Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người dân đã gửi khoảng 15 triệu tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng

Hương Giang

Thứ hai, 05/08/2024 - 21:14

(Thanh tra) - Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tín dụng, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiếp tục sử dụng nguồn lực 15 triệu tỷ đồng tiền gửi trong ngân hàng ngày càng hiệu quả.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, phải điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, tập trung cho các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới. Ảnh: N.Bắc

Chiều 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo một số bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ.

Định hướng về điều hành chính sách tiền tệ “cơ bản phù hợp”

Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận, Thủ tướng nhấn mạnh chính sách tiền tệ có vai trò hết sức quan trọng, hoạt động ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế.

“Điều hành chính sách tiền tệ tốt sẽ tạo thuận lợi, nền tảng cho phát triển đất nước nói chung, các ngành kinh tế nói riêng”, theo nhận định của Thủ tướng.

Thủ tướng đánh giá, tình hình thực tiễn thời gian qua cho thấy định hướng từ đầu năm của Chính phủ về “chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả” là cơ bản phù hợp.

Định hướng này đã được Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, kết hợp hài hòa với các chính sách khác về tài khóa, thương mại, đầu tư, bất động sản…

Thủ tướng cũng lưu ý, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn còn những khó khăn trước mắt và lâu dài khi áp lực lạm phát còn cao, mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng, tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu vay vốn tăng cao vào cuối năm…

Cùng với đó, tiền gửi trong ngân hàng hiện đạt khoảng trên 15 triệu tỷ đồng, số tiền này đã được hệ thống ngân hàng đưa vào nền kinh tế thông qua cấp tín dụng. Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục đẩy mạnh tín dụng, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiếp tục sử dụng nguồn lực này ngày càng hiệu quả.

Quán triệt tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản”, điều hành không “giật cục”, chính sách đưa ra phải rõ ràng, dứt khoát, phù hợp thực tiễn, “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện”, theo Thủ tướng, thời gian tới, tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức hơn là cơ hội, thuận lợi.

Ông yêu cầu phải bám sát diễn biến, nắm chắc tình hình trong và ngoài nước; phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả; kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với các chính sách khác để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, giảm lãi suất cho vay

Về chính sách tiền tệ, theo chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, phải điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, tập trung cho các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới.

Thủ tướng yêu cầu tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay. Ảnh: N.Bắc

Các ngân hàng phải tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay, trong đó, các ngân hàng thương mại Nhà nước tiên phong thực hiện “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Thủ tướng quán triệt yêu cầu điều hành tín dụng phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; thu hồi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ tổ chức tín dụng không sử dụng hết và bổ sung cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng.

Cùng với đó, tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường vàng, ngoại tệ một cách căn cơ, bài bản; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; triển khai cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

“Đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, tăng cường công khai, minh bạch”, theo chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ.

Về chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi, giảm phí, lệ phí, thuế VAT; đẩy mạnh đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.

Bộ Tài chính còn được giao phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất giảm cho các công trình, dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia… đẩy mạnh phát triển, quyết tâm nâng cấp thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.

Lưu ý về thương mại, đầu tư, Thủ tướng giao các bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao đẩy mạnh xuất khẩu, phấn đấu đạt kỷ lục xuất nhập khẩu khoảng 750-800 tỷ USD và xuất siêu trên 20 tỷ USD.

Cạnh đó, thúc đẩy, kích thích tiêu dùng trong nước, phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, đẩy mạnh thương mại biên giới, khai thác hiệu quả các FTA đã ký và đàm phán, mở rộng các FTA mới.

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm.

Đến cuối tháng 6, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023; lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023.

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi từ cuối tháng 3 và tăng dần qua các tháng, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2023, đến hết quý II/2024 đạt 6% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến cuối tháng 7, dư nợ tín dụng gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ 2023 và tăng 5,66% so cuối năm 2023.

Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương đang phối hợp triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực như: gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, với tổng lũy kế 34,4 nghìn tỷ đồng. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm