Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng, cao nhất GDP 6 tháng cuối năm 2023 phải đạt 8,9%

Hương Giang

Thứ ba, 04/07/2023 - 11:33

(Thanh tra) - Nhiều chỉ số quan trọng của nền kinh tế đã có bước tăng trưởng, tạo đà cho các tháng tiếp theo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật hai kịch bản tăng GDP cả năm nay là 6-6,5%, theo đó, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8-8,9%.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023. Ảnh: N.Bắc

Ngày 4/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 tiếp tục xu hướng tích cực, tốt hơn tháng 5 và quý II tốt hơn quý I trên nhiều lĩnh vực, đóng góp vào kết quả chung của 6 tháng đầu năm 2023.

Những mục tiêu lớn cơ bản đạt được, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội còn những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức.

Trong đó, ông lưu ý 3 nhóm vấn đề lớn: Tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra; tình hình sản xuất kinh doanh, thị trường lao động, việc làm gặp nhiều khó khăn, cần nỗ lực hơn; kỷ luật kỷ cương có lúc chưa nghiêm, còn tình trạng cán bộ công chức viên chức sợ sai, né tránh trách nhiệm.

Dự kiến sau phiên họp, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết phiên họp và nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá khách quan, trung thực tình hình, nhất là những tồn tại, hạn chế, khó khăn, phân tích các nguyên nhân, đề xuất các giải pháp sát tình hình, khả thi, hiệu quả cao hơn trong tháng 7, quý III và 6 tháng cuối năm.

Nhiều chỉ tiêu quan trọng đã có bước tăng trưởng

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội đã dần chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đã có bước tăng trưởng.

GDP quý II ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,25%, đóng góp 8,53% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,50%, đóng góp 23,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,11%, đóng góp 67,84%.

Tính chung 6 tháng, GDP tăng 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra là 6,2%. Mức tăng tuy thấp, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đã thấy xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, quý II cao hơn quý I, tạo đà cho các tháng tiếp theo.

Nhiều địa phương thuộc vùng động lực quan trọng đã có mức tăng GRDP quý II cao hơn như TP HCM tăng 5,9%, Bình Dương tăng 5,7%, Đồng Nai tăng 4,8%, Bắc Giang tăng 13,8%...

Kim ngạch xuất nhập khẩu có xu hướng tăng, xuất siêu 12,25 tỷ USD. Đầu tư có dấu hiệu tích cực hơn, ước đạt 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 3,29% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm, tạo điều kiện tập trung điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ phục vụ thúc đẩy tăng trưởng.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp có tích cực hơn, với 13.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 6; gần 7.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, gấp 3,1 lần so với cùng kỳ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ, khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, tạo rủi ro, sức ép lên công tác điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về ngân sách Nhà nước, đầu tư, tiêu dùng, lao động - việc làm, an sinh xã hội…

“Khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn yếu, nhiều doanh nghiệp đã đến mức tới hạn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa”, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Một số tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam nhưng cơ bản vẫn ở mức tích cực, như ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức 6,5% trong năm nay và tăng lên 6,8% trong năm 2024.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 6% năm 2023. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay từ mức 5,8% xuống còn 4,7%.

Cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng

Trên cơ sở dự báo bối cảnh, tình hình, Bộ Kế hoạch đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng quý III và cả năm nay.

Kịch bản 1, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%; tăng trưởng quý III đạt 6,8%, quý IV đạt 9% (cao hơn lần lượt 0,3 điểm % và 1,9 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01). Với kịch bản này, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,0%.

Kịch bản 2, tăng tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%; tăng trưởng quý III đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3% (cao hơn lần lượt 0,9 điểm % và 3,2 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01), tính chung 06 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm nay là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân cả nước, phát huy hiệu quả mọi chính sách, nguồn lực, tận dụng tối đa các cơ hội.

Nhiều nhiệm vụ, giải pháp được bộ này đề xuất. Trong đó, các bộ, địa phương cần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư (bao gồm khu vực tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước, thu hút FDI và đầu tư công), xuất khẩu.

Các thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lao động phải được theo dõi chặt chẽ tình hình, xử lý vướng mắc, hoàn thiện quy định, để các thị trường này trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; tăng cường kiểm tra, giám sát, có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa ngay các quy định, thủ tục hành chính gắn với tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm