Nhật báo Cyprus Mail vừa đăng tải bài viết của Leslie G Manison - một nhà kinh tế và phân tích tài chính, nguyên chuyên gia kinh tế cấp cao tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nguyên cố vấn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Síp.

Theo ông Manison, khảo sát của Eurobarometer thực hiện hồi tháng 7/2022 cho thấy, 94% số người được hỏi cho rằng tham nhũng đang tràn lan ở Síp và các đảng chính trị được cho là đặc biệt dễ bị tổn thương bởi tình trạng lạm dụng quyền lực.

Bên cạnh đó, Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cho thấy, so với 26 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) khác và 180 quốc gia trên thế giới nói chung, Síp được coi là có chiều hướng tham nhũng hơn trong thập kỷ qua.

Trong số 180 quốc gia, Síp được xếp hạng 52 vào năm 2021, giảm mạnh từ vị trí thứ 29 vào năm 2012 và có thứ hạng kém hơn 20 quốc gia EU khác.

Tương tự, theo các chỉ số quản trị của Ngân hàng Thế giới (WB), “việc kiểm soát tham nhũng” ở Síp đã dần xấu đi kể từ năm 2012.

Và, để giải quyết tình trạng tham nhũng ngày càng gia tăng ở Síp, Cơ quan chống tham nhũng chính thức đã được thành lập vào cuối năm 2022, với nhiệm vụ điều tra các khiếu tố liên quan đến hối lộ, tham nhũng.

Theo chuyên gia kinh tế Manison, tham nhũng được định nghĩa là lạm dụng quyền lực để tư lợi có tác động tiêu cực đáng kể đến tăng trưởng kinh tế, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và làm xói mòn văn hóa, xã hội.

Tham nhũng cản trở tăng trưởng kinh tế bằng cách giảm đầu tư trực tiếp trong nước và nước ngoài, đồng thời bóp méo cơ cấu chi tiêu của Chính phủ, từ đầu tư cho giáo dục, y tế và nhà ở xã hội sang các dự án công kém hiệu quả và dễ thao túng, bao gồm cả đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Public Private Partnership - PPP).

Ngoài ra, tham nhũng ảnh hưởng đến việc phân bổ nguồn lực một cách công bằng giữa các tầng lớp dân cư, làm gia tăng bất bình đẳng về thu nhập và khoảng cách giàu nghèo cũng như làm suy yếu hiệu quả của các chương trình phúc lợi.

Tham nhũng cản trở việc phân bổ nguồn lực hiệu quả

Nhiều vụ việc tham nhũng ở Síp có liên quan đến hoạt động trục lợi của các tác nhân kinh tế để đạt được lợi thế cạnh tranh. Các công ty và cá nhân ở Síp chi một số tiền đáng kể để thuyết phục các quan chức Chính phủ và chính trị gia cấp độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh. Và trong quá trình tìm kiếm đặc lợi, một số quan chức và những người có thẩm quyền thường bị mua chuộc vì những vấn đề như cấp giấy chứng nhận, cấp phép xây dựng, hay phê duyệt một khoản chi tiêu.

Trường hợp trục lợi kinh điển và bị cáo buộc tham nhũng ở Síp nổi lên trong những năm gần đây liên quan đến việc thực hiện cái gọi là "chương trình hộ chiếu vàng", đổi đầu tư lấy quốc tịch. Tại đó, các quan chức và chính trị gia quyền lực cùng những người cộng tác của họ đã thu lợi cá nhân từ sự độc quyền trong việc cấp hộ chiếu cho các nhân vật "trong bóng tối". Những người này sẵn sàng trả một khoản tiền mặt rất lớn (thường được rửa thông qua các ngân hàng Síp), để có được những hộ chiếu như vậy.

leftcenterrightdel
Bê bối "hộ chiếu vàng" là trường hợp trục lợi kinh điển ở Síp nổi lên trong những năm gần đây. Ảnh: Cyprus Mail

Bên cạnh đó, các nguồn lực của Chính phủ thường bị lãng phí do tham nhũng liên quan đến việc mua tài sản của các tổ chức khu vực công với giá cao hơn nhiều so với giá trị thị trường.

Trong sự sắp xếp đáng ngờ của một số dự án PPP, chẳng hạn, các nhà máy xử lý chất thải, các quan chức đã dành những đặc nhượng hào phóng cho đối tác tư nhân và chuyển rủi ro sang khu vực công, với các công ty độc quyền và tập đoàn được tạo dựng lên để bòn rút tiền của người nộp thuế.

Tham nhũng dưới hình thức trốn thuế cũng làm giảm nguồn thu ngân sách, cắt giảm quỹ dành cho chi tiêu thiết yếu như y tế, giáo dục, nghiên cứu và phát triển cũng như cung cấp các phúc lợi xã hội đầy đủ.

Thêm vào đó, mối quan hệ thân thiết không lành mạnh giữa các chính trị gia và chủ ngân hàng (mà nhiều người đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2013 tại Síp), tiếp tục góp phần vào tham nhũng ở một số lĩnh vực nhất định. Các chủ ngân hàng đã mở rộng những khoản vay khổng lồ cho các nhà phát triển thông qua việc định giá quá cao tài sản đảm bảo thế chấp và không đánh giá đúng khả năng trả nợ của họ.

Khi một số nhà phát triển gặp khó khăn trong việc trả nợ, một lượng lớn khoản nợ của họ đã được xóa thông qua trao đổi tài sản với mức định giá quá cao và/ hoặc gia hạn các khoản tín dụng mới mà không có bất kỳ đánh giá nghiêm túc nào về khả năng trả nợ.

Ở Síp, tham nhũng trong lĩnh vực bất động sản cũng đã dẫn đến việc phân bổ nguồn lực kém hiệu quả, với những hậu quả ngày càng rõ rệt.

Theo ông Manison, thay vì sử dụng nguồn lực để xây dựng quá mức các căn hộ cao cấp và văn phòng thương mại, thì việc xây dựng nhà ở để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người có thu nhập thấp và sinh viên sẽ tốt hơn cho xã hội. Và chắc chắn rằng, cần phải dành nhiều nguồn lực hơn cho việc xây dựng, trang bị, bảo trì và bố trí nhân sự cho các cơ sở hạ tầng như bệnh viện, trường học và nhà trẻ.

Hơn nữa, nạn tham nhũng và sự thất bại của hệ thống tư pháp trong việc trừng phạt tham nhũng đã làm hoen ố danh tiếng của Síp, khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi, liệu Síp có còn là một điểm đến đáng giá cho các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài hay không?

Nhiều khoản đầu tư có hiệu quả tiềm năng đứng trước nguy cơ bị hoãn lại hoặc thậm chí bị hủy bỏ bởi Cơ quan Đánh giá Đấu thầu hoạt động kém hiệu quả và tham nhũng trong việc cấp giấy phép.

Tham nhũng thúc đẩy sự bất bình đẳng

Một thực tế là, các chính trị gia và công ty quyền lực, giàu có có thể lạm dụng môi trường pháp lý ở Síp để thực hiện các hành vi tham nhũng và không bị trừng phạt.

Sự đối xử thiên vị này cho phép những người giàu và nắm quyền lực tiếp tục kiếm được thu nhập và gia tăng sự giàu có từ tham nhũng, do đó làm gia tăng bất bình đẳng.

Ví dụ, trong khi những người giàu có và quyền lực có quan hệ chính trị được các ngân hàng đối xử hào phóng đối với các nghĩa vụ trả nợ khổng lồ, thì nhiều công dân bình thường và doanh nghiệp nhỏ trì hoãn việc trả nợ đã bị ngân hàng thu hồi nhà, tài sản và bán cho các bên thứ ba với giá thấp. Điều này dẫn đến việc chuyển của cải từ những người nghèo hơn sang những người giàu hơn.

Các chính sách thuế cùng việc duy trì sự thiếu hiệu quả trong quản lý thuế đã tạo điều kiện cho các hành vi trốn thuế gia tăng song hành với sự bất bình đẳng.

Khoảng thời gian trễ rất lớn giữa việc nộp tờ khai thuế thu nhập và việc xử lý của cơ quan thuế, hiện nay là khoảng 5 năm rưỡi, khuyến khích hành vi trốn thuế, đặc biệt là đối với những người không thuộc đối tượng khấu trừ thuế tự động.

Những gì có thể được thực hiện?

Để dập tắt tham nhũng, việc thực thi nghiêm luật pháp và các quy định là điều quan trọng. Theo ông Manison, cho đến khi Cơ quan chống tham nhũng mới đi vào hoạt động, cơ quan chính điều tra các cáo buộc và khiếu nại về hối lộ, tham nhũng là cảnh sát, trong sự hợp tác với các đơn vị tình báo tài chính chuyên nghiệp như Đơn vị Chống rửa tiền (MOKAS).

Văn phòng Tổng Chưởng lý xem xét các phát hiện của cảnh sát và quyết định liệu một vụ việc có nên được đưa ra tòa án xét xử hay không. Tổng Thanh tra cũng có thể chuyển các vụ việc hối lộ, tham nhũng cho Tổng Chưởng lý để điều tra.

Tăng cường giám sát các hoạt động đáng ngờ của ngân hàng Síp để ngăn chặn sự tham gia trực tiếp cũng như gián tiếp của các ngân hàng vào tham nhũng.

Ngoài ra, đối với các vị trí việc làm trong khu vực công của Síp, cần phải thu hút những công chức có đạo đức, năng lực hơn là những người thiếu kỹ năng, mạnh về quan hệ chính trị.

Thêm vào đó, chiến dịch chống tham nhũng ở Síp sẽ khó có thể thành công nếu không cải cách các thể chế trong nước. Đáng chú ý nhất là hệ thống tư pháp, quản lý thuế và Cơ quan Đánh giá Đấu thầu.
Hoài Phương