Theo dõi Báo Thanh tra trên
Văn Thanh
Thứ sáu, 04/04/2025 - 08:00
(Thanh tra) - Tại Thanh Hóa, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản phản ánh đang cung cấp tài liệu cho đoàn kiểm tra chưa xong thì nhận được quyết định thanh tra. Đáng nói, nội dung thanh tra có dấu hiệu trùng lặp với nội dung kiểm tra đang thực hiện, khiến các doanh nghiệp “lúng túng” không biết xử lý thế nào.
Thanh Hóa mở cuộc kiểm tra hơn 300 mỏ khoáng sản trên địa bàn. Ảnh: P.V
Dấu hiệu chồng chéo giữa kiểm tra và thanh tra
Theo phản ánh của các doanh nghiệp ở các huyện miền núi Cẩm Thủy và Ngọc Lặc, từ tháng 2/2025 đến nay, các đơn vị đang cung cấp tài liệu cho đoàn “kiểm tra” theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa và quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, thì bất ngờ lại nhận được quyết định thanh tra của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, thành phần tham gia thanh tra, nội dung cung cấp tài liệu cho thanh tra có dấu hiệu “trùng lặp”, kể cả về thời gian và nội dung thanh tra.
Cụ thể, ngày 19/2/2025, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 439/QĐ-UBND về việc thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa.
Các mỏ khoáng sản ở Thanh Hóa bị kiểm tra theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy. Ảnh: P.V
Thành viên đoàn kiểm tra gồm Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì cùng đại diện các Sở Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông vận tải, Chỉ huy Quân sự tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Thanh tra tỉnh.
Đối tượng được kiểm tra là các doanh nghiệp được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn các huyện: Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa.
Nội dung kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản đối với các doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Thời gian kiểm tra hoàn thành trước ngày 1/4/2025.
Đoàn kiểm tra chủ động lập danh sách các mỏ được kiểm tra, gửi đề cương, lịch kiểm tra để các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và các nội dung có liên quan đến hoạt động kiểm tra theo quy định.
Trong khi đang thực hiện kiểm tra thì lại nhận được quyết định thanh tra, có dấu hiệu chồng chéo nên nhiều doanh nghiệp phản ánh. Ảnh: P.V
Trong khi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản ở Thanh Hóa đang thực hiện cung cấp tài liệu cho đoàn kiểm tra, thì “bất ngờ” ngày 28/3/2025, một số doanh nghiệp nằm trong diện đang kiểm tra ở huyện Ngọc Lặc và Cẩm Thủy lại nhận được quyết định của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa thanh tra về công tác quản lý thăm dò, khảo sát, quy hoạch, cấp phép, khai thác, vận chuyển đối với các mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Ngọc Lặc và huyện Cẩm Thuỷ. Thời gian thanh tra trong 25 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Như vậy, cũng trong một thời gian, đoàn kiểm tra đang thực hiện nhiệm vụ chưa xong thì đoàn thanh tra lại vào thanh tra. Việc kiểm tra, thanh tra để phát hiện sai phạm, chỉ ra đúng sai cho doanh nghiệp là cần thiết, tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng thời điểm thì chưa thích hợp. Bởi vì đoàn kiểm tra theo kế hoạch thì ngày 1/4/2025 mới kết thúc, chưa ban hành kết quả kiểm tra. Còn theo lịch thanh tra thì ngày 3/4/2025 công bố quyết định thanh tra đối với một số đơn vị vừa kiểm tra chưa có kết quả, gây tâm lý lúng túng, hoang mang trong cộng đồng doanh nghiệp.
Các mỏ đá đang được các đoàn kiểm tra ở Thanh Hóa. Video: P.V
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh tra được biết, thực hiện ý chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, ngày 19/2/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký 3 Quyết định số 492, 493, 494, thành lập 3 đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đoàn kiểm tra số 1 sẽ kiểm tra các mỏ ở các huyện Nông Cống, Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Triệu Sơn, Quan Sơn, Mường Lát, Nga Sơn, Hậu Lộc và thị xã Nghi Sơn. Đoàn kiểm tra số 2 sẽ kiểm tra các mỏ ở các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa. Đoàn kiểm tra số 3 sẽ kiểm tra các mỏ ở huyện Thạch Thành, Hà Trung, Vĩnh Lộc, thị xã Bỉm Sơn và TP Thanh Hóa.
Cần xử lý đúng quy định để tránh tâm lý trong cộng đồng doanh nghiệp
Cả 3 đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra tổng thể hơn 300 mỏ khoáng sản đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho đi vào hoạt động từ trước đến nay để tổng hợp kết quả kiểm tra báo cáo Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa. Hiện đến ngày 1/4/2025, các đoàn kiểm tra đã kết thúc kiểm tra, nhưng chưa có kết quả kiểm tra.
Đối với Thanh tra tỉnh Thanh Hóa thì hiện đang thực hiện thanh tra công tác quản lý thăm dò, khảo sát, quy hoạch, cấp phép, khai thác, vận chuyển đối với các mỏ vật liệu xây dựng là theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại Văn bản số 1301/UBND-CN ngày 26/1/2025. Do đó, các cuộc thanh tra liên quan đến các doanh nghiệp khai thác khoáng sản là thanh tra chuyên sâu.
Theo ông Trịnh Xuân Thúy, Chánh Thanh tra tỉnh Thanh Hóa, thì các cuộc thanh tra về khoáng sản là thanh tra chuyên sâu, còn việc kiểm tra của các đoàn là theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa. Ảnh: P,V
Ông Trịnh Xuân Thúy, Chánh Thanh tra tỉnh Thanh Hóa cho biết: Các đoàn kiểm tra đang thực hiện là theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, do Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, còn quyết định thanh tra của Thanh tra tỉnh là do Thanh tra tỉnh chủ trì. Đây là các cuộc thanh tra chuyên sâu, chọn hơn 20 đơn vị để thanh tra về công tác quản lý thăm dò, khảo sát, quy hoạch, cấp phép, khai thác, vận chuyển đối với các mỏ vật liệu xây dựng.
Có thể khẳng định, việc ra quyết định kiểm tra và thanh tra là đúng quy định, cần thiết, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tránh chồng chéo, do đó lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần xem xét lại để tạo điều kiện đơn vị khai thác khoáng sản hoạt động và phát triển, tránh tâm lý ức chế, hoang mang trong cộng đồng doanh nghiệp.
Được biết, theo quy định của pháp luật, thanh tra, kiểm tra luôn là khái niệm đi liền nhau, để chỉ một phương thức hay một giai đoạn của quản lý với ý nghĩa quan trọng là nhằm chấn chỉnh hoạt động quản lý, phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm để bảo đảm hiệu quả, hiệu lực của quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực.
Các mỏ khoáng sản ở Thanh Hóa đang trong quá trình kiểm tra thì lại phải thanh tra. Video: P.V
Để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, trong cơ chế hoạt động của mình, các cơ quan Nhà nước phải thường xuyên tự kiểm tra hoạt động, bên cạnh đó còn phải chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan khác trong, ngoài hệ thống và sự giám sát của Nhân dân. Tuy nhiên, thanh tra và kiểm tra là hai hoạt động khác nhau, Luật Thanh tra sửa đổi 2022 (Luật Thanh tra 2022) đã có những thay đổi góp phần phân biệt hai hoạt động này.
Kiểm tra là công việc thường xuyên, không thể thiếu trong một chu trình quản lý, kiểm tra để xem công việc được thực hiện như thế nào, qua đó, đôn đốc, nhắc nhở hoặc hướng dẫn mọi người thực hiện cho đúng, cho tốt. Kiểm tra cũng nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những bất cập để điều chỉnh cho phù hợp, thấy được khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trường hợp có vi phạm rõ ràng thì tiến hành xử lý ngay để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật. Nếu vụ việc phức tạp hoặc vi phạm lớn, người kiểm tra không đủ thẩm quyền hay điều kiện để làm rõ và xử lý thì có thể đề nghị tiến hành thanh tra.
Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Hiện nay, đối với hoạt động thanh tra đã có Luật Thanh tra điều chỉnh, nhưng chưa có luật nào điều chỉnh về hoạt động kiểm tra. Bên cạnh đó, trên cả phương diện lý luận và thực tế, hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra cần có sự phân định để làm rõ nội hàm hai khái niệm này, qua đó xử lý chồng chéo, xác định yêu cầu, mục đích và điều kiện áp dụng.
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk vừa chuyển hồ sơ đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Asia Life với tổng số tiền trên 200 triệu đồng. Đây là động thái quyết liệt nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
(Thanh tra) - Với tinh thần cầu thị, kiên quyết xử lý vi phạm, ngay sau khi Báo Thanh tra có bài phản ánh việc vi phạm quản lý, sử dụng đất và xây dựng trái phép của hộ bà Phạm Thị Lan Anh, UBND huyện Quốc Oai đã có văn bản yêu cầu kiểm tra, xử lý trong tháng 4/2025.
Thành Nam
Hải Hà
Hương Trà
Thái Hải
Bảo Anh
Trung Hà
Hải Hà
Đông Hà
Chính Bình
Trần Quý
Trung Hà
Trần Quý