Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Ngăn chặn lừa đảo qua không gian mạng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng

Thứ hai, 13/05/2024 - 21:54

(Thanh tra) - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Phó Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia Phạm Tiến Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng diễn ra ngày 13/5 tại Hà Nội về hành vi lừa đảo qua mạng trong hoạt động ngân hàng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Phó Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia Phạm Tiến Dũng chia sẻ tại Hội thảo Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: HP

Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, trên thực tế, đối tượng lừa đảo có rất nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó có ba hình thức chính thường gặp nhắm tới tài khoản ngân hàng của người dùng, đó là thao túng tâm lý để người dùng tự nguyện chuyển tiền đến các tài khoản khác do tội phạm chỉ định; chiếm dụng máy của người sử dụng và tiếp tục các thao tác khác; lấy thông tin trên thiết bị của người dùng chuyển sang thiết bị khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt.

“Với vai trò là cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước luôn có chỉ đạo sát sao đối với hệ thống các tổ chức tín dụng để phòng tránh, hướng dẫn và cảnh báo cho khách hàng về các hành vi lừa đảo”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thống đốc, phòng ngừa hành vi lừa đảo qua mạng luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển của ngành, và tính chất số liệu quan trọng, ngành Ngân hàng luôn coi an ninh, an toàn, bảo mật là điều kiện trọng yếu, coi an ninh bảo mật là điều kiện trọng yếu, phòng ngừa rủi ro mất tài sản cho khách hàng.

Mặc dù vậy, đây cũng trở thành một khó khăn khi ngành Ngân hàng có đặc thù nghiệp vụ khác biệt với khối lượng và quy mô giao dịch lớn. Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên 95% số lượng giao dịch thanh toán được thực hiện qua mạng, chỉ 5% giao dịch tại quầy; với tổng giá trị giao dịch là 200 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 830.000 tỷ đồng/ngày.

Cơ hội và thách thức luôn tồn tại song song, đặc biệt khi nền kinh tế bước vào giai đoạn cao trào của chuyển đổi số, do đó, để thực hiện hóa các giải pháp phòng, chống lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng kịp thời các quy chế quản lý để truy vết nhanh các đối tượng lừa đảo và bảo vệ người dùng.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HB

Thời gian tới, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, sẽ tập trung tham mưu xây dựng Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh mạng, Nghị định quy định điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng nói chung, tội phạm lừa đảo qua mạng nói riêng. Triển khai đa dạng các hình thức, nội dung tuyên truyền, kêu gọi sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân triển khai hiệu quả, sâu rộng các chiến dịch tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo.

Bên cạnh đó, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác quản lý Nhà nước nhằm ngăn chặn, xóa bỏ các nguyên nhân, điều kiện tội phạm lừa đảo lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật…

Về các giải pháp đối với vấn đề lừa đảo trên không gian mạng, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, thống nhất đưa ra những giải pháp đối với vấn đề lừa đảo trên không gian mạng.

Cũng theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước cùng với Bộ Công an ký Kế hoạch số 01/KHPH-BCA-NHNNVN triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), bao gồm 11 nhiệm vụ lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể, nhằm đảm bảo an toàn kết nối cơ sở dữ liệu dân cư trong triển khai hệ thống dịch vụ ngân hàng.

Ngày 28/2/2024, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an phối hợp tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin ngành Ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng chủ trì. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành tổng hợp kho thông tin về những tài khoản thanh toán, ví điện tử nghi ngờ gian lận, từ đó cảnh báo để các tổ chức tín dụng tăng cường xác thực khi các tài khoản này thực hiện hoạt động giao dịch.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2024, thực hiện theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tất cả giao dịch ngân hàng trên 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học. Đây là một quy định cần thiết và cấp bách để đảm bảo chủ tài khoản và thực hiện giao dịch không bị giả mạo giấy tờ tùy thân, góp phần ngăn chặn lừa đảo trực tuyến.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền văn bản pháp luật, đồng thời lưu ý các tổ chức tín dụng chú trọng truyền thông, quảng cáo, hướng dẫn tới cán bộ và khách hàng nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng để phòng, chống lừa đảo qua không gian mạng.

“Phải làm sạch dữ liệu khách hàng, tài khoản không chính chủ kết hợp với xác thực theo Quyết định 2345, 24 tổ chức tín dụng đã gửi dữ liệu cho Bộ Công an để làm sạch thông tin. Không có giải pháp hoàn chỉnh, chỉ có giải pháp phù hợp, trong đó mình ngân hàng sẽ không làm được, mà cần sự phối hợp của Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông…”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm