Chiều ngày 20/1, Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp báo thông báo kết quả Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. 

Kiên trì làm rõ bản chất tham nhũng, tiêu cực trong nhiều vụ án

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo đánh giá, chúng ta đã từng bước ngăn chặn và đẩy lùi được tham nhũng, tiêu cực với nhiều kết quả rõ nét, có mặt cao hơn năm trước. 

Một trong những điểm nổi bật là đã khởi tố mới nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp; tiếp tục mở rộng điều tra, kiên quyết, kiên trì đi sâu làm rõ bản chất tham nhũng, tiêu cực trong nhiều vụ án.

“Tổng Bí thư nói, có những vụ án tưởng chừng dừng lại, không thể đi đến toàn cục, thế nhưng với quyết tâm, kiên trì, bền bỉ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nên chúng ta đã đi được đến cùng”, ông Học cho hay.

Dẫn chứng được Phó Trưởng ban Nội chính đưa ra là vụ án đưa, nhận hối lộ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ bởi để truy tố, xét xử được đúng tội không đơn giản chút nào. 

Theo ông Học, ban đầu không ai nhận tội, song nhờ sự đấu tranh kiên trì, sự chỉ đạo rất quyết liệt của Thường trực Ban Chỉ đạo và Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo đã làm rõ bản chất vụ án. Vì vậy, khi ra tòa, các bị can đã nhận tội, “tâm phục, khẩu phục”.

Ông Học cho hay, Tổng Bí thư thường đặt vấn đề “ai đã bao che, tiếp tay cho những người vi phạm pháp luật trốn ra nước ngoài” và qua vụ án như thế đã có câu trả lời. 

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng nêu, có người nói, trong điều kiện dịch bệnh COVID -19 thì thôi không phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Theo ông Học, tham nhũng, tiêu cực không dừng lại trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào. 

“Nếu đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực mà dừng, nghỉ thì chính hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ “quật” lại lực lượng đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”, ông Học thẳng thắn nói.

Có sự cấu kết chặt chẽ giữa các nhóm lợi ích, thủ đoạn che đậy tinh vi 

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo cũng nhìn nhận công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực còn tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức rất lớn.

“Vì sao chúng ta chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt như thế nhưng những người thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực không thấy xấu hổ mà vẫn trơ ra đó?”, ông Học cho biết đây là ý kiến của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo. 

Hay có ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo đặt vấn đề, lò đầu tranh chống tham nhũng, tiêu cực "phừng phừng" như thế, nhưng hành vi tham nhũng, tiêu cực vẫn ngang nhiên, trắng trợn, quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng, có tổ chức thì có ai chống lưng, có ai là chỗ dựa không?

Theo ông Nguyễn Thái Học, Ban Chỉ đạo nhìn nhận tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tinh vi, phức tạp, nhưng công tác đấu tranh có mặt chưa theo kịp; sự phối hợp trong một số vụ án, vụ việc cũng chưa đồng bộ; việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong chính cơ quan ch năng vẫn là khâu yếu.

“Nói tham nhũng vẫn nghiêm trọng vì qua những vụ án, vụ việc thấy tài sản thất thoát rất lớn, thiệt hại rất lớn. Nếu như trước đây, vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Mobifone gây thất thoát 7-8 nghìn tỷ là rất lớn rồi thì các vụ án gần đây, số tiền thất thoát, thiệt hại còn lớn hơn nhiều lần”, ông Học cho hay.

Thêm vào đó, trong nhiều vụ án, có nhiều cán bộ, đảng viên đóng vai trò “tiếp tay, bảo kê, giúp sức, thậm chí đồng phạm”, cho thấy trong đội ngũ cán bộ có nhiều người suy thoái, biến chất. 

"Nói tinh vi bởi có sự cấu kết chặt chẽ giữa các nhóm lợi ích, giữa các lực lượng. Có vụ việc, vụ án, doanh nghiệp, những người làm công tác khoa học, những người làm công tác quản lý liên kết với nhau để trục lợi nên thủ đoạn che đậy, tạo vỏ bọc để ngụy trang đối phó với các cơ quan chức năng càng ngày càng tinh vi hơn”, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương giải thích thêm.

Xử lý nghiêm minh, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào

Vì thế, tại phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu không say sưa với chiến thắng, không chủ quan thỏa mãn với kết quả đạt được. Các cơ quan chức năng phải xác định đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là công việc lâu dài, phức tạp, đòi hỏi không dừng, không nghỉ. 

“Tổng Bí thư yêu cầu cần phải có quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, bài bản hơn, hiệu quả hơn, năm mới phải quyết tâm mới, khí thế mới trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, ông Học thông tin.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là tiếp tục hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực; tổ chức thi hành pháp luật phải nghiêm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát;  hoạt động điều tra, truy tố, xét xử phải tiếp tục phát huy những thành quả đạt  được, giải quyết dứt điểm những vụ án còn tồn đọng; tăng cường giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, nhất là giáo dục liêm chính…

Trả lời báo chí về việc qua một số vụ trọng án như vụ Việt Á thì có hay không tham nhũng đang “nhờn thuốc", ông Nguyễn Thái Học cho rằng, cán bộ, đảng viên "nhờn thuốc", vi phạm, tham nhũng, tiêu cực là do nhận thức, hành vi của người đó. Còn quy định của Đảng và pháp luật là rất nghiêm khắc và nhất quán: Xử lý nghiêm minh, khách quan, công bằng, không bao che, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần yêu cầu các cơ quan phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải điều tra, xử lý nghiêm, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.

Hương Giang