
Tuy nhiên, trong kết luận của đoàn thanh tra huyện Nghĩa Hưng lại không đưa hai ý kiến xác nhận trên vào làm căn cứ pháp lý để xét nội dung (vị trí, diện tích thửa đất 128) theo đơn khiếu nại của ông Gấm.
Ông Hà Văn Gấm cho biết, năm 2005, ông được UBND xã giao cho một GCNQSDĐ số AĐ 201768, mang tên ông Hà Văn Gấm và bà Vũ Thị Nga. Vị trí đất tại thửa 141, tờ bản đồ số 7a, diện tích 100m2. “Tôi đã trả lại UBND xã GCNQSDĐ vì tôi không làm đơn xin cấp đất tại thửa 141. Thửa đất này không thể làm được nhà, nó nằm trên con mương tiêu úng của xóm 5, trên GCNQSDĐ ghi sai họ của vợ tôi (bà Nga họ Nguyễn, trên giấy ghi họ Vũ). Diện tích đất thửa 141 chỉ có 75m, trong đó 4,5m mặt đường. So với các hộ cùng làm đơn, nộp tiền và đã được giao đất thì gia đình tôi quá thiệt thòi”, ông Gấm bức xúc.
Qua các tài liệu và thực tế tiếp xúc với một số hộ đã được cấp đất trên khu đất đấu năm 1991, PV thấy kiến nghị của ông Hà Văn Gấm là có cơ sở, có lý. Đề nghị UBND huyện Nghĩa Hưng, UBND xã Nghĩa Phú xem xét giải quyết cấp đất cho gia đình ông Hà Văn Gấm, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân, tránh khiếu nại kéo dài.
Hồng Bài
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.
Thu Huyền
21:00 14/12/2024(Thanh tra) - Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hoá, Nguyễn Việt Hùng đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với Tổng Công ty Cổ phần Miền Trung 50 triệu đồng, vì đã vi phạm không xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố hoặc ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc.
Hương Trà
16:36 14/12/2024Thu Huyền
16:28 14/12/2024Trần Quý
15:00 14/12/2024Lê Hữu Chính
14:40 14/12/2024Hương Trà
07:00 14/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền