Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hậu Festival Trà và chuyện nhập nhèm trong quản lý, thu hồi đất

Thứ ba, 03/04/2012 - 06:34

(Thanh tra)- Trong đơn gửi tới Báo Thanh tra, ông Triệu Đình Hồng và ông Nguyễn Danh Tuyên (Đại Từ, Thái Nguyên) phản ánh việc doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Anh Thắng ngang nhiên tổ chức cưỡng chế trái pháp luật, phá dỡ cây cối, tài sản trên đất và nhà cửa do gia đình đang sử dụng. Trong khi đó, lãnh đạo huyện lại không nắm được thông tin về vụ việc.

Từ dự án Nhà khách UBND tỉnh nay biến thành Bến tàu phục vụ Festival Trà Thái Nguyên đã kết thúc từ năm 2011

Doanh nghiệp cưỡng chế nhà dân?

Tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết, năm 1975, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 111/TTg cấp cho Ủy ban Nông nghiệp Trung ương 68ha đất tại xã Tân Thái. Sau đó, Ủy ban Nông nghiệp Trung ương đã giao lại khu đất trên cho Trạm Thủy sản Núi Cốc quản lý, sử dụng. Năm 2007, Trạm Thủy sản Núi Cốc lại ký Hợp đồng giao khoán đất trồng rừng số 01/HĐ-TS cho ông Hoàng Văn Toàn, là cán bộ của Trạm. Theo đó, ông Toàn được nhận khu vực đồi FAO, là đồi đất trọc, có diện tích 3ha, thuộc địa bàn xã Tân Thái để cải tạo, trồng mới rừng sản xuất theo kế hoạch và định hướng của Trạm. Thời hạn hợp đồng là 50 năm, kể từ ngày 1/1/2007.

Tháng 1/2010, ông Toàn chuyển giao Hợp đồng trên cho ông Triệu Đình Hồng, có Biên bản với đầy đủ chữ ký của bên giao là ông Toàn, bên nhận là ông Hồng, xác nhận của Trạm Thủy sản hồ Núi Cốc và xác nhận của Chủ tịch UBND xã Tân Thái. “Sau đó, tôi đã đầu tư sang sửa lại nhà cửa, các công trình trên đất và trồng cây cối. Trong suốt quá trình này, tôi không gặp trở ngại hay nhận được bất kỳ văn bản đình chỉ, thu hồi đất nào từ phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”, ông Hồng nói.

Tuy nhiên, tháng 10/2010, gia đình ông Hồng vô cùng bất ngờ khi Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên, UBND xã Tân Thái và UBND xã Đại Từ về kiểm tra hiện trạng khu đất và giao lại cho Trạm Thủy sản Núi Cốc Quyết định số 462/QĐ-UB ngày 28/3/2005 về việc thu đất, giao cho Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên sử dụng vào mục đích xây dựng Nhà khách. Đáng nói là, văn bản này đã được ban hành cách đây 5 năm, nhưng không một ai từ lãnh đạo Trạm Thủy sản Núi Cốc đến gia đình ông Hồng biết được sự tồn tại của nó. Tuy nhiên, thực hiện đúng chỉ đạo của đoàn công tác, gia đình ông không tiến hành xây dựng mới trên diện tích đồi FAO đã nhận chuyển nhượng.

Cho đến ngày 14/8/2011, ông Hồng nhận được thông báo do Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ Trương Mạnh Kiểm ký với nội dung yêu cầu ông có mặt tại thực địa vào ngày 15/9/2011 để được hướng dẫn kiểm kê, kê khai tài sản theo chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng giao đất cho Dự án Xây dựng bến cảng Hồ Núi Cốc. Quá trình kê khai, kiểm đếm tài sản, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Đại Từ đã lập phương án hỗ trợ di chuyển. Theo bản tạm tính, gia đình ông Hồng được lên phương án bồi thường với tổng số tiền 709.016.350 đồng, trong đó, bồi thường hỗ trợ về đất là 185.147.400 đồng, bồi thường về cây cối 36.828.500 đồng, giá trị hỗ trợ tài sản trên đất 568.040.450 đồng.

Tuy nhiên, mọi qui trình giải phóng mặt bằng chưa kịp thực hiện thì ngày 27/9/2011, DNTN Anh Thắng cho người dựng lều trên đất đồi FAO; đưa máy xúc, máy ủi đến phá hủy toàn bộ cây cối và tài sản, nhà cửa trên đất của gia đình ông mà không hề có sự thông báo. Ông Hồng đã làm đơn gửi tới Trạm Thủy sản Núi Cốc và UBND xã Tân Thái, huyện Đại Từ để can thiệp, ngăn chặn việc làm trên. Thế nhưng, gia đình ông chỉ nhận được Thông báo số 214/TP/UBND của UBND huyện Đại Từ với nội dung: Yêu cầu ông Triệu Văn Hồng tự tháo dỡ, di chuyển các tài sản và công trình trên đất ra khỏi khu vực đồi FAO xóm Tân Lập, xã Tân Thái, huyện Đại Từ. Thời gian thực hiện tháo dỡ xong trước ngày 20/10/2011.

Ngày 24/10/2011, DNTN Anh Thắng tiếp tục cho người, máy xúc đập phá toàn bộ nhà cửa và các công trình mà gia đình ông Hồng đang sử dụng. Cho đến nay, đã 6 tháng trôi qua, gia đình ông Hồng vẫn không nhận được câu trả lời chính thức bằng văn bản từ các cấp chính quyền.

Lập lờ trong thu hồi đất

Làm việc cùng chúng tôi, ông Trương Mạnh Kiểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ khẳng định: Ông không nhận được khiếu nại của vợ chồng ông, bà Hồng - Bình. Một phần diện tích đất đồi FAO mà ông, bà Hồng - Bình, ông Tuyên đang khiếu nại tới các cơ quan chức năng thuộc vào Dự án xây dựng bến tàu phục vụ Festival Trà Thái Nguyên theo Quyết định số 2626/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Nguyên ngày 21/10/2011. Trước đó, diện tích này được UBND tỉnh Thái Nguyên thu hồi để xây dựng Nhà khách Văn phòng Tỉnh ủy theo Quyết định 462/QĐ-UB ngày 28/3/2005. Tuy nhiên, dự án này không thực hiện được.

Khi chúng tôi hỏi về việc thực hiện Quyết định 462 đến đâu, ông Kiểm cho biết không nắm được. “Tuy nhiên, chắc chắn UBND huyện có cán bộ dự cuộc họp công bố quyết định này”, ông Kiểm khẳng định.

Còn ông Hoàng Văn Tâm, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Đại Từ thì khẳng định, lãnh đạo UBND huyện không nắm được việc DNTN Anh Thắng cưỡng chế đối với gia đình ông Hồng.

Ông Kiểm cho biết, việc chuyển giao hợp đồng giao khoán đất giữa ông Hoàng Văn Toàn và ông Triệu Đình Hồng không đúng pháp luật và không được công nhận. Bởi ngày 28/3/2005, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định số 462/QĐ-UB về việc thu hồi đất, giao cho Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên để sử dụng vào mục đích xây dựng Nhà khách. Do vậy, đất này thuộc về Văn phòng UBND tỉnh.

Tuy nhiên, ông Kiểm cũng thừa nhận, do không có kinh phí nên việc xây dựng không triển khai được và khu đất vẫn được Trạm Thủy sản Núi Cốc sử dụng. Do vậy, UBND huyện không chấp nhận hợp đồng chuyển nhượng của ông Hồng và Trạm thủy sản Núi Cốc. Đương nhiên, ông Hồng không được thụ hưởng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Và, theo phương án bồi thường chính thức mà UBND huyện Đại Từ trình lên, ông Hồng chỉ được nhận trên 30 triệu đồng tiền cây cối.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, mặc dù ông Kiểm dùng Quyết định số 462/QĐ-UB để bác bỏ sự hợp pháp của hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Toàn và ông Hồng, nhưng lại khẳng định không được biết đến văn bản nói trên. Mãi đến sau này, khi UBND tỉnh Thái Nguyên có quyết định giao lại khu đất kể trên cho UBND huyện Đại Từ quản lý, lực lượng cán bộ huyện phải đi xin thì mới có được văn bản này.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Hoàng Đức Toàn, Trạm trưởng Trạm Thủy sản Núi Cốc chỉ biết đến văn bản này vào ngày 8/10/2010, khi Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Đại Từ, Trạm Thủy sản Núi Cốc, UBND xã Tân Thái và Ban quản lý khu du lịch Hồ Núi Cốc tiến hành kiểm tra hiện trạng khu đất và giao lại văn bản này cho ông Toàn.

Bên cạnh đó, mặc dù luôn cho rằng gia đình ông Hồng cơi nới nhà cửa, sử dụng diện tích đất tại đồi FAO là trái pháp luật, nhưng UBND huyện Đại Từ lại cho rằng không thuộc trách nhiệm của UBND huyện.

Vì sao có chuyện doanh nghiệp tự ý cưỡng chế nhà, tài sản của dân? Vì sao UBND tỉnh Thái Nguyên lại mặc nhiên coi đất chưa được giải phóng mặt bằng là “tài sản” của Văn phòng UBND tỉnh (theo Quyết định 462)? Một chi tiết nữa cũng làm người dân đặt câu hỏi, đó là việc tiến hành thu hồi đất, cưỡng chế, giải phóng mặt bằng khu vực đồi FAO được thực hiện gấp rút với mục đích để xây dựng bến tàu phục vụ Festival Trà Thái Nguyên năm 2011. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Tân Thái, dự án này không hề triển khai theo đúng tiến độ. Và, từ mục đích ban đầu, khu bến tàu này được chuyển sang phục vụ nhiệm vụ kinh tế của tỉnh! Có sự bất thường nào ẩn trong việc thả nổi cho doanh nghiệp tự cưỡng chế nhà dân? Đằng sau sự lập lờ trong xác định chủ sử dụng diện tích đồi FAO là gì? Câu hỏi này cần sự vào cuộc sớm của UBND tỉnh Thái Nguyên.

Khánh Linh - Đan Quế

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm