Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thiếu hành lang pháp lý an toàn về giao dịch bảo đảm

Thứ tư, 26/06/2013 - 12:57

(Thanh tra) - Pháp luật về giao dịch bảo đảm hiện hành đang thiếu hành lang pháp lý an toàn để khai thác tối đa giá trị kinh tế của tài sản bảo đảm cũng như chưa quy định cụ thể căn cứ xác định tư cách thành viên hộ gia đình, mặc dù đây là chủ thể tham gia rất nhiều trong các giao dịch vay vốn tại ngân hàng.

Các đại biểu tham dự cho rằng, pháp luật hiện hành chưa bảo đảm được cơ sở pháp lý cần thiết để xử lý được tài sản bảo đảm dù hợp đồng bảo đảm hợp pháp. Ảnh: Thanh Nhung

Ngày 26/6, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo phương hướng hoàn thiện pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm và kinh nghiệm quốc tế trong việc nhận tài sản bảo đảm là động sản.

Ông Hồ Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cho biết, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tài sản bảo đảm là các quyền từ hợp đồng đang trở nên phổ biến. Các quyền từ hợp đồng là một khái niệm rộng hơn quyền tài sản hiện đang được quy định trong Bộ luật Dân sự 2005.

Trên thực tế, đã có trường hợp dùng quyền được bao tiêu sản phẩm gia công, quyền yêu cầu thanh toán trong các hợp đồng, quyền nhận tiền bảo hiểm, quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ hoặc phát sinh từ các hợp đồng tín dụng, thương mại... để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Song, đến thời điểm hiện nay, pháp luật nước ta vẫn chưa quy định cụ thể về nội hàm của khái niệm “quyền từ hợp đồng”, “quyền tài sản hình thành trong tương lai”.

Cách tiếp cận một số quy định của pháp luật liên quan đến giao dịch bảo đảm chưa thống nhất, dễ dẫn đến việc hợp đồng bảo đảm bị vô hiệu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Bên cạnh đó, chưa tạo lập được những bảo đảm pháp lý cần thiết để bên nhận bảo đảm chủ động và đơn phương xử lý tài sản bảo đảm trên cơ sở các hợp đồng bảo đảm đã được giao kết hợp pháp

Ông Huy dẫn chứng, các bên đã thoả thuận cụ thể về phương thức xử lý tài sản bảo đảm (như bên nhận bảo đảm được bán tài sản, được nhận tài sản, được bán đấu giá tài sản…) tại hợp đồng bảo đảm. Nhưng bên bảo đảm có thể “phá vỡ” thỏa thuận bất kỳ lúc nào như: Từ chối giao tài sản; không ký hợp đồng, văn bản; không thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, chuyển quyền hay không chấp nhận phương án đấu giá, không chấp nhận giá trị bù trừ…

Pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể về căn cứ xác định tư cách thành viên hộ gia đình, mặc dù đây là chủ thể tham gia rất nhiều trong các giao dịch vay vốn tại ngân hàng.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Nhung

Đại diện Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cho biết, trên thực tế có ý kiến cho rằng việc xác định thành viên hộ gia đình phải dựa trên số lượng thành viên thực tế có trên sổ hộ khẩu tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo đảm. Có ý kiến lại cho rằng, việc xác định thành viên hộ gia đình phải căn cứ trên số lượng thành viên tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình.

Chính do thiếu tiêu chí pháp lý xác định tư cách thành viên hộ gia đình và thiếu thống nhất dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xác định hiệu lực của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình, dẫn đến rủi ro cho bên nhận bảo đảm trong quá trình nhận và xử lý tài sản bảo đảm là tài sản chung của hộ gia đình.

Các quy định về thủ tục xử lý tài sản bảo đảm cũng phụ thuộc quá nhiều vào ý chí của bên bảo đảm. Trong khi đó, thủ tục xử lý tài sản bảo đảm bằng con đường tòa án ở Việt Nam còn phức tạp, mất nhiều thời gian, chưa thực sự tạo thuận lợi cho bên nhận bảo đảm thực thi tốt nhất quyền xử lý tài sản bảo đảm.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu tham dự cho rằng, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật giao dịch bảo đảm, trong đó cần chú trọng kiến nghị đơn giản hoá các thủ tục liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm, đặc biệt là thủ tục bán đấu giá tài sản. Loại bỏ các quy định mang tính hành chính, can thiệp sâu vào quá trình xử lý tài sản bảo đảm nhưng vẫn phải có cơ chế để tạo điều kiện cho bên nhận bảo đảm dễ dàng tiếp cận với tài sản bảo đảm, nhanh chóng xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Trước mắt, kiến nghị bãi bỏ những quy định không phù hợp với thực tiễn hoặc hạn chế các chủ thể thiết lập, thực hiện các giao dịch bảo đảm, ví dụ: Quy định “về giá trị của tài sản so với tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm (khoản 1 Điều 324 Bộ luật Dân sự 2005) hay quy định giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên nhận thế chấp giữ trong trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất (khoản 1 Điều 717, khoản 5 Điều 718 Bộ luật Dân sự 2005).

Đồng thời, nghiên cứu bổ sung một số quy định bảo vệ quyền kiểm soát tài sản thế chấp do bên thế chấp hoặc người thứ ba đầu tư hay bổ sung quy định về xác định tư cách thành viên hộ gia đình, thống nhất tên gọi và nội dung của việc người sử dụng đất dùng quyền sử dụng đất của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác...

Về lâu dài, Nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định của Bộ luật Dân sự 2005, Luật Đất đai 2003 và các văn bản pháp luật có liên quan về xử lý tài sản bảo đảm nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ có bảo đảm trong sự hài hòa lợi ích của các bên khác có quyền và lợi ích liên quan.

Việc sửa đổi, bổ sung các quy định nêu trên sẽ góp phần giảm thiểu những rủi ro pháp lý, cản trở việc thực thi quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm.

Thanh Nhung

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm