Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

TrustBank ra sao dưới thời cựu chủ tịch vừa bị bắt tạm giam?

Thứ tư, 11/01/2017 - 15:06

Xuất phát là ngân hàng nông thôn, TrustBank đã trải qua rất nhiều thăng trầm dưới thời hai vị lãnh đạo Hoàng Văn Toàn và Trần Sơn Nam trước khi được chuyển giao cho Phạm Công Danh.

Một số chỉ số ngân hàng TrustBank sau khi chuyển đổi mô hình sang ngân hàng đô thị từ năm 2007 đến 2011. Đồ hoạ: Quang Thắng.

Ngân hàng TMCP Đại Tín – TrustBank được thành lập từ năm 1989 với tên gọi Ngân hàng TMCP nông thôn Rạch Kiến. Đây là ngân hàng đầu tiên của tỉnh Long An hoạt động cấp tín dụng chủ yếu cho ngành nông nghiệp trong khu vực các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Thời điểm thành lập cũng là thời điểm nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi sang kinh tế thị trường nên ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng hệ thống tín dụng vào đầu những năm 1990.

Giai đoạn từ năm 1990 đến 2005, TrustBank tiếp tục hoạt động dưới mô hình ngân hàng nông thôn và duy trì ổn định, bước đầu có tăng trưởng.

Cái tên Ngân hàng TMCP Đại Tín chính thức ra đời ngày 17/8/2007, sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép Ngân hàng nông thôn Rạch Kiến được chuyển đổi mô hình hoạt động thành Ngân hàng thương mại cổ phần đô thị.

Từ thời điểm này cũng đánh dấu sự xuất hiện của 2 vị lãnh đạo là ông Hoàng Văn Toàn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT TrustBank và ông Trần Sơn Nam, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Vào thời điểm chuyển đổi mô hình, TrustBank vẫn là ngân hàng cỡ nhỏ, chủ yếu phục vụ cho vay nông nghiệp trong khu vực Tây Nam bộ. Năm 2007, tổng tài sản TrustBank chỉ đạt 1.143 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 500 tỷ đồng. Chỉ số dư nợ cho vay đạt 831 tỷ đồng và huy động vốn đạt 311 tỷ đồng. Cùng năm, TrustBank cũng chỉ ghi nhận 32 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Dưới sự chèo lái của hai vị thuyền trưởng Hoàng Văn Toàn và Trần Sơn Nam, con thuyền TrustBank đã thực sự lột xác.

Sau một năm chuyển đổi mô hình, tổng tài sản TrustBank đã tăng 2,6 lần,đạt 2.990 tỷ đồng, dư nợ cho vay tăng gấp đôi năm trước, lên 1.622 tỷ đồng. Đặc biệt, khoản huy động vốn của ngân hàng tăng hơn 7 lần, đạt 2.336 tỷ đồng vào năm 2008.

Quy mô ngân hàng tăng rất mạnh, tuy nhiên lợi nhuận năm 2008 lchỉ đạt vỏn vẹn 27 tỷ đồng.

Từ một ngân hàng cỡ nhỏ, đến năm 2011, tổng tài sản TrustBank đã lên tới 27.130 tỷ đồng, tăng 26 lần so với thời gian chuyển đổi mô hình. Huy động vốn đạt 11.173 tỷ đồng, tăng 37 lần và dư nợ cho vay đạt 11.810 tỷ đồng, tăng gần 15 lần so với năm 2007.

Cùng năm, khoản lợi nhuận chưa phân phối của TrusBank ghi nhận 164 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đó chỉ là những chỉ số bên ngoài, thực chất bên trong tại TrustBank lúc này đang bị âm vốn chủ sở hữu lên tới 2.800 tỷ đồng, lỗ luỹ kế hơn 6.600 tỷ đồng (theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng về tình hình ngân hàng trước khi chuyển giao cho ông Phạm Công Danh).

Ông Hoàng Văn Toàn và ông Trần Sơn Nam nắm vai trò lãnh đạo Hội đồng tín dụng của TrustBank khi đó, đã cấp tín dụng cho vay trái quy định với hàng loạt hợp đồng, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của ngân hàng.

TrustBank sau đó được bán lại gần 85% cổ phần với giá 4.500 tỷ đồng cho ông Hà Văn Thắm. Nghĩa vụ kèm theo của bên mua là trả toàn bộ số nợ hiện hữu và quyền được sở hữu tài sản bảo đảm từ các khoản vay hơn 3.500 tỷ đồng, khoản đầu tư 920 tỷ đồng…

Sau khi tiếp quản điều hành, ông Thắm đã bán TrustBank lại cho ông Phạm Công Danh (Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh lúc đó), với giá hơn 4.600 tỷ đồng vào đầu tháng 10/2012.

TrustBank lại được đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB), chuyên cung cấp tín dụng cho lĩnh vực xây dựng và tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 7.550 tỷ đồng ngay trong năm 2013. Tuy nhiên, thời điểm chuyển giao cho ông Phạm Công Danh cũng chính là một "nốt chìm" trong hoạt động của ngân hàng này.

Theo kết quả kiểm toán, đến cuối năm 2012, lỗ lũy kế của VNCB đã tăng lên 8.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là âm 5.000 tỷ. Một năm sau, lỗ lũy kế đã lên 11.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.000 tỷ.

Đến thời điểm Phạm Công Danh bị khởi tố, vốn chủ sở hữu tại VNCB đã âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.000 tỷ đồng.

Tháng 1/2015, Nhà nước quyết định mua lại toàn bộ cổ phần của VNCB với giá 0 đồng/cổ phần. Ngân hàng Nhà nước trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB.

Tối 10/1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Bộ Công an, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 người nguyên là lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín, trong đó có ông Hoàng Văn Toàn, nguyên Chủ tịch HĐQT và ông Trần Sơn Nam, nguyên Tổng giám đốc.

Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TP.HCM, xét xử "đại án" Ngân hàng Xây dựng (Đại Tín trước đây), HĐXX đã khởi tố tại tòa 3 vụ án hình sự, trong đó có khởi tố vụ án đối với Hội đồng tín dụng Ngân hàng Đại Tín gồm ông Hoàng Văn Toàn và các thành viên tham gia duyệt cấp tín dụng cho Đại Hoàng Phương và Thịnh Quốc.

Theo nội dung khởi tố, ông Hoàng Văn Toàn và các thành viên khác duyệt cấp tín dụng 2 hồ sơ vay Công ty Đại Hoàng Phương và Công ty Thịnh Quốc tổng số tiền 650 tỷ đồng.

Nhóm này không thực hiện đúng hướng dẫn phối hợp sử dụng định giá của công ty nợ và khai thác tài sản đảm bảo Ngân hàng Đại Tín làm tài sản đảm bảo, khoản vay trên 500 triệu đồng phải định giá qua TrustAsset.

Hai khoản vay trên gây thiệt hại hơn 470 tỷ cho Ngân hàng Đại Tín. Vụ việc có dấu hiệu Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo Quang Thắng (Zing.vn)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm