Bất bình đẳng đã và đang là một trong những vấn đề quan trọng của thời đại chúng ta. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo đã mở rộng ngay cả ở các quốc gia giàu có nhất thế giới, nơi ghi nhận sự phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng 2008 thường không ưu tiên những người cần nhất.

Một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã chỉ ra rằng, đại dịch COVID-19 có nguy cơ khiến khoảng cách càng rộng hơn. Nó cũng cho thấy nhu cầu cấp thiết về hành động toàn cầu để ngăn chặn điều đó xảy ra.

Những tiết lộ gần đây từ Hồ sơ FinCEN (nơi rò rỉ 2.657 tài liệu, với trung tâm là 2.100 báo cáo về hoạt động đáng ngờ - SAR) đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy sự giám sát mờ nhạt của ngành Ngân hàng - vốn được xem là mắt xích yếu trong các nỗ lực toàn cầu chống tham nhũng, trốn thuế và tránh thuế, cũng là yếu tố thúc đẩy sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội.

Ngăn chặn dòng tài chính bất hợp pháp để kiềm chế bất bình đẳng

Việc di chuyển số tiền được mua, chuyển hoặc chi tiêu bất hợp pháp xuyên biên giới thường được mô tả bằng thuật ngữ "dòng tiền bất hợp pháp".

Những dòng chảy tài chính này là động lực chính gây ra bất bình đẳng kinh tế cả giữa và trong các quốc gia, đặc biệt là khi tiền được lấy từ các nước đang phát triển và được cất giữ ở các nước phát triển. Các nước đang phát triển bị tước mất cơ hội thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, trong khi các nước giàu trở nên giàu hơn.

Còn trong phạm vi quốc gia, dòng tài chính bất hợp pháp đồng nghĩa với việc người dân bị tước đoạt các dịch vụ công chất lượng cao và bảo trợ xã hội. Năng lực của nhà nước cũng bị ảnh hưởng, điều này khiến các Chính phủ khó thực hiện những hành động có ý nghĩa chống lại tội phạm tham nhũng và tài chính. Thông qua vòng luẩn quẩn này, các dòng tài chính bất hợp pháp lại củng cố và làm trầm trọng thêm các bất bình đẳng kinh tế và xã hội đã tồn tại từ trước, khiến những người dễ bị tổn thương nhất bị ở lại phía sau.

Tập trung vào những "người gác cổng" tài chính

Việc di chuyển các khoản tiền bất hợp pháp thường có sự trợ giúp từ các chuyên gia như cán bộ ngân hàng, đại lý bất động sản, công chứng viên, luật sư, kế toán và nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp để thành lập công ty vỏ bọc, mở tài khoản ngân hàng hoặc mua hàng hóa xa xỉ... Do đó, những chuyên gia này có vai trò chủ chốt tiềm năng trong việc kích hoạt hoặc ngăn chặn các dòng tài chính bất hợp pháp.

Lý tưởng nhất, những chuyên gia này hoạt động như những người gác cổng của hệ thống tài chính và thực hiện nghĩa vụ chống rửa tiền (AML) của họ.

Nhưng họ có thể cố ý hoặc cẩu thả trong công việc, tạo điều kiện cho hoạt động tội phạm, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, khi áp lực tạo doanh thu cao hơn.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các ngân hàng đã trợ giúp rửa tiền lên tới 352 tỷ USD. Các chuyên gia như cố vấn tài chính đã tham gia vào việc "ăn" tiền để ứng phó với cuộc khủng hoảng dịch bệnh Ebola.

Mặc dù còn quá sớm để mô tả bức tranh đầy đủ về hành vi của những chuyên gia có vị trí trung gian trong cuộc khủng hoảng COVID-19 đang diễn ra, nhưng những nghiên cứu gần đây đã cho thấy một số đặc điểm của đại dịch có thể xác định vai trò của họ.

Đáng báo động là, khi cảm nhận được những tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng, những người này có thể thấy mình ở vị trí mà họ cho rằng phải chấp nhận tiền bẩn để giải cứu doanh nghiệp của mình và duy trì hoạt động, hoặc tạo điều kiện cho các kế hoạch kinh doanh có rủi ro rửa tiền cao, như mua hộ chiếu vàng hay bất động sản cao cấp.

Bên cạnh đó, sự phụ thuộc quá mức vào các ngân hàng đang cản trở các cuộc điều tra tham nhũng và rửa tiền. Trong Hồ sơ FinCEN, theo Hiệp hội Nhà báo điều tra Quốc tế, các ngân hàng thiếu thông tin về một hoặc nhiều thực thể đứng đằng sau giao dịch đáng ngờ trong 1 nửa số hồ sơ SAR đã nộp cho cơ quan chức năng.

Các ngân hàng không có khả năng xác định chủ sở hữu thực sự của những công ty tham gia vào giao dịch cần phải đẩy nhanh cải cách để chấm dứt tình trạng công ty ẩn danh.

Những hành động mang tính cấp thiết

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đã chứng kiến gần 9 nghìn tỷ USD được tung ra trong hoạt động cho vay dành riêng để ứng phó dịch bệnh, những lỗ hổng liên tục trong hệ thống tài chính toàn cầu có nguy cơ làm gia tăng dòng tiền bất hợp pháp.

Trong thời gian tới, các diễn đàn quốc tế như G20, IMF, Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền, Ban điều hành FACTI của Liên hợp quốc và Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc Chống tham nhũng (UNGASS 2021) sẽ tiếp tục thảo luận về tầm quan trọng của bình đẳng kinh tế, xã hội trong sự trỗi dậy của đại dịch COVID-19.

Hoài Phương