Theo dõi Báo Thanh tra trên
Giang Sơn
Thứ sáu, 04/04/2025 - 08:01
(Thanh tra) - Theo các chuyên gia, trước thủ đoạn tinh vi của các đối tượng buôn lậu thuốc lá, lực lượng chức năng cần chủ động ứng dụng công nghệ để siết chặt kiểm soát, nhất là trên không gian mạng.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống buôn lậu thuốc lá sẽ ngày càng khó khăn nếu không có sự chung tay của cả xã hội. Đặc biệt, cần tăng cường công tác phối hợp chống buôn lậu với các nước láng giềng, kiểm soát chặt từ biên giới.
Tại Tọa đàm "Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra" vừa diễn ra, các đại diện bộ ngành, cơ quan quản lý cùng các tổ chức liên quan đã nhìn nhận thực trạng buôn lậu thuốc lá nói chung và thuốc lá mới nói riêng vẫn không ngừng gia tăng, dù đã có lệnh cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ Nghị quyết 173/2024/QH15.
Từ năm 2024 đến nay, với thuốc lá điếu truyền thống nhập lậu, lực lượng đã thu giữ, xử lý trên 190.000 bao (Ảnh minh họa)
Phần lớn các giao dịch diễn ra trên nền tảng trực tuyến
Trung tá Nguyễn Minh Tiến, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hà Nội cho hay, tội phạm buôn lậu thuốc lá mới thông qua đường biên giới trên biển và đường bộ ngày càng tinh vi, bất chấp lệnh cấm, do lợi nhuận từ hoạt động này cao gấp nhiều lần so với nhập khẩu và kinh doanh truyền thống. Theo ghi nhận, phần lớn các giao dịch diễn ra trên nền tảng trực tuyến, đặc biệt là trong các hội nhóm kín, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác phát hiện và xử lý.
Đồng thời, các phương thức vận chuyển cũng trở nên tinh vi, lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh trên toàn quốc để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và khó kiểm soát hơn.
Góp ý kiến về về những thách thức gặp phải khi áp dụng Nghị quyết 173, ông Phùng Danh Tuyến, Phó trưởng Phòng Tổng hợp nghiệp vụ, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Thứ nhất, việc chưa hoàn thiện hành lang pháp lý và ban hành văn bản hướng dẫn về các sản phẩm thuốc lá khiến các cơ quan thực thi thiếu sự thống nhất trong xử lý vi phạm.
Thứ hai, việc kiểm soát hành vi sử dụng và xử lý vi phạm đối với các đối tượng đặc biệt, chẳng hạn như khách du lịch nước ngoài, vẫn chưa có quy định rõ ràng. Đồng thời, tình trạng buôn bán thuốc lá lậu ngày càng tinh vi với các hình thức như giao dịch trong các hội nhóm kín, giao hàng trực tiếp, sử dụng từ lóng để quảng cáo... khiến công tác quản lý trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử trở nên phức tạp.
Thứ ba, việc triển khai quản lý toàn diện đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều cơ quan trong công tác thu giữ và tiêu hủy sản phẩm nhập lậu, đặt ra bài toán về phân bổ nguồn lực và ngân sách Nhà nước.
Tội phạm buôn lậu thuốc lá mới thông qua đường biên giới trên biển và đường bộ ngày càng tinh vi (Ảnh minh họa).
Cần có lộ trình, đồng bộ hóa các cơ chế chính sách
Phân tích về việc gia tăng buôn lậu thuốc lá mới, ông Nguyễn Chí Nhân, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) cho biết, thuốc lá mới được nhiều quốc gia phát triển cho phép sử dụng và đang là một xu thế nên việc phòng chống buôn lậu gặp nhiều khó khăn.
Đồng quan điểm, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh: “Đây là những vấn đề đáng lo ngại, nếu không được giải quyết rốt ráo thì có khả năng bị các nhà đầu tư nước ngoài kiện”. Bởi trước thời điểm có Nghị quyết 173 thì việc kinh doanh của các doanh nghiệp là hợp pháp.
Với những cam kết về thương mại với đối tác nước ngoài, trong trường hợp pháp luật Việt Nam thay đổi, nếu gây bất lợi với nhà đầu tư thì cần phải có giải pháp, trước hết là đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư bằng các hình thức khác nhau.
Mặt khác, thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư. Hiện đã có khoảng 8 doanh nghiệp FDI đang đầu tư sản xuất, xuất khẩu trong lĩnh vực này, trong đó tập đoàn Hàn Quốc KT&G đã đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc. “Như vậy, quy định cấm xuất khẩu tác động rất lớn đến nhóm doanh nghiệp này”, ông Hải nhấn mạnh.
Phân tích sâu hơn về góc độ kinh tế, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhận định: “Cần phải có một lộ trình, đồng bộ hóa các cơ chế chính sách và đánh giá tác động toàn diện với các chủ thể liên quan trước khi ban hành chính sách”. Các nhà đầu tư nước ngoài thường quan ngại về rào cản thuế quan, rào cản thương mại khi tham gia vào thị trường sản xuất. Song hiện vấn đề quan ngại nhất là rủi ro trong quá trình đầu tư, cụ thể là những thay đổi đột ngột của chính sách.
“Nếu chúng ta không tính trước các rủi ro này cho các nhà đầu tư thì ảnh hưởng rất lớn, khiến cho các nhà đầu tư lưỡng lự, thậm chí mất đi nguồn vốn tín dụng, cần phải bảo bộ các nhà đầu tư và có giải pháp cho vấn đề này”, ông Việt nói.
Ông Lê Đại Hải cũng đặt vấn về tính phù hợp của việc đưa định nghĩa, khái niệm về các sản phẩm thuốc lá mới vào một nghị định xử phạt hành vi như đề xuất của Bộ Y tế. Theo đó, Bộ Tư pháp đã thẩm định và cho rằng cần phải sửa đổi các khái niệm này từ các văn bản quy phạm pháp luật gốc (luật và các văn bản dưới luật) để bao quát hết các đối tượng.
Các đại biểu đồng thuận còn nhiều điểm nghẽn trong việc thực thi Nghị quyết 173 về cấm thuốc lá mới, trong đó bao gồm cả vấn đề khó khăn khi nhận diện sản phẩm trong công tác phòng chống buôn lậu và xử lý hành vi vi phạm. Do vậy cần thận trọng cân nhắc khi ban hành các quy định, hướng dẫn trên cơ sở đánh giá toàn diện tác động của tất cả các chủ thể liên quan để nhằm triển khai hợp lý, hoàn chỉnh, hiệu quả trong thực tiễn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp FDI đang chịu tác động trực tiếp hiện nay.
Được biết Việt Nam là quốc gia thứ 6 trong khu vực ASEAN cấm thuốc lá mới, do vậy sẽ có nhiều lợi thế vì có thể tham khảo kinh nghiệm các nước để tránh những hệ lụy mà các quốc gia này đã gặp phải. Trong đó, nổi bật nhất vẫn là thách thức trong việc phòng chống buôn lậu - vấn đề xảy ra ở tất cả các nước cấm, kể cả các nước có hệ thống quy định nghiêm ngặt và giám sát chặt chẽ như Úc, Singapore, Thái Lan.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, từ năm 2024 đến nay, với thuốc lá điếu truyền thống nhập lậu, lực lượng đã thu giữ, xử lý trên 190.000 bao; trong khi đó, số lượng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thu giữ trên 240.000 sản phẩm các loại, cùng với khoảng gần 10 tấn phụ kiện, số tiền vi phạm hành chính hơn 6,6 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 29 tỷ đồng.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Công an xã Phú Sơn, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa vừa phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh và Ban Quản lý dự án cao tốc Bắc – Nam điều tra, làm rõ vụ hủy hoại tài sản trên đường cao tốc Bắc – Nam đoạn đoạn đi qua xã Phú Sơn, thị xã Nghi Sơn.
Văn Thanh
(Thanh tra) - Ngày 8/4, UBND huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã ký quyết định thi hành kỷ luật đối với hai lãnh đạo UBND xã Hải Trường.
Minh Tân
Hương Trà
Văn Thanh
Văn Thanh
Minh Nghĩa
Thu Huyền
Trọng Tài
Đông Hà
Văn Thanh
Minh Nghĩa
Trần Kiên
Minh Tân
Trần Kiên
PV
Văn Thanh
Kim Thành