Đó là nhận định của Công an TP Hà Nội tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động diễn ra sáng 23/5, tại Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long, Khu Công nghiệp (KCN) Thạch Thất - Quốc Oai, Hà Nội.

Nêu ý kiến tại hội nghị, anh Nguyễn Thành Công (Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Âu Cơ) chia sẻ: Hiện nay, có một số đối tượng cho vay tín dụng đen và các đối tượng lừa đảo tự nhận là công an, cán bộ quận thường xuyên gọi điện thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đáng chú ý, anh Công cho biết, đã có công nhân lao động bị lừa đảo lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Bên cạnh đó, theo anh Công, việc lừa đảo trên không gian mạng và lừa đảo của các công ty, doanh nghiệp qua hình thức phát hành trái phiếu hoặc nhượng cổ phần đang lan rộng, tội phạm công nghệ cao và các hình thức đánh bạc qua mạng thực chất là chiếm đoạt tài sản của Nhân dân, trong đó có công nhân lao động.

"Tôi mong muốn UBND TP chỉ đạo Công an TP và các cơ quan liên quan có chế tài và các biện pháp quản lý mạnh hơn nữa để ngăn chặn kịp thời các vấn đề trên", anh Công bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Công an TP cho biết: “Tình trạng lừa đảo qua không gian mạng và tín dụng đen, chúng tôi nhận định đây là vấn đề hết sức nan giải”.

Các đối tượng phạm tội lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân. Dù đã tuyên truyền nhiều nhưng tình trạng người dân mắc phải vẫn nhiều.

Trong thời gian qua, Công an TP đã tập trung lực lượng để xử lý các vụ vi phạm, bắt giữ 19 vụ liên quan đến tín dụng đen. Chúng tôi khuyến nghị, ngoài công tác phòng ngừa thì rất cần sự hỗ trợ từ công nhân lao động, cần có ý kiến phản ánh.

Ngoài ra, các ban, ngành TP phải cùng vào cuộc để ngăn ngừa. “Chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện các chế định pháp luật với loại hình đối tượng này, bởi thế cần sự chung tay”, đại diện Công an TP nhấn mạnh.

Chia sẻ về nội dung này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng thông tin: Công an TP Hà Nội cùng Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực tăng cường tuyên truyền ngăn chặn tín dụng đen trên các kênh truyền thông, báo chí. Chúng tôi có 1 kênh Zalo riêng với độ phủ là 4,2 triệu công dân trên địa bàn TP.

Vừa qua, Sở đã cho truyền thông mạnh về lừa đảo trên mạng và tín dụng đen; triệt phá được một nhóm lừa đảo là người nước ngoài trú tại quận Cầu Giấy.

Tuy nhiên, người dân vẫn cần tự trang bị kiến thức để phòng ngừa bởi bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của các đối tượng này.

“Tôi khuyến cáo công dân tuyệt đối không cung cấp căn cước công dân cho ai. Và hiện một số đối tượng còn giả mạo là cán bộ phụ trách Cổng dịch vụ công của Bộ Công an. Điều này người dân cần cảnh giác”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nói.

Lưu ý vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: Tín dụng đen và lừa đảo qua mạng là vấn đề nóng hiện nay.

Chủ tịch TP đề nghị, các cơ quan liên quan tạo cơ chế thuận lợi để người dân vay tín dụng, tránh tìm đến các đối tượng xấu.

Thói quen người dân hiện nay chủ yếu vẫn là dùng Facebook, Zalo hoặc Tiktok, bởi thế cần tăng cường tuyên truyền.

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phải lập các trang mang tính chất cảnh báo, phòng ngừa để người dân nâng cao nhận thức trên các kênh này; hoàn thiện quy trình chuyển tiền ra nước ngoài bởi các thủ tục hiện nay chưa chặt chẽ.

“Ở nước ngoài, mua một chiếc sim điện thoại cũng phải hoàn thiện thủ tục mất 1 - 2 giờ. Ở nước ta lại quá dễ dàng. Đây là điều bất cập”, Chủ tịch Hà Nội lưu ý.

Hải Hà