Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đại án Phạm Công Danh qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội

Chủ nhật, 06/11/2016 - 20:56

(Thanh tra) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo, yêu cầu xử lý các vụ án nghiêm trọng phải đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không chịu sức ép từ bất cứ tổ chức, cá nhân nào.

Đại án Phạm Công Danh và đồng phạm. Ảnh: Vietnamnet

Phát biểu về công tác chống tham nhũng tại phiên họp Quốc hội 28/10/2016, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) trăn trở mặc dù có đầy đủ thể chế, điều kiện, được Đảng và Nhà nước cực kỳ quan tâm chỉ đạo, nhưng “dường như tình trạng tham nhũng vẫn hồn nhiên nhảy múa trên lưỡi gươm pháp luật”. 

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Thanh Hóa) đặt vấn đề hàng ngàn tỷ đồng tham nhũng đã đi đâu, được dùng vào việc gì, ai đã nhận vẫn được nhân dân chờ câu trả lời từ các cơ quan có thẩm quyền… 

Báo cáo tại Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội giám sát và ban hành Nghị quyết về chống bỏ lọt tội phạm để góp phần phòng ngừa, phát hiện tội phạm và phòng, chống tiêu cực trong cơ quan bảo vệ pháp luật các cấp.

Chính sách, đường lối của Đảng, trăn trở của các đại biểu Quốc hội, của cử tri cần được kiểm chứng qua các vụ án cụ thể. Trước hết hãy điểm qua vụ án Phạm Công Danh.

Vụ án nghiêm trọng nhất từ trước đến nay

Vụ án Phạm Công Danh đạt “kỷ lục” về số tiền chiếm đoạt, thất thoát lên đến hơn 18.000 tỷ đồng, hơn 9.000 tỷ đồng chưa thu được. Trước đó, trong vụ án  Huỳnh Thị Huyền Như, con số bị chiếm đoạt chưa đến 5.000 tỷ đồng và số chưa thu được khi xảy ra vụ án chưa đến 4.000 tỷ đồng.

Không chỉ đạt “kỷ lục” về số tiền chiếm đoạt, thất thoát, Phạm Công Danh còn đạt “kỷ lục” về thủ đoạn, về mức độ sai phạm. Không có năng lực tài chính, Phạm Công Danh phù phép về năng lực tài chính để thuyết minh đủ khả năng mua lại Trustbank. 

Từng có tiền án về tội chiếm đoạt tài sản, không đủ điều kiện, Phạm Công Danh vẫn được chấp thuận làm Chủ tịch Ngân hàng. Không có bằng đại học, Phạm Công Danh dùng bằng đại học giả. Để rút tiền của Ngân hang Xây dựng (VNCB), Phạm Công Danh rút trực tiếp không cần chứng từ, rút tiền vay không cần hồ sơ, lập hồ sơ khống thuê trụ sở, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin… 

Tinh vi hơn, Phạm Công Danh, Phạm Công Trung cùng các cá nhân khác lập hồ sơ khống vay tiền ngân hàng khác, dùng tiền của VNCB gửi sang các ngân hàng này để bảo lãnh trái pháp luật cho các khoản vay. Phạm Công Danh trực tiếp và thông qua người thân sở hữu gần 85% cổ phần VNCB, bất chấp quy định về giới hạn sở hữu cổ phần, thao túng toàn bộ VNCB. Các hành vi của Phạm Công Danh và đồng phạm diễn ra trong thời gian VNCB chịu giám sát bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua một tổ giám sát trực tiếp.

Vụ án này không thể xảy ra nếu Đề án Tái cơ cấu Trustbank không được trình thông qua, nếu khả năng tài chính yếu kém của Phạm Công Danh được đánh giá đúng, nếu Phạm Công Danh không được chấp thuận làm Chủ tịch Ngân hàng, nếu việc kiểm tra, giám sát VNCB được thực hiện đầy đủ, nếu các ngân hàng cho vay làm rõ các phương án vay khống của Phạm Công Danh… Như vậy, đúng là Phạm Công Danh đã “nhảy múa trên lưỡi gươm pháp luật”.

Hàng ngàn tỷ đi đâu?

Trong hơn 18.000 tỷ đồng rút ra từ các ngân hàng, hơn 9.000 tỷ đồng chưa thu hồi được, thì 4.500 tỷ đồng không xác định được Phạm Công Danh chi tiêu vào việc gì, hàng ngàn tỷ đồng khác trả nợ cho cá nhân Danh và Tập đoàn Thiên Thanh cũng không được làm rõ tiền đi đâu. 

Khoảng 400 tỷ đồng Phạm Công Danh rút của VNCB từ việc lập hợp đồng thuê trụ sở tại 816 Sư Vạn Hạnh, kết quả điều tra nêu “03 nhân viên của Thiên Thanh (Dương Bích Thạnh, Phan Bảo Long, Hồ Thị Đi) rút tiền mặt để Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng. Phạm Công Danh không giải trình được vào việc gì”. 

Khoản 300 tỷ đồng rút từ VNCB từ khoản vay không có hồ sơ kết quả điều tra cũng tương tự “… rút tiền mặt để Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng. Phạm Công Danh không giải trình được dùng cụ thể vào việc gì”. 

Khoản 900 tỷ đồng rút ra từ việc ủy thác đầu tư trái phiếu trái luật cũng không khác hơn “Phạm Công Danh chỉ đạo sử dụng 900 tỷ vào việc chung của Tập đoàn Thiên Thanh, nhưng không giải trình được dùng cụ thể vào việc gì”…

Quá trình truy tố của Viện KSND Tối cao, xét xử sơ thẩm của Tòa TP HCM cũng chưa làm rõ các nội dung này. Không những không xác minh, thu hồi tiền, Tòa án còn trả lại nhiều tài sản đã bị kê biên cho Công ty Việt Trung, cũng được xác định thuộc Tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh. Việc không xác minh, thu hồi tiền chiếm đoạt là không phù hợp pháp luật, không đúng chủ trương của Đảng về chống tham nhũng. Đây đúng là câu hỏi mà nhân dân đang chờ sự trả lời từ các cơ quan pháp luật.

Có bỏ lọt tội phạm?

Theo kiến nghị của ông Đinh Văn Quế (nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao), việc cơ quan tố tụng xác định Phạm Công Danh phạm tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng” là chưa chính xác, chưa phản ảnh đúng bản chất của hành vi phạm tội, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. 

Phạm Công Danh dùng hơn 10.000 tỷ đồng mua cổ phần cho nhóm của mình và trả nợ cá nhân hoặc trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh. Số tiền còn lại cơ quan tố tụng không xác định được Danh đã chi tiêu vào việc gì? Hơn 18.000 tỷ đồng Phạm Công Danh rút ra từ 3 ngân hàng đều sử dụng cho mục đích riêng của Phạm Công Danh. Hành vi của Phạm Công Danh có đủ dấu hiệu cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với tình tiết tăng nặng là lợi dụng chức vụ, quyền hạn. 

Vì xác định chưa đúng tội danh của Phạm Công Danh, Tòa án Cấp sơ thẩm đã xác định chưa đúng tư cách tham gia tố tụng của VNCB, không xác minh tới cùng Phạm Công Danh đem tiền chiếm đoạt đi đâu, cũng như quyết định xử lý vật chứng của vụ án không đúng nhằm thu hồi tài sản cho VNCB…

Phạm Công Trung, em trai Phạm Công Danh là người giúp sức đắc lực cho Phạm Công Danh lập hồ sơ, hợp đồng mua bán khống nhằm chứng minh đầu ra của phương án kinh doanh để vay ngân hàng. Phạm Công Trung được hưởng lợi tiền rút ra từ ngân hàng, trực tiếp dùng tiền này mua và sở hữu cổ phần trong VNCB. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã có lệnh khởi tố và bắt giam Phạm Công Trung, nhưng lệnh này không được Viện KSND Tối cao phê chuẩn. 

Như vậy, Quốc hội cần giám sát xem có hay không bỏ lọt tội phạm trong vụ án Phạm Công Danh?

Ông Đinh Văn Quế có quyền kiến nghị?

Chính sách của Đảng và Nhà nước đã thể hiện qua Hiến pháp 2013, theo đó công dân có quyền tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan Nhà nước. Nhà nước tạo điều kiện, công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân. Quá trình giám sát, kiến nghị của nhân dân đã tạo nên hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Chính tiếng nói, sự giám sát của nhân dân tạo nên sức mạnh của công cuộc chống tham nhũng. Như vậy, Đảng và Quốc hội sẽ có phản hồi kiến nghị của ông Đinh Văn Quế, đồng thời giám sát, yêu cầu các cơ quan tố tụng xem xét các kiến nghị của ông Đinh Văn Quế.

Việc giám sát, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội về phòng, chống tham nhũng không đồng nghĩa với việc làm thay các cơ quan tố tụng trong việc xử lý các vấn đề cụ thể của từng vụ án theo quy định pháp luật. Sự giám sát, chỉ đạo này nhằm đảm bảo xử lý các vụ việc tham nhũng nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không chịu sức ép của bất cứ ai.


Luật sư Hoàng Đôn Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm