Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất để giảm khiếu kiện

Thứ sáu, 06/01/2017 - 11:03

(Thanh tra)- “Để quản lý tốt và giảm thiểu những khiếu kiện liên quan đến đất đai thì các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý và sử dụng đất đai”. Đó là chia sẻ của ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) với PV Báo Thanh tra.

Ông Đào Trung Chính. Ảnh: TH

Số lượng đơn thư đang có xu hướng giảm dần 

          + Xin ông cho biết thực trạng tình hình đơn thư khiếu nại (KN), tố cáo (TC) về đất đai trong thời gian gần đây?

- Có thể nói, trong những năm gần đây, công tác quản lý Nhà nước về đất đai có nhiều chuyển biến tích cực, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác giải quyết KN,TC của công dân, đặc biệt là KN,TC trong lĩnh vực đất đai. Chính sách, pháp luật về giải quyết KN,TC ngày càng hoàn thiện, cùng với việc chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã góp phần giúp cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai đang ngày càng ổn định, hiệu quả.

Tuy nhiên, tình hình KN,TC trong lĩnh vực đất đai vẫn diễn ra rất phức tạp, chiếm tỷ lệ lớn và ảnh hưởng sâu rộng của đất đai đến mỗi cá nhân trong xã hội; số lượng đơn thư hàng năm đang có xu hướng giảm dần.

Theo thống kê của Bộ TN&MT, từ năm 2012 đến hết 6 tháng đầu năm 2016, Bộ đã nhận 17.630 lượt đơn của 7.227 vụ việc; trong đó: Năm 2012 có 4.200 đơn, năm 2013 có 4.005 đơn, năm 2014 có 4.021 đơn, năm 2015 có 3.373 đơn, 6 tháng đầu năm 2016 có 1.631 đơn. Có 5.022 vụ việc KN hành chính về đất đai (chiếm 69,5%), 723 vụ việc TC về đất đai (chiếm 10%). Điều đó cho thấy những chính sách pháp luật về đất đai đang thực sự đi vào cuộc sống, công tác quản lý Nhà nước về đất đai ngày càng chặt chẽ và minh bạch hơn.

+ Khiếu kiện liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ lớn như vậy, nguyên nhân của tình trạng trên được Tổng cục nhìn nhận do đâu, thưa ông?

- Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo tôi, có một số nguyên nhân chính đó là: 
Chính sách, pháp luật về đất đai không ổn định, có nhiều thay đổi; nhất là các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; điều kiện và nghĩa vụ tài chính phải nộp khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xu hướng thay đổi thường theo hướng ngày càng có lợi hơn cho người dân, tạo nên sự suy bì, so sánh giữa các trường hợp giải quyết ở các mốc thời điểm khác nhau; nhất là các dự án lớn phải thực hiện trong nhiều năm; việc thực hiện các nội dung quản lý đất đai ở một số địa phương còn nhiều sai sót, tồn tại; nhất là việc thủ tục hành chính về đất đai, gây bức xúc cho người dân.

Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn buông lỏng trong thời gian dài, dẫn đến tình trạng sai phạm trong sử dụng đất đai quá lớn, chậm được xử lý, dẫn đến việc xử lý thu hồi đất vi phạm theo quy định ngày càng khó thực hiện; tạo nên sự thiếu công bằng khi giải quyết công nhận quyền sử dụng đất hay hồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất.

Mặt khác, nhận thức của người dân về chính sách, pháp luật đất đai và pháp luật về KN,TC nhìn chung còn nhiều hạn chế, trong khi việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cơ quan Nhà nước còn chưa tốt; dẫn đến tình trạng gửi đơn vượt cấp còn quá nhiều (trong số đơn gửi về Bộ TN&MT trong 5 năm qua chỉ có 3,8% đơn thuộc thẩm quyền của Bộ) làm cho việc giải quyết bị chậm trễ. Hơn nữa, kết quả giải quyết của các cơ quan các cấp chỉ có 16,4% số đơn là KN đúng và 12,4% đơn TC đúng.

 Kiên quyết thu hồi đất đã giao, cho thuê không đúng đối tượng

+ Từ thực trạng trên, để quản lý tốt về đất đai và giảm thiểu những khiếu kiện, trong thời gian tới, theo ông cần những giải pháp đột phá nào?

- Trong thời gian tiếp theo, ngoài việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Tổng cục xác định đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; hoàn thiện thể chế về theo dõi, đánh giá việc thi hành Luật Đất đai; nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý và sử dụng đất đai, tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:

  Thứ nhất, tăng cường năng lực cho hệ thống cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về đất đai. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về đất đai nhằm đảm bảo xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức có đầy đủ chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai trong tình hình hiện nay. Thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn các nội dung đổi mới chính sách pháp luật đất đai; các quy định mới về nghiệp vụ thanh tra; các quy định mới về xử lý vi phạm pháp luật đất đai; nội dung thanh tra, kiểm tra diện rộng hoặc chuyên đề.  
         Thứ hai, chỉ đạo địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, các trường hợp tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai, đồng thời làm tốt việc công khai các vi phạm pháp luật đất đai; tổ chức tốt việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về vi phạm pháp luật đất đai của tổ chức, cá nhân.
          Thứ ba, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai theo chuyên đề hoặc diện rộng trên phạm vi cả nước.

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước cần chú trọng thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc giao đất, cho thuê đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận; tài chính đất đai và giá đất; xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết KN,TC, công khai vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; việc khắc phục các tồn tại, hạn chế, vi phạm đã phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra ở các cấp.

Đối với các đối tượng sử dụng đất cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát thường xuyên tình hình sử dụng đất sau khi được giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để phát hiện xử lý kịp thời các trường hợp không đưa đất vào sử dụng gây lãng phí đất đai; các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; không thực hiện nghĩa vụ tài chính, không đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật. Kiên quyết thu hồi đất đã giao, đã cho thuê không đúng đối tượng, không sử dụng đúng thời gian quy định hoặc sử dụng không hiệu quả, sử dụng sai mục đích; chậm hoặc chưa đưa đất vào sử dụng; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của người sử dụng đất.

  Thứ tư, đổi mới nội dung, phương pháp chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra đất đai. Tổ chức thi hành các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra có hiệu lực pháp luật và tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong công tác thanh tra.

Thứ năm, hoàn thiện thể chế về theo dõi, đánh giá việc thi hành Luật Đất đai, xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát về đất đai từ Trung ương đến địa phương; xây dựng các tiêu chí theo dõi, giám sát và đánh giá việc quản lý và sử dụng đất, hàng năm có báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện Luật Đất đai; đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai và tác động của chính sách, pháp luật về đất đai đến KT-XH và môi trường để có những định hướng sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp.


 Thái Hải (Thực hiện)



Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm