Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sự thật về câu chuyện “Ngân hàng không cho ngư dân vay vốn theo Nghị Định 67”?

Thứ hai, 10/07/2017 - 11:13

(Thanh tra) - Trong những ngày qua, người dân tại xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) không ngớt bàn tán về “câu chuyện gây khó” của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chi nhánh số 41 Hùng Vương - Thừa Thiên Huế, khi các hộ ngư dân đã hoàn tất hồ sơ vay vốn thuộc diện Nghị định 67 của Chính phủ, nhưng đến nay vẫn đang trong tình trạng dài cổ ngóng chờ được giải ngân?

Ông Đoàn Đình Nguyên - Phó Giám đốc BIDV Huế (bìa trái), trao đổi về việc từ chối ký duyệt hợp đồng vay vốn của một số hộ ngư dân tại xã Vinh Thanh. Ảnh: Tuệ Nhiên

Theo phản ánh của một số hộ ngư dân tại xã Vinh Thanh, xung quanh việc đăng ký vay vốn đóng tàu bọc thép duy chỉ có 2 hộ được Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Thừa Thiên Huế phê duyệt theo Nghị định 67, đó là hộ ông Đỗ Khể và hộ ông Đỗ Sĩ.

Tuy nhiên, sau những thông tin tàu bọc thép không đạt tiêu chuẩn, hư hỏng không đáp ứng điều kiện ra khơi bám biển nên 2 hộ ngư dân trên đã  làm đơn xin chuyển sang đóng tàu gỗ.

Hai hộ còn lại là hộ ông Đỗ Thanh Thức và Đỗ Thanh Sơn không được Ngân hàng phê duyệt để vay vốn đóng tàu theo Nghị định với những câu chuyện chưa được rõ ràng, gây thắc mắc dư luận trong nhiều ngày qua.

Ông Đỗ Thanh Thức (ngư dân Thôn 6, xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang) cho biết: "Cách đây 4 - 5 tháng, phía Ngân hàng có về thẩm định nhà cửa, hồ sơ cũng nộp đầy đủ cho các nơi, mọi thủ tục gần như hoàn tất. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà phía Ngân hàng trả lời không thể giải ngân do Ngân hàng hết tiền?". Ông Thức thông tin thêm, gia đình ông có truyền thống đi biển nhiều đời, bản thân ông cũng bám biển cả chục năm nay.

Sáng ngày 25/6, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Trần Đoàn Nguyên - Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Thừa Thiên Huế, ông Nguyên cho biết: "Chúng tôi khẳng định chưa bao giờ trả lời với người dân là Ngân hàng hết tiền".

Theo ông Nguyên, sau Nghị định 67 được ban hành, phía Ngân hàng BIDV đã tổ chức ngay buổi họp với bà con ngư dân, cung cấp các văn bản, đồng thời hướng dẫn chi tiết các điều kiện vay vốn.

Lý giải về việc vì sao Ngân hàng phải thẩm định tài sản của ngư dân, động thái này có vi phạm Nghị định 67 hay không, ông Nguyên cung cấp:  Việc thẩm định nhà cửa cũng là một bước nằm trong quy chế cho vay của Ngân hàng, điều đó khẳng định chắc chắn rằng, hộ ngư dân được vay vốn hoàn toàn đảm bảo điều kiện có khả năng trả nợ.

Ông Nguyên giải thích: Để đóng một con tàu thép người dân phải bỏ ra khoảng 20 tỷ, còn tàu gỗ thì 10 tỷ; vì vậy, Ngân hàng cho vay cũng mong muốn khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích và mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, việc cân nhắc khách hàng tiềm năng, có năng lực trong việc hoàn vốn phải được đặt lên hàng đầu. Tính đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng BIDV đã hoàn tất ký duyệt hồ sơ vay vốn cho 22 hộ ngư dân ở các xã, trong đó có 19 hộ làm tàu gỗ và 2 hộ làm tàu bọc thép.

Trả lời câu hỏi vì sao hộ ông Đỗ Thanh Thức chưa được duyệt hợp đồng vay vốn, Phó Giám đốc BIDV, Chi nhánh Thừa Thiên Huế cho biết:  "Nguyên nhân là do ông Thức đã có những gian dối trong việc thẩm định tài sản. Cụ thể là đưa cán bộ Ngân hàng đi thẩm định một ngôi nhà của một hộ kế bên (ngôi nhà khang trang, kiên cố hơn), vì vậy, việc đặt niềm tin và tạo cơ sở cho vay vốn ban đầu đã không có nền tảng”.

Còn trường hợp hộ ông Đỗ Thanh Sơn, sau khi thẩm định nhà cửa, chiếu xét các điều kiện quy định, ông Sơn không đủ để Ngân hàng  ký duyệt cho vay, vì vậy ông Sơn đã xin rút hẳn hồ sơ vay vốn.

Được biết, Nghị định 67 đã tiếp tục được gia hạn 1 năm để hỗ trợ ngư dân có tàu lớn vươn khơi đánh bắt xa bờ. Chủ trương này có ý nghĩa lớn đối với ngư dân và an ninh quốc gia. Nhưng, điều quan trọng là ngư dân cần có chỗ dựa vững chắc cả về vật chất và tinh thần để yên tâm vươn khơi, khai thác nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tuệ Nhiên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công ty cổ phần Rạng Đông Holding bị xử phạt 242,5 triệu đồng

Công ty cổ phần Rạng Đông Holding bị xử phạt 242,5 triệu đồng

(Thanh tra) - Ngày 10/12/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 1383/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Rạng Đông Holding (Mã chứng khoán RDP) số tiền 242,5 triệu đồng.

Trần Quý

19:12 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm