Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đề xuất vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, nghiên cứu thuế điều tiết bất động sản

Hương Giang

Thứ ba, 04/07/2023 - 15:13

(Thanh tra) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháo gỡ pháp lý, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp; nghiên cứu, điều chỉnh chính sách thuế để điều tiết, phát triển thị trường bất động sản là cần thiết và quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: N.Bắc

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, chiều ngày 4/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm, 6 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản hồi đầu năm (6,2%); sản xuất kinh doanh khó khăn, sức chống chịu doanh nghiệp đã tới hạn, tạo thách thức lớn để tồn tại, duy trì hoạt động.

“Yêu cầu đặt ra là cần triển khai nhanh, hiệu quả hơn nữa các giải pháp đã ban hành; tiếp tục có các giải pháp mới, chủ động, quyết liệt; đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực thi để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, củng cố, đẩy nhanh hơn xu hướng phục hồi của nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đảm bảo cung ứng điện, xăng dầu cho cả trước mắt và lâu dài

Tờ trình dự thảo nghị quyết nêu 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, có các nhiệm vụ, giải pháp về thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư, thu hút vốn FDI và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Theo dự thảo nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn làm nhà cung cấp cho doanh nghiệp FDI trong một số ngành, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; nghiên cứu chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư ngoài thuế.

Bộ Tài chính sửa đổi chính sách thuế ưu đãi, thu hút đầu tư trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu; đẩy nhanh thanh, quyết toán, thủ tục giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ Công Thương rà soát, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các dự án công nghiệp và năng lượng lớn, quan trọng.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được đề nghị chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đảm bảo cung ứng điện, xăng dầu cho cả nước cả trước mắt và lâu dài.

Các bộ, cơ quan và địa phương tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch cho các dự án FDI, dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp.

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp

Hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân, cũng là nội dung được đề xuất.

Dự thảo nghị quyết nêu, Ngân hàng Nhà nước bảo đảm thanh khoản, ổn định mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Cạnh đó, là đơn giản hoá thủ tục cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng.

Bộ Tài chính khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 7; tính toán thời hạn, hình thức, phương thức huy động vốn, phát hành trái phiếu Chính phủ theo tiến độ thu, chi, giải ngân vốn đầu tư công để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Khi góp ý dự thảo nghị quyết, Bộ Tài chính đề nghị không quy định thời gian đưa vào vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Giải trình vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo nghị quyết) cho rằng, việc tháo gỡ pháp lý, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để khơi thông dòng tiền trong nền kinh tế và tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn trung, dài hạn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo dự thảo nghị quyết, Bộ Tài chính được đề nghị nghiên cứu, báo cáo Chính phủ các giải pháp, chính sách thuế để điều tiết, phát triển bền vững thị trường bất động sản, chống đầu cơ bất động sản.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc nghiên cứu, điều chỉnh chính sách thuế để điều tiết, phát triển thị trường bất động sản là cần thiết để hỗ trợ thị trường này trong trung, dài hạn.

“Đây là chính sách, giải pháp tài khóa quan trọng trong nửa cuối năm để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng kinh tế”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.

Trong nhóm nhiệm vụ này, Bộ Công Thương được đề nghị đẩy nhanh cấp phép các dự án điện tái tạo để huy động nguồn lực từ các dự án này; rà soát hoàn thiện các quy định về mua, bán điện, chỉ đạo EVN thống nhất giá điện tạm thời với các dự án năng lượng tái tạo.

Trình quy định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm trong tháng 9

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhóm nhiệm vụ, giải pháp tiếp theo được đề xuất.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và kiến nghị phương án sửa đổi, bãi bỏ, báo cáo Thủ tướng trong tháng 12.

Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn về phòng cháy chữa cháy, sửa đổi tiêu chuẩn nước thải nuôi trồng thuỷ sản trong tháng 7 và giảm tối đa thanh tra chưa cần thiết (gồm thanh tra chuyên ngành) cho doanh nghiệp, người dân.

Cuối cùng, dự thảo nghị quyết của Chính phủ đưa ra nhiệm vụ, giải  pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc.

Theo đó, Bộ Nội vụ trình cấp có thẩm quyền quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung trong tháng 9; có cơ chế xử lý trường hợp cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.

Các bộ, ngành, địa phương chấp hành, thực hiện nghiêm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không đùn đẩy, để kéo dài công việc.

Ngoài các nhiệm vụ trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, giảm mức phí công đoàn từ 2% xuống 1%, và giãn thời hạn nộp phí này trong năm 2023.

Tổng Liên đoàn cũng được đề nghị tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, lao động bị giảm thời gian làm việc, mất việc do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm