Trình bày tại hội nghị, ThS Đỗ Công Định cho biết, với mục đích làm rõ cơ sở lý luận, pháp lý, tổng kết thực tiễn và đưa ra quan điểm, giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao vai trò của cơ quan thanh tra trong quản lý hoạt động báo chí, xuất bản (BCXB) ở Việt Nam giai đoạn hiện nay, ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, đề tài bao gồm 3 chương: Chương I: Cơ sở lý luận về vai trò của thanh tra trong quản lý hoạt động BCXB; Chương 2: Thực trạng vai trò của cơ quan thanh tra trong quản lý hoạt động BCXB; Chương 3: Quản điểm, giải pháp nâng cao vai trò của cơ quan thanh tra trong quản lý hoạt động BCXB.

Trong Chương 1, chủ nhiệm đề tài đã đề cập đến quan điểm, đặc điểm, vai trò, ý nghĩa quản lý Nhà nước đối với hoạt động BCXB. Theo đó, với tinh thần của Luật Thanh tra năm 2022 thì thanh tra chuyên ngành BCXB thuộc thẩm quyền của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông; Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông; Cục Báo chí; Cục Xuất bản, In và Phát hành (nếu được giao).

Nội dung thể hiện vai trò của cơ quan thanh tra trong quản lý hoạt động BCXB đó là: Địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có chức năng thanh tra trong lĩnh vực BCXB; hiệu quả thực tế của hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực BCXB.

Theo chủ nhiệm đề tài, đề cập đến vai trò của cơ quan thanh tra trong quản lý Nhà nước trong lĩnh vực BCXB thì thể hiện ở phương diện hiệu quả của hoạt động thanh tra, hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm.

Tại Chương 2, đã nghiên cứu đến thực trạng vai trò của cơ quan thanh tra trong quản lý hoạt động BCXB.

Theo đó, các cơ quan thanh tra trong thời gian qua đã khẳng định được vai trò của mình trong hoạt động BCXB. Hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc để các cơ quan thanh tra thực hiện nhiệm vụ trong thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong lĩnh vực BCXB.

Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong lĩnh vực BCXB ngày càng sau sát, phát huy hiệu quả tích cực, thể hiện “không có vùng cấm” hay buông lỏng trong quản lý hoạt động BCXB.

Bên cạnh kết quả đạt được, còn những hạn chế trong việc thể hiện vai trò của cơ quan thanh tra trong quản lý hoạt động BCXB. Hệ thống các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra còn một số điểm bất cập. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với các cơ quan thanh tra trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong lĩnh vực BCXB chưa thường xuyên, liên tục, chưa đảm bảo sự thông suốt giữa Trung ương và địa phương.

Cùng với đó, vai trò của cơ quan thanh tra chưa nổi bật trong góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách. Một số hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm còn chậm, chưa kịp thời. Sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong nhiều vụ việc chưa thực sự chặt chẽ..

Cũng tại Chương 2, chủ nhiệm đề tài đưa ra các nguyên nhân làm hạn chế vai trò của cơ quan thanh tra trong quản lý hoạt động BCXB.

Trên cơ sở đó, đề tài đã đưa ra quan điểm, định hướng và giải pháp nâng cao vai trò của cơ quan thanh tra trong quản lý hoạt động BCXB tại Chương 3.

Về quan điểm, đề tài chỉ ra các nhóm quan điểm như: Tổ chức và hoạt động thanh tra phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về hoạt động BCXB và quản lý Nhà nước đối với hoạt động BCXB; đổi mới tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra đồng bộ với chủ trương quy hoạch hệ thống báo ché và nâng cao chất lượng hoạt động BCXB; huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động BCXB.

Với quan điểm, phương hướng đó, để khắc phục những hạn chế, bất cập, vướng mắc tác động tiêu cực đến vai trò của cơ quan thanh tra trong quản lý hoạt động BCXB, đề tai đưa ra 5 nhóm pháp, cụ thể: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với hoạt động BCXB; hoàn thiện pháp luật về thanh tra và pháp luật về BCXB; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan thanh tra trong lĩnh vực BCXB; nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý và thực hiện hoạt động BCXB; xây dựng nền truyền thông nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại.

Tại hội nghị, các thành viên hội đồng đánh giá cao kết quả nghiên cứu đề tài. Nội dung nghiên cứu đảm bảo đúng mục đích đề tài, bám sát thuyết minh được phê duyệt. Thông tin, tài liệu về thực trạng pháp luật cũng như thực tiễn khá đầy đủ, có tính cập nhật, tin cậy.

Đề tài cũng đã có những tiếp cận mới, nhất là trên bình diện thực tiễn vai trò của cơ quan thanh tra trong công tác quản lý hoạt động BCXB.

Đưa ra được các nhóm giải pháp hoàn thiện pháp luật và nhóm giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp với mục tiêu nghiên cứu đề tài. Nhiều kiến nghị, giải pháp có tính cụ thể, khả thi có thể ứng dụng trong thực tiễn.

Tuy nhiên, các thành viên hội đồng đề nghị chủ nhiệm đề tài điều chỉnh lại dung lượng giữa các chương.Phân tích sâu hơn, dành dung lượng nhiều hơn đề cập đến thanh tra trong quản lý hoạt động BCXB (chủ thể, đối tượng thanh tra hoạt động BCXB, nhất là nội dung thanh tra gắn với công tác quản lý hoạt động BCXB) để làm rõ nổi bật vai trò của cơ quan thanh tra trong lĩnh vực này.

Tại Chương 2, nên làm rõ hơn thực trạng bất cập tổ chức thanh tra hiện nay so với thực tiễn hệ thống BCXB, đặt ra nhu cầu cần phải quản lý đảm bảo logic và giải pháp được nêu ra tại Chương 3.

Các giải pháp về hoàn thiện pháp luật về BCXB tại Chương 3 khá cụ thể, tuy nhiên cần tiếp cận là qua công tác thanh tra, phát hiện ra những bất cập về chính sách, pháp luật, từ đó có đề xuất hoàn thiện để đảm bảo tính kết nối giữa các chương và bám sát mục tiêu nghiên cứu của đề tài…

Với những kết quả đạt được, hội đồng đánh giá cấp cơ sở đề nghị chủ nhiệm đề tài tiếp thu một số ý kiến hoàn thiện sản phẩm để đưa ra nghiệm thu chính thức.

 

Thái Hải