Từ phiên họp đặc biệt đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc về chống tham nhũng

Vào tháng 6/2021, đại diện các quốc gia thành viên, các tổ chức kinh tế khu vực, tổ chức xã hội và các quan sát viên trên toàn thế giới đã cùng nhau tham dự Phiên họp đặc biệt đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNGASS), thông qua Tuyên bố Chính trị mạnh mẽ nhằm đẩy mạnh hành động chống tham nhũng và đẩy nhanh việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC).

Tuyên bố Chính trị của các lãnh đạo cấp cao và đại diện của các quốc gia thành viên UNCAC với chủ đề: “Cam kết chung của chúng tôi nhằm xử lý những thách thức, thực thi các biện pháp phòng, chống tham nhũng và thúc đẩy hợp tác quốc tế một cách hiệu quả” đã kêu gọi hành động toàn cầu một cách mạnh mẽ, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, đồng thời công nhận UNCAC là một công cụ pháp lý chung để chống tham nhũng một cách hiệu quả.

Dịp này, các quốc gia thành viên một lần nữa khẳng định quyết tâm chống tham nhũng hiệu quả hơn và xử lý các dòng tài chính bất hợp pháp thông qua một loạt cam kết toàn diện về phòng ngừa, hình sự hóa, hợp tác quốc tế, thu hồi tài sản và hỗ trợ kỹ thuật.

Các cam kết cũng đề cập đến những chủ đề xuyên suốt đang nổi lên hiện nay như: Mối liên hệ giữa tham nhũng và yếu tố giới, tham nhũng và tội phạm có tổ chức, tham nhũng trong thể thao, cũng như nhu cầu về giáo dục, nâng cao nhận thức, nghiên cứu và đo lường tốt hơn về tham nhũng và tác động của tham nhũng.

leftcenterrightdel
Ảnh: UNODC

Trong khuôn khổ phiên họp cũng diễn ra rất nhiều sự kiện đặc biệt và cuộc họp bên lề trực tuyến khác, tập trung vào các chủ đề liên quan tới tham nhũng, bao gồm cả việc bảo vệ an toàn cho người tố cáo; an toàn cho các nhà báo và thúc đẩy quyền cơ bản trong tiếp cận thông tin; thanh niên trong phòng, chống tham nhũng…

… Đến mạng lưới hoạt động toàn cầu của các cơ quan thực thi pháp luật chống tham nhũng

Bên cạnh việc thông qua Tuyên bố Chính trị, một trong những nội dung quan trọng của phiên họp đặc biệt nêu trên chính là sự ra mắt của của Mạng lưới Hoạt động toàn cầu của các cơ quan thực thi pháp luật chống tham nhũng (GlobE Network), trong đó Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) đóng vai trò là Ban Thư ký.

GlobE Network cung cấp một công cụ thực tiễn mới cho các cơ quan thực thi pháp luật chống tham nhũng nhằm thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới nhanh hơn, hiệu quả hơn và chủ động chia sẻ thông tin để theo dõi và truy tố tội phạm tham nhũng xuyên biên giới và thu hồi tài sản.

leftcenterrightdel
Nguồn: UNODC

Theo bà Ghada Waly - Giám đốc Điều hành UNODC, cho đến nay, 80 cơ quan thực thi pháp luật chống tham nhũng từ 48 quốc gia đã tham gia Mạng lưới. Mục tiêu dài hạn là tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đều trở thành thành viên của GlobE Network.

UNODC là cơ quan cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo để trợ giúp các quốc gia thực hiện UNCAC. Thông qua Chương trình Toàn cầu chống tham nhũng và sự hiện diện rộng rãi trên lĩnh vực, UNODC đang hỗ trợ 116 quốc gia.

Bên cạnh đó, cùng với Ngân hàng Thế giới (WB), UNODC đã cho ra mắt Sáng kiến Thu hồi tài sản bị đánh cắp (StAR) nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển thu hồi những tài sản bị các nhà lãnh đạo và quan chức tham nhũng đánh cắp. Tính từ đầu năm đến tháng 9/2021, 17 quốc gia đã nhận được hỗ trợ và hơn 900 người đã được đào tạo bởi Sáng kiến StAR.

CoSP 9 - cột mốc quan trọng trong hợp tác quốc tế chống tham nhũng

Tiếp đó, tháng 12/2021 đã diễn ra Hội nghị Các quốc gia thành viên UNCAC lần thứ 9 (CoSP 9) với khoảng 2.700 người tham gia từ các chính phủ, tổ chức khu vực và liên chính phủ, xã hội dân sự, học viện và khu vực tư nhân. Đây được đánh giá là một cột mốc quan trọng của toàn cầu nhằm cải thiện hợp tác quốc tế chống tham nhũng và giúp thế giới phục hồi toàn vẹn sau đại dịch.

Hội nghị các quốc gia thành viên UNCAC là thiết chế cao nhất trong việc thực thi Công ước được tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Các nghị quyết do CoSP thông qua có hiệu lực thực thi như các quy định của Công ước.

leftcenterrightdel
 CoSP 9 được đánh giá là cột mốc quan trọng trong hợp tác quốc tế chống tham nhũng. Ảnh: Ahramonline

CoSP 9 thảo luận các vấn đề chính liên quan tới thực hiện UNCAC, gồm: Đánh giá việc thực hiện UNCAC; việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; thu hồi tài sản tham nhũng; hợp tác quốc tế; hỗ trợ kỹ thuật và vấn đề hợp tác với các cơ chế, tổ chức quốc tế, khu vực và các tổ chức phi chính phủ về các vấn đề liên quan trong khuôn khổ UNCAC.

Bên cạnh đó, các vấn đề mang tính thời sự và cách thực hiện các cam kết trong Tuyên bố Chính trị của UNGASS 2021 cũng được đưa ra bàn thảo.

Hội nghị đã nhất trí về 8 nghị quyết đề cập đến các chủ đề chính trong cuộc chiến chống tham nhũng, bao gồm quyền sở hữu có lợi trong việc thu hồi tài sản. Các vấn đề chính được đề cập trong các nghị quyết cũng bao gồm tăng cường hợp tác quốc tế, giáo dục và trao quyền cho thanh niên.

Giải quyết tham nhũng, bước quan trọng để "phát triển bền vững, toàn diện"

Trong một thông điệp gửi tới CoSP 9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết, tham nhũng tràn lan trong các xã hội, làm xói mòn lòng tin của mọi người đối với giới lãnh đạo và các tổ chức. Ông nhấn mạnh, "lòng tham quá mức gây hại cho tất cả chúng ta"; đồng thời cảnh báo rằng, các quốc gia đang nỗ lực đầu tư vào khôi phục hậu COVID-19 “phải đề phòng việc làm chệch hướng các nguồn lực quan trọng của những kẻ cơ hội”.

Tham nhũng làm sâu sắc thêm bất bình đẳng, nuôi dưỡng chủ nghĩa hoài nghi và củng cố những trở ngại mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt. Người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng, giải quyết vấn đề này là “một bước quan trọng để hướng tới phát triển bền vững, toàn diện”.

“Hãy để chúng ta hồi sinh hy vọng và khôi phục niềm tin vào các thể chế… Bây giờ là lúc hành động vì một tương lai an toàn hơn, thịnh vượng hơn và công bằng hơn”, Tổng Thư ký António Guterres nhấn mạnh.

Giám đốc Điều hành UNODC Ghada Waly cho biết, “chúng ta ở đây, vào thời điểm quan trọng này, để cùng lên tiếng xóa bỏ tham nhũng... Tham nhũng làm suy yếu sự phát triển, an ninh và quyền của mọi người. Nó làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với các hệ thống và thể chế”.

Cũng theo bà Ghada Waly, thế giới mất hàng nghìn tỷ USD mỗi năm vì tham nhũng, "vào thời điểm mà mỗi đô la đều rất cần thiết để tăng đầu tư công".

Và, riêng châu Phi mất hơn 88 tỷ đô la mỗi năm.

leftcenterrightdel

Một phụ nữ bán hoa qulên tiếng phn đi tham nhũng ở Ghana. Ảnh: Unsplash/Nathaniel Tetteh

“Sự thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm giải trình trong các thể chế khiến mọi người không được tiếp cận bình đẳng với công lý cũng như sức khỏe, sự bảo vệ và các dịch vụ khác”, bà Waly nói.

Hơn nữa, tham nhũng tạo điều kiện cho tội phạm, buôn người và khủng bố bằng cách cho phép “tiền bẩn” có được nơi trú ẩn an toàn, chuyển tiền cho những kẻ khủng bố và cung cấp các cửa ngõ cho hoạt động buôn người.

Theo người đứng đầu UNODC, đại dịch COVID-19 đã nhấn mạnh thêm tác động của tham nhũng đối với xã hội - làm trầm trọng hơn tình trạng dễ bị tổn thương và các phản ứng bị đe dọa.

Điều này đã làm tăng tầm quan trọng của việc lồng ghép chống tham nhũng vào các phản ứng và “nên hành động như một lời cảnh tỉnh toàn cầu… giữ vững lập trường cho sự liêm chính”.

Việc chống tham nhũng cần bắt đầu từ các cấp lãnh đạo cao nhất rồi lan xuống các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân. “Mỗi người trong chúng ta đều có vai trò của mình”, bà Waly nhấn mạnh.

Trên hết, cần có “ý chí chính trị kiên quyết” từ các cấp lãnh đạo và các thành viên chính phủ, để huy động các nguồn lực cần thiết.

Tuy nhiên, từ cơ quan thực thi pháp luật đến các đơn vị điều tra tài chính và tư pháp, các thể chế đi đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng phải được trao quyền, duy trì tính độc lập và được cung cấp các nguồn lực cần thiết.

Trao quyền cho gii trẻ

Mặc dù 1,8 tỷ người trẻ tuổi trên thế giới là những người có nghị lực và niềm tin để thúc đẩy sự thay đổi, nhưng nếu thiếu sự liêm chính, họ sẽ bị tước mất cơ hội và hy vọng.

Theo lãnh đạo UNODC, “bằng cách giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên về tính liêm chính và đạo đức, chúng ta có thể xây dựng lòng tin của công chúng và nhà nước pháp quyền, giúp đảm bảo tính bền vững của các nỗ lực chống tham nhũng và tạo ra những ý tưởng mới về cách chúng ta có thể chống tham nhũng”.

Trong bối cảnh đó, UNODC đang khởi động sáng kiến Nguồn lực toàn cầu về giáo dục chống tham nhũng và trao quyền cho thanh niên (GRACE) để khai phá tiềm năng của những người trẻ tuổi.

“Để thực sự khắc phục tình trạng tham nhũng phổ biến, chúng ta cần hướng tới một sự thay đổi cơ bản trong tư duy, từ chối tham nhũng ở mọi cấp độ... Mọi người phải tin rằng, mọi hành động tham nhũng vặt, mọi hối lộ nhỏ, đều làm suy yếu pháp quyền và phá hoại tương lai của chính họ”, bà Waly nói.
Hoài Phương