Theo Dự thảo, thanh tra hành chính trong CAND nhằm đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; phát hiện sơ hở, thiếu sót trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật và các quy định của ngành Công an để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Trước khi ra quyết định thanh tra, trong trường hợp cần thiết, thủ trưởng cơ quan Công an có thẩm quyền, thủ trưởng cơ quan thanh tra căn cứ vào yêu cầu của cuộc thanh tra để quyết định việc thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình có liên quan đến Công an đơn vị, địa phương, cá nhân dự kiến được thanh tra (sau đây gọi chung là đối tượng thanh tra). Thời gian thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày giao nhiệm vụ.

Tổ công tác hoặc người được giao thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình có trách nhiệm thu thập, phân tích, đánh giá, tổng hợp thông tin, tài liệu, tình hình có liên quan đến đối tượng thanh tra; chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc thu thập, thông tin, nắm tình hình phải có văn bản báo cáo người giao nhiệm vụ thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình. Báo cáo gồm các nội dung sau:

a) Khái quát về mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; các quy định của pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của đối tượng thanh tra;

b) Kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan có thẩm quyền và các thông tin khác có liên quan đến nội dung dự kiến thanh tra (nếu có);

c) Nhận định những vấn đề nổi cộm, có dấu hiệu sai phạm, vi phạm pháp luật; đề xuất phạm vi thanh tra và phương pháp tiến hành thanh tra.

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Công an đơn vị, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân được thanh tra có trách nhiệm cung cấp đầy đủ những thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan thanh tra.

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến đối tượng thanh tra về việc công bố quyết định thanh tra; thông báo phải nêu rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham dự.

Trong trường hợp cần thiết, trưởng đoàn thanh tra trình người ra quyết định thanh tra ký văn bản thông báo về việc công bố quyết định thanh tra.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm công bố quyết định thanh tra.

Khi công bố quyết định thanh tra phải có đại diện lãnh đạo cơ quan chủ trì thanh tra, đoàn thanh tra, thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương, cá nhân là đối tượng thanh tra. Trong trường hợp cần thiết, trưởng đoàn thanh tra mời đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự buổi công bố quyết định thanh tra.

Việc công bố quyết định thanh tra thực hiện tại trụ sở của đơn vị là đối tượng thanh tra trực tiếp. Trong trường hợp công bố quyết định thanh tra tại địa điểm khác thì trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định. Căn cứ chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra thông báo với thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương, cá nhân là đối tượng thanh tra và đơn vị có trụ sở mà đoàn thanh tra công bố quyết định thanh tra.

Khi tiến hành thanh tra, nếu phát hiện vi phạm đến mức phải xử lý ngay thì trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra phải lập biên bản về việc vi phạm để làm cơ sở cho việc xử lý. Việc xử lý vi phạm thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật khác có liên quan.

Khi phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn thanh tra báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.

Trong trường hợp người ra quyết định thanh tra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra thì trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo tập hợp hồ sơ, tài liệu để chuyển cơ quan điều tra. Việc bàn giao hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra được lập thành biên bản.

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo với người ra quyết định thanh tra về tiến độ thực hiện nhiệm vụ của đoàn thanh tra theo kế hoạch tiến hành thanh tra hoặc theo yêu cầu đột xuất của người ra quyết định thanh tra.

Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm xem xét, có ý kiến chỉ đạo cụ thể, trực tiếp trong báo cáo tiến độ thanh tra và xử lý kịp thời kiến nghị của Trưởng đoàn thanh tra.

Khi kết thúc thanh tra tại mỗi đơn vị cơ sở thuộc đối tượng thanh tra, trong trường hợp cần thiết đoàn thanh tra lập biên bản ghi nhận kết quả thanh tra giữa đoàn thanh tra với lãnh đạo đơn vị đó. Biên bản được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ một bản.

Trước khi chuẩn bị kết thúc việc thanh tra trực tiếp tại đơn vị được thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra họp Đoàn thanh tra để rà soát, thống nhất các nội dung công việc còn lại cần thực hiện để kết thúc thanh tra trực tiếp.

Trưởng đoàn thanh tra thông báo bằng văn bản về thời gian kết thúc thanh tra trực tiếp cho đối tượng thanh tra biết, hoặc có thể làm việc với đối tượng thanh tra để thông báo về thời gian kết thúc thanh tra trực tiếp.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc thanh tra trực tiếp, Trưởng đoàn thanh tra có báo cáo kết quả thanh tra trình người ra quyết định thanh tra, kèm theo báo cáo về các ý kiến khác nhau trong đoàn thanh tra đối với nội dung báo cáo kết quả thanh tra (nếu có).

Sau khi nhận được báo cáo kết quả thanh tra và báo cáo bổ sung (nếu có) của đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra chỉ đạo trưởng đoàn thanh tra chủ trì xây dựng dự thảo kết luận thanh tra trình người ra quyết định thanh tra.

Người ra quyết định thanh tra nghiên cứu hoặc giao cho đơn vị chuyên môn nghiên cứu dự thảo kết luận thanh tra để tham mưu, đề xuất hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra. Ý kiến tham mưu, đề xuất được thể hiện bằng văn bản và lưu trong hồ sơ thanh tra.

Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra gửi dự thảo kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra hoặc giao cho đoàn thanh tra lấy ý kiến tham gia dự thảo kết luận thanh tra. Việc giải trình những vấn đề chưa nhất trí (nếu có) của đối tượng thanh tra với nội dung của dự thảo kết luận thanh tra phải bằng văn bản và có các thông tin, tài liệu kèm theo. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm nghiên cứu và đề xuất với người ra quyết định thanh tra hướng xử lý nội dung giải trình của đối tượng thanh tra.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký kết luận thanh tra phải ban hành kết luận thanh tra và gửi đến:

a) Đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

b) Thanh tra Bộ Công an nếu người ra quyết định thanh tra là Cục trưởng và tương đương, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Chánh Thanh tra Công an cấp tỉnh.

Trường hợp biện pháp xử lý sau thanh tra thuộc thẩm quyền xử lý của người ra quyết định thanh tra thì trưởng đoàn thanh tra xây dựng dự thảo quyết định xử lý theo quy định của pháp luật trình người ra quyết định thanh tra ký ban hành.

Trường hợp biện pháp xử lý sau thanh tra không thuộc thẩm quyền xử lý của người ra quyết định thanh tra thì kết luận thanh tra được gửi cho thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương có thẩm quyền xem xét, xử lý theo Điều 40 Luật Thanh tra.

Kết luận thanh tra được công bố trực tiếp hoặc gửi cho đối tượng thanh tra. Trường hợp công bố trực tiếp kết luận thanh tra thì thực hiện như sau:

a) Người ra quyết định thanh tra hoặc trưởng đoàn thanh tra được ủy quyền thông báo bằng văn bản cho thủ trưởng cơ quan, tổ chức và cá nhân là đối tượng thanh tra về thời gian, địa điểm, thành phần tham dự buổi công bố kết luận thanh tra. Thành phần tham dự gồm thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân là đối tượng thanh tra, đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

b) Người ra quyết định thanh tra hoặc trưởng đoàn thanh tra đọc toàn văn kết luận thanh tra;

c) Việc công bố kết luận thanh tra được lập thành biên bản.

Sau khi có kết luận thanh tra, đoàn thanh tra giao trả hồ sơ, tài liệu không cần thu giữ cho đối tượng thanh tra.

Trưởng đoàn thanh tra có thể quyết định giao trả hồ sơ, tài liệu trước khi kết luận thanh tra, nhưng phải bảo đảm những hồ sơ, tài liệu đó không cần thu giữ hoặc không liên quan đến kết luận thanh tra.

Việc giao trả hồ sơ, tài liệu được lập biên bản giao nhận giữa đoàn thanh tra và đối tượng thanh tra.

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức việc lập hồ sơ thanh tra theo quy định về chế độ hồ sơ thanh tra CAND.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận thanh tra, trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm bàn giao hồ sơ thanh tra cho cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra. Trường hợp vì trở ngại khách quan thì thời gian bàn giao hồ sơ thanh tra có thể kéo dài nhưng không quá 90 ngày làm việc.

Hạ Vy