Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

TP HCM: Tín dụng có liên quan tới bất động sản chiếm khá cao

Thứ ba, 04/12/2018 - 14:08

(Thanh tra) - Tại sự kiện ngân hàng bán lẻ 2018 vừa diễn ra, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP HCM cho biết, hoạt động cho vay tiêu dùng trong lĩnh vực bất động sản tại TP HCM đang chiếm khá cao, khoảng 38 - 40% tổng dư nợ. Với quy mô tín dụng tiêu dùng vào khoảng 400.000 tỷ đồng, tín dụng có liên quan tới bất động sản đạt khoảng 116.000 - 180.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Chi nhánh NHNN TP HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TM

Trong khi đó, ông Minh chỉ ra, tín dụng dành cho các hoạt động sản xuất kinh doanh lại giảm sút. Giai đoạn 2015 - 2016 trở về trước, 78% tín dụng dành cho sản xuất kinh doanh nhưng đến nay con số này chỉ còn hơn 70%. Dòng vốn chuyển sang tín dụng tiêu dùng từ khoảng 12% lên 19,4%, còn lại là bất động sản. Như vậy, nguồn vốn dành cho sản xuất kinh doanh đã chuyển sang mục đích khác. Ông Minh đánh giá điều này sẽ tác động lên lãi suất.

Bên lề sự kiện, Phó Giám đốc Chi nhánh NHNN TP HCM vẫn khẳng định tỷ lệ 38 - 40% tín dụng tiêu dùng vào bất động sản là an toàn, không kèm rủi ro và nếu có thì thấp hơn cho vay vào dự án. Điều này cũng phù hợp với nhu cầu của người dân trong việc sở hữu nhà ở, nâng cao chất lượng cuộc sống.

“Dòng vốn tín dụng cho nền kinh tế gồm 19% cho tiêu dùng, 10,8% cho bất động sản và 70% cho sản xuất kinh doanh (dù có giảm) vẫn đảm bảo được cân bằng. Tỷ trọng này cần được giữ vững trong thời gian tới, kèm theo cơ chế quản lý tốt thì khó xảy ra bong bóng bất động sản”, ông Minh nói.

Cũng cần nói thêm, theo quy định của NHNN, cho vay cá nhân từ mua, sửa nhà với nguồn tiền trả nợ từ lương thì hạch toán vào cho vay tiêu dùng; còn cho doanh nghiệp vay phát triển dự án là cho vay bất động sản. Một số chuyên gia e ngại nguy cơ cho vay bất động sản "núp bóng" cho vay tiêu dùng ngày càng lớn.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, muốn thúc đẩy tín dụng tiêu dùng vì nó hạn chế nhiều quỹ đen và dư địa tăng trưởng của thị trường còn lớn. Nhưng Chính phủ còn bày tỏ lo ngại, ông Lực đề xuất tách riêng cho vay nhà ở khỏi tín dụng tiêu dùng. Nếu tách riêng, tín dụng tiêu dùng chỉ chiếm 12% tổng dư nợ.

Tuy nhiên, khi tách biệt hai nguồn vay này, ông Lực cho rằng, Chính phủ phải sửa đổi Thông tư 36 liên quan đến tỷ lệ rủi ro cho vay bất động sản là 200% khiến các ngân hàng không dám cho vay. 

Ông Lực đề xuất phải phân loại bất động sản thành 4 phân khúc, tương ứng là 4 hệ số rủi ro khác nhau 50 - 100 - 150 - 200%. Như vậy mới công bằng với việc cho vay vào bất động sản và với các ngân hàng.

Chu Tuấn - Cảnh Nhật

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm