Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng: Tồn đọng hơn 52.283 tỷ đồng

Thứ năm, 09/06/2016 - 08:58

(Thanh tra) - Toàn quốc số việc liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng còn tồn đọng chưa thi hành án (THA) 15.194 việc với số tiền hơn 52.283 tỷ đồng. Trong đó, đứng đầu là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, rồi đến Đồng Nai, Long An...

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến chủ trì hội nghị

Ngày 8/6, Bộ Tư pháp phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế số 01 về phối hợp giữa 2 cơ quan trong công tác THA dân sự (THADS).

Có tăng nhưng vẫn thấp

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn, năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, có 33.365 việc phải thi hành cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng, tương ứng với số tiền phải thi hành khoảng 130 nghìn tỷ đồng. Đến nay, đã thi hành xong được 4.282 việc, tương ứng với gần 24 nghìn tỷ đồng.

Nếu xét riêng kết quả THA xong về án tín dụng, ngân hàng trong 6 tháng đầu năm thì đã tăng trên 41% số việc và tăng hơn 30% số tiền so với cùng kỳ năm 2015.

Cùng nhận định Quy chế đã tạo sự chuyển biến tích cực trong thúc đẩy xử lý nợ xấu, ông Phạm Mạnh Thắng, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết, VAMC đã phối hợp với Tổng cục THADS lựa chọn một số vụ việc điển hình làm thí điểm, cho kết quả rất tích cực.

Tuy nhiên, tỷ lệ THA xong còn thấp, số việc, tiền phải THA còn lớn; tiến độ THA còn kéo dài, chậm trễ. Toàn quốc số việc còn tồn đọng chưa thi hành là 15.194 việc với số tiền hơn 52.283 tỷ đồng.

Một số địa phương có số tiền phải thi hành liên quan đến tổ chức tín dụng ngân hàng lớn như Hồ Chí Minh (1.886 việc; trên 13.719 tỷ đồng, Hà Nội (2.097 việc, trên 8.114 tỷ đồng), Đồng Nai (659 việc, trên 1.553 tỷ đồng), Long An (807 việc; trên 1.843 tỷ đồng), Cần Thơ (737 việc, trên 1.167 tỷ đồng), Hải Phòng (321 việc; trên 2.403 tỷ đồng).

Hơn nữa, thị trường bất động sản đã “ấm dần”, nhưng nhiều tài sản, nhất là bất động sản đã kê biên, thẩm định giá rất khó bán, nhiều vụ việc phải định giá lại nhiều lần vẫn không có người mua.

Đề nghị cho phép tổ chức tín dụng tham gia quá trình bán đấu giá

Dưới góc độ các tổ chức tín dụng, theo Phó Tổng Giám đốc VietinBank Nguyễn Đình Vinh THA trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng vẫn khó.

Nhất là, ở các địa bàn làng nghề, có quan hệ dòng họ, người vay thường nhìn nhau, chỉ cần không cưỡng chế 1 trường hợp các trường hợp khác cũng sẽ chây ỳ, tạo tiền lệ rất xấu.

Vì vậy, ông Vinh đề nghị, Tổng cục THADS, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương có biện pháp dứt điểm để thi hành các vụ việc này.

Còn theo ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV, để góp phần hỗ trợ chấp hành viên, bảo đảm tốt hơn quyền của người có tài sản nên cho phép tổ chức tín dụng được tham gia quá trình bán đấu giá tài sản.

Ngoài ra, thực tế nhiều trường hợp cơ quan THA yêu cầu phải thi hành tài sản của khách hàng vay trước tài sản bảo đảm của bên thứ ba hoặc có văn bản đề nghị Tòa án xác định thứ tự xử lý các tài sản trong bản án, dẫn đến quá trình THA bị kéo dài. 

Ông Phương đề nghị, cần xử lý đồng thời khi người được THA yêu cầu (trường hợp các bên không có thỏa thuận khác) theo đúng quy định.

Cơ quan THA nào gây khó dễ có thể phản ánh ngay với lãnh đạo Bộ

Không chỉ tổ chức tín kêu khó, cơ quan THADS cũng có nhiều vấn đề cần giải quyết. Phó Cục trưởng Cục THADS Chu Quang Tiến đề xuất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong thẩm định các tài sản thế chấp đảm bảo cho các khoản vay chặt chẽ để không bị rơi vào các tình huống không xử lý được hoặc khó xử lý đối với tài sản thế chấp.

Các tổ chức tín dụng, ngân hàng cũng cần thường xuyên cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan THA theo đúng quy định của pháp luật như đề nghị của Phó Cục trưởng THADS TP Hồ Chí Minh Phạm Thị Thanh Loan.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng yêu cầu các Cục trưởng THADS phải quyết liệt hơn, rà soát các bản án liên quan đến tín dụng ngân hàng, qua đó đề ra các biện pháp cụ thể để xử lý, thi hành ngay.

“Cơ quan THADS nào gây khó dễ đề nghị phản ánh với lãnh đạo Tổng cục, thậm chí có thể phản ánh ngay với lãnh đạo Bộ”, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nói, đồng thời yêu cầu, phải lựa chọn các tổ chức đấu giá tài sản có năng lực để đảm bảo quá trình kê biên, đấu giá đúng pháp luật và hiệu quả.

Những vấn đề cần hướng dẫn, Tổng cục THADS và Vụ Pháp chế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chủ động tham mưu để hướng dẫn kịp thời nếu không sẽ dẫn đến cách hiểu khác nhau, làm chậm quá trình THA.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm