Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phó Thủ tướng: Giảm thủ tục, vẫn phải quản chặt vốn ODA

Thứ tư, 08/06/2016 - 16:10

(Thanh tra) - Ngày 8/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi nhằm đánh giá tình hình thực hiện, giải ngân nguồn vốn này trong 6 tháng đầu năm 2016.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu, đẩy mạnh tiến độ giải ngân, bảo đảm tiến độ thực hiện của các dự án; bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA. Ảnh: Thảo Nguyên

Giải ngân vốn ODA đang chậm tiến độ

Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2016, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết đạt khoảng 2.564 triệu USD, tăng 61% so cùng kỳ năm ngoái.

Đến nay đã giải ngân đạt khoảng 1.850 triệu USD (trong đó ODA vốn vay đạt 1.750 triệu USD, ODA viện trợ không hoàn lại 100 triệu USD), thấp hơn khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và chưa có sự đột phá.

Ngoài những nguyên nhân vướng mắc về thể chế, pháp lý hay vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ, kịp thời… thì khó nhất hiện nay đang ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi là việc không cho phép giải ngân vượt kế hoạch được giao theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 của Quốc hội.

Là đơn vị được dành 45% vốn ODA trong giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện có 36 dự án vốn ODA và vốn vay ưu đãi, trong đó có 18 dự án triển khai tốt, 10 dự án ở mức độ trung bình và khá, 7 dự án giải ngân chậm.

Đến hết quý I/2016, số vốn ODA giải ngân đạt hơn 151 nghìn tỷ đồng/ 237.969 tỷ đồng vốn ODA ký kết cho các dự án; số vốn đối ứng giải ngân đạt hơn 33 nghìn tỷ đồng/71.905 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải ký kết tiếp 6 dự án với tổng vốn hơn 890 triệu USD.

Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, việc thiếu kế hoạch vốn ODA để giải ngân cho các dự án giao thông sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công, kéo dài thời gian hoàn thành, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả đầu tư.

Tìm lộ trình chuyển từ vốn vay ODA sang nguồn vốn ưu đãi kém hơn

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến chính sách, cơ chế, nhằm đạt được mục tiêu thu hút, quản lý, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, cần quan tâm, sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn vốn vay, trong đó có tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải ngân, bảo đảm tiến độ thực hiện của các dự án; bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA.

Theo đó, Bộ Kế hoạch Đầu tư cần khẩn trương xác định rõ chương trình, dự án, lĩnh vực nào được ưu tiên, phải được cấp phép, phải vay lại… chú ý giảm bớt các thủ tục hành chính song vẫn phải bảo đảm quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn.

Các bộ, ngành chức năng khác cũng rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các quy định liên quan đến huy động, quản lý nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Hiện Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nhiều nguồn tài trợ, vốn hỗ trợ, ưu đãi bị cắt giảm.

Cho nên, Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao tìm lộ trình phù hợp khi chuyển tiếp từ nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi sang nguồn vốn ưu đãi kém hơn mà không để ảnh hưởng đến thành quả đạt được trong huy động và sử dụng nguồn vốn thời gian qua.

Đối với vấn đề giải ngân vượt quá dự toán, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính báo cáo trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện theo hướng giải ngân kế hoạch vốn theo tiến độ cấp vốn như cam kết của nhà tài trợ.

Các ban quản lý dự án vốn ODA và vốn vay ưu đãi cũng cần trao đổi thông tin, kinh nghiệm để tháo gỡ những vướng mắc trong các dự án vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm