Theo báo cáo của Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí gửi Quốc hội, trong số vụ án khởi tố mới trong năm 2022, tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất với 501 vụ (37,6%). 

Tội phạm này chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, đầu tư các dự án; nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ xảy ra trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngoại giao.

“Đáng chú ý, một số đối tượng có chức vụ thuộc cơ quan Nhà nước đã cấu kết với một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt lớn và gây bất bình trong dư luận xã hội”, Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho hay.

Phối hợp áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi tài sản tham nhũng

Nêu rõ hơn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét cử các vụ án hình sự, tham nhũng, kinh tế, ông Lê Minh Trí khẳng định, đã phối hợp đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về tham nhũng, kinh tế, những vụ án dư luận, xã hội quan tâm, nhiều bị cáo nguyên là cán bộ giữ chức vụ cao trong bộ máy Nhà nước.

Đồng thời, đã đề ra nhiều biện pháp nâng cao chất lượng trong công tác đấu tranh, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Theo báo cáo, năm 2022, ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 823 nguồn tin tội phạm về tham nhũng, kinh tế. Thông qua giải quyết, cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố 431 vụ án. Cạnh đó, đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 904 vụ/2.048 bị can…

Cơ quan kiểm sát cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế...

Báo cáo nêu cụ thể, đã thu hồi hơn 9.533 tỷ đồng; thu 50.000 USD; phong tỏa 32.110.71 USD; kê biên 116 bất động sản và 159,565 cổ phần, cổ phiếu; 175 lượng vàng SJC; thu hồi hơn 393.115 m2 đất… 

Một số vụ án thu hồi tài sản cao, như: Vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á, các bị can nhận hối lộ đã tự nguyện nộp số tiền hưởng lợi bất chính; cơ quan điều tra đã kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tổng tài sản thu hồi trị giá 1.400 tỷ đồng.

Vụ án Nguyễn Văn Minh và đồng phạm phạm tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương, Tổng Công ty đã nộp 452 tỷ đồng khắc phục hậu quả, ngoài ra cơ quan điều tra còn thu giữ 5.000 USD; 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Kiến nghị xây dựng Luật Đạo đức để giáo dục về danh dự

Bên cạnh báo cáo về tình hình tội phạm, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cũng kiến nghị Quốc hội nhiều nội dung rất đáng chú ý. 

Trong đó, ông Lê Minh Trí đề nghị Quốc hội xem xét chỉ đạo rà soát và kịp thời ban hành, bổ sung điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng các yêu cầu, cụ thể, kỷ cương, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, đầy đủ và có hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro cho người thực hiện để đảm bảo năng động, sáng tạo nhằm tạo động lực phát triển đất nước.

Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý hình sự theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung.

Đồng thời, phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi. Theo ông Lê Minh Trí, việc này nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.

Mặt khác, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí kiến nghị, “xem xét nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức để giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người để nhằm góp phần tốt hơn trong phòng ngừa vi phạm, tội phạm”.

Hương Giang