Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 24/01/2012 - 08:02
(Thanh tra)- “Cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng về đất đai có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhưng tôi tiếc là chúng ta làm hơi muộn. Ở địa phương tôi, hiện nay gần như không còn một mét vuông đất sạch nào” – Phát biểu này của một lãnh đạo ngành Thanh tra cấp tỉnh khiến tôi day dứt suốt hành trình cùng tổ công tác chuyên đề thanh tra diện rộng về đất đai đến các địa phương.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Sản phát biểu ý kiến chỉ đạo tại một cuộc họp thanh tra chuyên đề diện rộng về đất đai
Nhưng, lắng nghe và tìm hiểu những gì các đoàn thanh tra trên toàn quốc đã nỗ lực trong gần 12 tháng ròng, đặc biệt, những lăn lộn của tổ công tác cơ quan Thanh tra Chính phủ (TTCP), tôi đã nhận ra một thực tế: Cuộc thanh tra đã chỉ ra nhiều mảng tối trong qui hoạch, quản lý và sử dụng đất (SDĐ); kịp thời chấn chỉnh và xử lý các dạng vi phạm. Điều quan trọng nhất, sự vào cuộc của ngành Thanh tra đã đem đến một cái nhìn toàn cảnh về qui hoạch, quản lý SDĐ và góp phần thay đổi các qui định pháp luật về lĩnh vực này…
Muôn mặt vi phạm
Lãnh đạo ngành Thanh tra tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, trong cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng, điều khiến ông suy nghĩ nhiều nhất không phải là số tiền hàng chục tỷ đồng ngân sách còn chưa được thu hay việc “xé” qui hoạch của dự án (D.A) này, D.A kia. Ông đã mất rất nhiều thời gian để nhìn lại việc bán đất cho các hộ gia đình thuộc diện chính sách ở huyện Đồng Hỷ. Chủ trương đúng đắn và nhận được sự đồng tình cao của người dân nhưng việc triển khai thực hiện của địa phương đã có những lỗ hổng khiến các hộ dân “mượn” hồ sơ các gia đình chính sách để được cấp đất rồi… chuyển nhượng. Cơ quan thanh tra đã kịp thời chấn chỉnh tình trạng này và thu về ngân sách Nhà nước trên 1,8 tỷ đồng.
Phó Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam Phan Tấn Nghị cho biết: Cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng còn phát hiện nhiều lỗ hổng kiến thức pháp luật về quản lý đất đai của các cấp chính quyền. Thế nên, UBND huyện Điện Bàn mới có chủ trương và đã tham mưu UBND tỉnh cho Cty Cổ phần Kinh doanh bất động sản Trung Kỳ thuê 1,8ha đất công cộng 50 năm để xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, kinh doanh thương mại dịch vụ khi chưa có quyết định chuyển đổi mục đích SDĐ của cơ quan có thẩm quyền; tham mưu UBND tỉnh giao đất trái thẩm quyền…
Một dạng vi phạm khác khá phổ biến, đó là việc quản lý đầu tư xây dựng vượt phần đất được giao, có nhiều sai sót trong quá trình thực hiện D.A. Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Thế Cường kể về D.A khu dân cư chợ Thuận Giao do doanh nghiệp tư nhân Thanh Vân làm chủ đầu tư đã khiến đoàn thanh tra… gặp khó. D.A giao đất cho doanh nghiệp này không có trong danh sách các D.A kèm theo Nghị quyết 16/2007/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Bình Dương về qui hoạch SDĐ đến năm 2010 và kế hoạch SDĐ 5 năm của UBND tỉnh. Khi đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra, chủ đầu tư đã không cung cấp tài liệu, có thái độ không hợp tác với đoàn… Các đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng đã nhiều lần chỉ ra những vi phạm trong quá trình chủ đầu tư triển khai D.A, nhưng đến thời điểm 2011, các vi phạm này vẫn chưa được chủ đầu tư khắc phục!
Phó Chánh Thanh tra tỉnh Cao Bằng Đàm Văn Thông kể: Tại cuộc thanh tra quản lý đất đai tại thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An (Cao Bằng), đoàn thanh tra đã phát hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ còn quá chậm, để xảy ra nhiều vi phạm. Thanh tra, kiểm tra một số khu qui hoạch dân cư, phát hiện công tác quản lý còn buông lỏng, quá trình thực hiện chưa đúng theo qui hoạch được duyệt. Đoàn thanh tra đã qui trách nhiệm cho 4 cá nhân có vi phạm và đến nay, cấp có thẩm quyền đã tiến hành xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo, thu nộp tiền đầy đủ vào ngân sách.
Một dạng vi phạm khác đáng báo động là tình trạng doanh nghiệp tự thuê đất của dân để khai thác khoáng sản loại quý mà chính quyền không hay biết. Một lãnh đạo thanh tra tỉnh Bắc Cạn cho biết, kiểm tra công tác quản lý, SDĐ dành cho hoạt động khoáng sản tại huyện Na Rì, đoàn thanh tra phát hiện UBND huyện đã không “để mắt” đến 6,37ha đất của 3 mỏ Nà Làng, Ao Tây, Bản Giang đã bị các doanh nghiệp tư nhân tự ý thỏa thuận thuê với người dân và tự ý sử dụng để thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.
Còn nhiều trăn trở
Chia sẻ với chúng tôi, một trưởng đoàn thanh tra cho biết, đi vào thực tế quản lý SDĐ tại 2 TP lớn của đất nước, đoàn thanh tra phát hiện việc nợ đọng tiền thuê đất là rất lớn do đặc thù “tấc đất tấc vàng”. Ở Hà Nội, riêng việc ban hành Quyết định 123 của UBND TP đã khiến số tiền “chạy” khỏi ngân sách Nhà nước là không nhỏ. Cơ quan TTCP đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và xin ý kiến chỉ đạo trở lại riêng với quyết định này vào năm 2012. Ở TP Hồ Chí Minh, số tiền nợ đọng cũng trên 1 ngàn tỷ đồng.
Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Sản là người gắn bó với cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng ngay từ những ngày đầu xây dựng kế hoạch, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông cũng là người trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp xuống nhiều địa phương trên toàn quốc để kiểm tra, đôn đốc. Phó Tổng Thanh tra chia sẻ, sự vào cuộc của nhiều nghìn cán bộ thanh tra trên toàn quốc trong năm qua đã nhận diện khá đầy đủ thực trạng công tác qui hoạch, quản lý, SDĐ đai trên toàn quốc. Dù phát hiện việc nợ tiền thuê đất, chậm nộp các khoản thuế đất, tiền SDĐ… là rất lớn, nhưng ý nghĩa quan trọng nhất của cuộc thanh tra diện rộng lại không chỉ nằm ở đó. Kết luận thanh tra đã nhận diện những dạng vi phạm chính trong qui hoạch, quản lý và SDĐ: SDĐ không đúng qui hoạch; giao đất không đúng qui định; SDĐ sai mục đích; chuyển quyền SDĐ trái pháp luật; lấn chiếm đất đai…
Việc triển khai đồng bộ của ngành thanh tra 63 tỉnh, thành trên toàn quốc năm 2011 nhằm mục đích sau thanh tra, các kết luận phản ánh đúng trách nhiệm và thực trạng tình hình quản lý và SDĐ ở mỗi địa phương, những kết quả đạt được, những tồn tại, khuyết điểm để kịp thời chấn chỉnh. Đặc biệt, chỉ rõ những vấn đề thực tiễn của mỗi địa phương để kịp thời kiến nghị đề xuất nhằm sớm sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai cho phù hợp với công cuộc đổi mới và tình hình thực tiễn đất nước hiện nay.
Tuy nhiên, phía sau các con số, còn là nỗi trăn trở rất lớn của lãnh đạo các cấp ngành Thanh tra. Đó có thể là thời gian gấp, lực lượng mỏng mà chưa rà soát hết các địa bàn “nóng”. Đó có thể là một lời đề nghị tha thiết của một chánh thanh tra cấp tỉnh về việc TTCP nên “về” địa phương để có những nhận xét, đánh giá đúng, khách quan. Đó có thể là những trăn trở trước số tiền nợ đọng lớn, nhưng việc thu hồi còn khó khăn…
Còn, có thể còn nhiều câu chuyện khác mà Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Sản cũng như nhiều đồng chí lãnh đạo ngành Thanh tra chưa kịp chia sẻ cùng chúng tôi. Nhưng mỗi câu chuyện chúng tôi thu lượm dọc đường đi, bản thân nó, đã mang nặng những trăn trở, trách nhiệm của từng cán bộ lãnh đạo, từng thanh tra viên trong nỗ lực góp phần duy trì kỷ cương, phép nước xây dựng cuộc sống mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
Ghi chép của Đan Quế
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.
Thu Huyền
21:00 14/12/2024(Thanh tra) - Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hoá, Nguyễn Việt Hùng đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với Tổng Công ty Cổ phần Miền Trung 50 triệu đồng, vì đã vi phạm không xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố hoặc ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc.
Hương Trà
16:36 14/12/2024Thu Huyền
16:28 14/12/2024Trần Quý
15:00 14/12/2024Lê Hữu Chính
14:40 14/12/2024Hương Trà
07:00 14/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền