Một nguồn tin của Bộ Nội vụ Iraq nói với báo chí rằng, có khoảng 4.000 - 5.000 người biểu tình đã tập trung Quảng trường Tahrir ở trung tâm Baghdad và hô vang các khẩu hiệu yêu cầu cải cách toàn diện, ngăn chặn tham nhũng.

Những người biểu tình cũng yêu cầu các quan chức tham nhũng phải chịu trách nhiệm và truy tố những kẻ có hành vi sai trái gây nên cái chết của những người biểu tình trong tình trạng bất ổn kéo dài nhiều tháng ở Iraq hồi năm 2019.

Nhiều người biểu tình cố gắng dỡ bỏ các khối bê tông được lực lượng an ninh dựng lên trước đó để băng qua cầu al-Jumhouriyah vào Vùng Xanh ở trung tâm Thủ đô, nơi có tòa nhà Quốc hội Iraq, các trụ sở chính khác của Chính phủ, nơi ở của một số nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu và một số đại sứ quán nước ngoài.

Một số người biểu tình đã kích động ném đá vào lực lượng an ninh, khiến cảnh sát chống bạo động phải bắn hơi cay và bom âm thanh để giải tán người biểu tình và ngăn cản họ đi qua cầu.

Một tuyên bố từ Văn phòng Truyền thông của Bộ Chỉ huy các chiến dịch chung Iraq (JOC) cho biết, 19 nhân viên an ninh và 9 người biểu tình đã bị thương trong các cuộc đụng độ.

Theo JOC, một số người biểu tình đã tấn công lực lượng an ninh bằng đá và súng săn. Ở những nơi khác của Baghdad, hơn 2.000 người biểu tình đã tập trung tại Quảng trường al-Nisour (phía Tây Thủ đô), giương cao cờ Iraq và hô vang các khẩu hiệu yêu cầu cải cách chính trị và truy tố những kẻ sai phạm.

Cùng ngày, hàng nghìn người biểu tình đã tập hợp tại các tỉnh Dhi Qar, Maysan, Najaf và Babil ở phía Nam Baghdad để kỷ niệm sự kiện năm 2019. Bên cạnh yêu cầu cải cách toàn diện, chống tham nhũng, người biểu tình mong muốn dịch vụ công tốt hơn và nhiều cơ hội việc làm hơn.

Cách đây tròn 3 năm, vào đầu tháng 10/2019, hàng loạt cuộc biểu tình chống Chính phủ đã nổ ra, kéo dài trong nhiều tháng và dẫn đến kết quả, Thủ tướng khi đó là Adel Abdul Mahdi phải từ chức.

Nguyên nhân chính của phong trào biểu tình ở Iraq là sự bất mãn đã lên đến tột độ của quần chúng nhân dân đối với sự điều hành yếu kém của Chính phủ.

Iraq là một trong những quốc gia giàu dầu mỏ (trữ lượng đứng thứ 5 thế giới), có nhiều tài nguyên thiên nhiên khác như khí đốt, phốt phát, lưu huỳnh, chà là... nhưng tình hình kinh tế - xã hội luôn luôn ở trong tình trạng khủng hoảng, cuộc sống của người dân hết sức khó khăn.

Nạn tham nhũng tràn lan ở Iraq trong suốt nhiều năm, đã cướp đi một phần đáng kể của ngân sách nhà nước. Và hiện, đây vẫn là một vấn nạn lớn của đất nước.

Iraq đứng thứ 157 trong tổng số 180 quốc gia theo đánh giá chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch quốc tế năm 2021.

Những con số chính thức được công bố hồi năm ngoái ước tính trên 400 tỉ USD đã biến mất khỏi các kho bạc nhà nước ở Iraq kể từ khi ông Saddam Hussein bị lật đổ vào năm 2003.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội được tổ chức cách đây 1 năm (tháng 10/2021), đảng của ông Moqtada al-Sadr (giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite quyền lực trong nước) giành được nhiều ghế nhất với 73/329 ghế tại Quốc hội. Tuy nhiên, chính khách này đã rút tất cả nghị sĩ của mình khỏi Quốc hội hồi tháng 6 vừa qua, sau khi thất bại trong việc thành lập một chính phủ không có đối thủ của mình, chủ yếu là các đảng dòng Shiite mà Tehran hậu thuẫn.

Căng thẳng tiếp diễn giữa các chính đảng Shiite trong thời gian qua đã khiến Iraq không thành lập được chính phủ mới, do không hội đủ 2/3 số phiếu cần thiết tại Quốc hội để bầu tổng thống mới theo quy định trong Hiến pháp.

Bế tắc chính trị hiện nay đã đẩy Iraq vào những vòng xoáy bạo lực khi nước này phải chật vật tái thiết sau nhiều thập kỷ bị tàn phá bởi chiến tranh, các lệnh trừng phạt, xung đột dân sự và nạn tham nhũng.

Hoài Phương