Chống tham nhũng tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt

Trong bài viết đăng tải ngày 26/9, Nhật báo China Daily cho biết, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lập Quân là quan chức cấp cao mới nhất bị trừng phạt vì tội tham nhũng.

Bản án được Tòa án Trường Xuân (tỉnh Cát Lâm) đưa ra ngày 23/9 tuyên án tử hình hoãn thi hành án 2 năm đối với ông Tôn vì nhận hối lộ hơn 646 triệu nhân dân tệ, thao túng thị trường chứng khoán và sở hữu súng trái phép.

Tôn Lập Quân (53 tuổi) bị tước bỏ các quyền chính trị và bị tịch thu tất cả tài sản cá nhân. Sau 2 năm hoãn thi hành án, án tử hình của Tôn sẽ được giảm xuống tù chung thân và không được ân xá.

Chỉ 1 ngày trước khi tòa tuyên án Tôn Lập Quân, một cựu quan chức cấp cao khác của Trung Quốc là cựu Bộ trưởng Tư pháp Phó Chính Hoa cũng đã bị tòa án Trường Xuân tuyên án tử hình, hoãn thi hành án 2 năm vì tội nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực.

Ngoài ra, 3 cựu Cảnh sát Trưởng của Thượng Hải, Trùng Khánh và Sơn Tây cũng đã bị kết án trong các phiên xét xử riêng biệt vào tuần trước.

Theo China Daily, hình phạt áp dụng đối với các cựu quan chức cấp cao nêu trên chỉ là những ví dụ mới nhất về cuộc chiến chống tham nhũng cam go và không ngừng của Trung Quốc, mà các chuyên gia phân tích cho rằng, đã tập trung vào các ngành và lĩnh vực then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động; và đi kèm với việc tăng cường giám sát, quản lý để hạn chế tình trạng tham nhũng cũng như những tác động xấu của tệ nạn này.

Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc khóa học dành cho cán bộ cấp tỉnh và cấp bộ hồi tháng 7 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, kể từ Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 (năm 2017), Đảng đã cải thiện khả năng tự quản và hành động tích cực để thắt chặt kỷ luật, cải thiện đạo đức đảng viên.

Ông Tập, người cũng là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, nói thêm rằng, Đảng đã thực hiện các bước phối hợp để đảm bảo các quan chức không có cơ hội, không ham muốn hoặc có ý định tham nhũng.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện sự quản lý đầy đủ và nghiêm ngặt đối với Đảng, đồng thời đưa ra cảnh báo với bất kỳ sự buông lỏng hoặc trì trệ nào.

leftcenterrightdel
Ông Tôn Lập Quân tại tòa. Ảnh: Global Times 

China Daily dẫn lời ông Yang Weidong, giáo sư luật tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, cho biết, số lượng quan chức bị điều tra cho thấy công tác chống tham nhũng của Trung Quốc là nghiêm khắc và các nhà chức trách đã tăng cường nỗ lực, không hạ thấp mục tiêu.

"Sau nhiều năm thực hiện các chiến dịch, nhận thức của các quan chức về công tác chống tham nhũng theo yêu cầu của chính quyền trung ương đã ăn sâu vào tâm trí họ và chiến dịch phát đi một tín hiệu rõ ràng rằng, quyền lực công không thể được sử dụng vì lợi ích cá nhân và bởi bất kỳ người vi phạm nào", ông Yang nói.

Một cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc vào đầu tháng 9 này ghi nhận, kể từ Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, Ban Chấp hành Trung ương Đảng với sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình đã sửa đổi và cải thiện quy tắc 8 điểm của Đảng, cải thiện ứng xử của Đảng và chính quyền. Kết quả là, một số vấn đề sâu xa và hành vi sai trái chưa được khắc phục trong một thời gian dài đã được giải quyết, theo đánh giá từ cuộc họp.

Bằng chứng về sự tiến bộ

China Daily phân tích những con số thống kê cụ thể cho thấy sự tiến bộ của Trung Quốc trong công tác chống tham nhũng.

Trong nửa đầu năm nay, 24 quan chức cấp cao do Ban Tổ chức của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quản lý đã bị điều tra.

Bên cạnh đó, khoảng 273.000 cán bộ bị xử lý hành chính, trong đó có 227.000 người bị kỷ luật Đảng.

Đây là bằng chứng cho thấy thái độ nghiêm khắc đối với việc trừng trị tham nhũng vẫn không thay đổi, theo nhận định của cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của quốc gia.

Các cơ quan thanh tra, giám sát kỷ luật trên toàn quốc cũng đã tiếp nhận khoảng 1,75 triệu đơn khiếu nại, tố cáo; xử lý 739.000 vật chứng vi phạm và lập hồ sơ điều tra 322.000 vụ trong kỳ.

Những con số biết nói này cho thấy chính quyền quyết tâm chống tham nhũng dưới mọi hình thức.

Trong số những người bị trừng phạt 6 tháng đầu năm, 21 người ở cấp tỉnh hoặc cấp bộ, 1.237 người ở cấp cục và 10.000 người ở cấp quận.

Cơ quan thanh tra, giám sát kỷ luật các cấp đã siết chặt giám sát các cán bộ lãnh đạo để đảm bảo họ thực thi đúng chức trách và không lạm quyền, bài báo cho biết.

Các biện pháp trừng phạt đối với tham nhũng đã trở nên chính xác và hiệu quả hơn; đồng thời, việc thực thi kỷ luật và trách nhiệm giải trình cũng trở nên sát sao và chuẩn mực hơn.

Ngoài ra, các trường hợp liên quan đến tham nhũng ở cấp địa phương, nông thôn cũng bị xử lý nghiêm, cho thấy công tác giám sát cơ sở có hiệu quả, không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân mà còn có tính răn đe mạnh mẽ.

Theo cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của quốc gia, 63 quan chức từ các cơ quan Chính phủ trung ương và các doanh nghiệp nhà nước đã bị điều tra trong nửa đầu năm, 29 trong số đó là từ các tổ chức liên quan đến tài chính.

Ông Zhang Deshui, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về xây dựng chính phủ liêm chính tại Đại học Bắc Kinh cho rằng, việc gia tăng các hoạt động phòng chống tham nhũng trong nửa đầu năm nay “đã cho thấy quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc trấn áp tham nhũng, loại bỏ các tác nhân gây ra tham nhũng trong Đảng và xây dựng một môi trường chính trị trong sạch”.

Bên cạnh đó, những nỗ lực loại bỏ “quan tham” trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng truyền tải thông điệp rằng, các quan chức cấp cao trong thời gian tới sẽ được lựa chọn nghiêm ngặt để những cán bộ thực sự xuất sắc được đề bạt vào những vị trí quan trọng.

Một thông cáo báo chí được ban hành tại Phiên họp Toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) lần thứ 19, tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 18 - 20/1, nêu rõ, các cơ quan chống tham nhũng sẽ nhắm vào tham nhũng trong các lĩnh vực chính, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, giao dịch nguồn lực công, tài chính, doanh nghiệp nhà nước...

Báo cáo cho rằng, các ủy ban kiểm tra kỷ luật và các cơ quan giám sát cần đóng vai trò tốt hơn nữa trong việc giám sát việc thực thi kỷ luật trong thực tế.

Chống tham nhũng thân hữu

Các vụ việc tham nhũng liên quan đến người thân của quan chức không phải là chuyện mới ở Trung Quốc. Câu chuyện “một người làm quan, cả nhà hưởng lợi”, hay “một người ngã ngựa, cả nhà lộ theo”, dường như năm nào cũng có.

Bởi vậy, không dừng lại ở các quan chức, ngay trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thân nhân của các cán bộ, đảng viên đã chính thức trở thành đối tượng nhắm đến của cuộc chiến chống tham nhũng đầy cam go, phức tạp.

leftcenterrightdel
Ảnh: china.org.cn 

Trong khi chủ trì phiên họp nhóm lần thứ 40 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 6 vừa qua, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, các quan chức lãnh đạo, đặc biệt là những người cấp cao, cần nghiêm túc làm việc để không chỉ tránh tham nhũng mà còn giám sát các thành viên trong gia đình và những người xung quanh họ.

Ông cho rằng, cần nỗ lực thúc đẩy một môi trường kinh doanh và chính trị trong sáng trong các lĩnh vực dưới sự giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp.

Để hạn chế hơn nữa sự lạm dụng quyền lực của các quan chức và thúc đẩy chính quyền trong sạch, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã ban hành một hướng dẫn vào tháng 2 để tăng cường xây dựng văn hóa liêm chính, và một hướng dẫn khác vào tháng 6 tập trung vào các hạn chế đối với vợ hoặc chồng của các quan chức lãnh đạo, con cái và vợ hoặc chồng của con cái họ đang điều hành doanh nghiệp.

Quy định rõ hoàn cảnh, biện pháp hành động và yêu cầu xử lý kỷ luật đối với người thân của cán bộ, nhằm tiêu chuẩn hóa, hạn chế lạm dụng quyền lực, ngăn ngừa nguy cơ tham nhũng ngay từ đầu.

Ông Zhang Deshui cho rằng, việc đưa ra một loạt quy tắc và quy định trong Đảng cho thấy Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc rất coi trọng việc đảm bảo rằng các quan chức không dám, không thể và không có mong muốn phạm tội tham nhũng. Điều này nhằm mục đích thấm nhuần ý thức liêm chính vào công tác giám sát, giáo dục và điều hành hàng ngày.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc - với tổng cộng 2.296 đại biểu được bầu sẽ tham dự (theo một thông báo chính thức ngày 25/9) có ý nghĩa quan trọng, được triệu tập vào thời điểm Trung Quốc bước vào một chặng đường mới xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại về mọi mặt.

Hoài Phương