Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, CCHC Nhà nước luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng, là điều kiện tiên quyết, yếu tố đảm bảo cho sự thành công của phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đảng ta đã xác định, CCHC là một trong ba khâu đột phá nhằm phát triển đất nước giai đoạn 2011-2020.

Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020 được Chính phủ ban hành là một trong những giải pháp tổng thể, toàn diện để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.

Trong quá trình triển khai chương trình tổng thể, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đã được triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, tốc độ CCHC còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra.

Báo cáo tóm tắt tổng kết chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Phạm Minh Hùng cho biết, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đạt kết quả tích cực; việc tổ chức triển khai, theo dõi, đánh giá, xếp loại công tác CCHC, công bố kết quả chỉ số CCHC; khảo sát, đo lường, xác định chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (Chỉ số SIPAS)… là những nét nổi bật trong chỉ đạo, điều hành.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TT 

Thể chế của nền hành chính, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân được hoàn thiện, củng cố và được triển khai có hiệu quả trên thực tế. Nền hành chính đã có bước chuyển biến theo hướng dân chủ, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, trách nhiệm, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, xã hội và sự phát triển đất nước.

Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử đã đạt được những kết quả quan trọng.

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước đã tiếp tục được triển khai thực hiện với nhiều nhiệm vụ quan trọng, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận…

Chia sẻ tại hội thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu cho rằng, kết quả CCHC thời gian qua là không thể phủ nhận, tuy nhiên, thông qua kết quả đó cần phải có nhiều đổi mới trong giai đoạn sau.

Kết quả CCHC Nhà nước là cơ sở, là điều kiện tiên quyết để kiến tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. CCHC Nhà nước là để nâng cao hiệu quả quản trị Nhà nước, phục vụ đắc lực người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển, hội nhập quốc tế, cũng chính là để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Theo ông Văn Tất Thu, các hạn chế, bất cập và nguyên nhân của các hạn chế, bất cập trong CCHC là thách thức đối với tính bền vững và liên tục của CCHC, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh quốc gia. Do đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, CCHC cần phải đồng bộ với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp và cải cách, đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam.

leftcenterrightdel
Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TT 

Về cải cách TTHC, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, CCHC giai đoạn 2011-2020 đã thu được nhiều kết quả, thể hiện qua các con số, đặc biệt là về tổ chức bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế, hệ thống pháp luật được đồng bộ hơn, tạo sức mạnh và điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội.

Việc thực thi đơn giản hóa TTHC từ năm 2011 đến nay đã được các ngành, các cấp tích cực thực hiện. Tính đến hết tháng 12/2016, đã đơn giản hóa 4.527/4.723 TTHC do Chính phủ phê duyệt tại 25 nghị quyết chuyên đề, đạt 95,8%...

Qua 10 năm triển khai thực hiện cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa liên thông và quản lý Nhà nước về kiểm soát TTHC đã đạt nhiều kết quả thiết thực. Việc kiểm soát quy định về TTHC ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng thể chế. Những kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong các bảng xếp hạng thế giới.

Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC cũng cho rằng, TTHC, điều kiện kinh doanh trên một số lĩnh vực vẫn còn chồng chéo, rườm rà, phức tạp, mâu thuẫn, thậm chí “cài cắm”, “biến tướng”, phát sinh thêm. Do đó, trong giai đoạn tới, cần chuyển trọng tâm từ xây dựng thể chế sang hoàn thiện thể chế, tập trung đẩy mạnh cải cách việc giải quyết TTHC và gắn kết cải cách TTHC với xây dựng Chính phủ điện tử.

Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học cũng đã trao đổi, thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện CCHC tại bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, các đại biểu đã nêu bật được các bài học kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất nhiều nội dung thiết thực, cụ thể cho giai đoạn 2021-2030.

Dẫn lại lời của một học giả nước ngoài: “Nếu không CCHC thì sẽ có 2 điều xảy ra. Thứ nhất, người dân và doanh nghiệp sẽ phá sản. Thứ hai, là tiêu cực. Do đó, việc CCHC cần phải tiếp tục thực hiện một cách mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đề nghị Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện báo cáo tổng kết để tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những quyết sách về CCHC hiệu quả trong giai đoạn 2021-2030.

Phương Anh