Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Ông Khuê nằm cáng đến tòa, tòa hoãn phiên xử…

Hoàng Nam

Thứ năm, 14/03/2024 - 14:06

(Thanh tra)- Ngày 11/3/2024, tại trụ sở TAND tỉnh Hòa Bình, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn Khuê, theo Quyết định số 1637/2024/QDXXPT-HS ngày 22/2/2024. Ông Nguyễn Văn Khuê, sau nhiều lần điều trị phẫu thuật cột sống, hiện đã không thể đi lại được, đang bị tạm giam tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình và phải đến dự phiên tòa bằng cáng.

Ông Nguyễn Văn Khuê được lực lượng chức năng và người thân khênh bằng cáng lên phòng xét xử để tham dự phiên tòa. Ảnh: Hoàng Nam

Tại phiên tòa, ông Nguyễn Văn Khuê cho biết, ông không nhận được bản án Hình sự sơ thẩm số 39/2023/HS-ST ngày 14/8/2023, nên không biết nội dung của bản án.

Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, ông Ngô Quang Dũng đã thông qua toàn bộ nội dung bản án Hình sự sơ thẩm số 39/2023/HS-ST.

Bản án số 39/2023/HS-ST, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Khuê, sinh ngày 31/10/1969; nơi cư trú Khu Thủy sản, phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, 12 năm tù về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo khoản 4, Điều 175, Bộ luật Hình sự. Tổng hợp hình phạt 15 tháng tù tại bản án Hình sự phúc thẩm số 21/2021/HS- PT ngày 23/4/2021 của TAND tỉnh Hòa Bình. Buộc bị cáo Nguyễn Văn Khuê phải chấp hành chung cả hai bản án là 13 năm 3 tháng.

Về trách nhiệm dân sự, ông Nguyễn Văn Khuê phải bồi thường cho bị hại là Hợp tác xã (HTX) Nghĩa Phương số tiền là 1,8 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Văn Khuê nằm trên cáng để trả lời câu hỏi của Hội đồng Xét xử. Ảnh: Hoàng Nam

Bị hại kháng cáo cho rằng không đủ cơ sở xác định thiệt hại

Bị hại trong vụ án này là HTX Nghĩa Phương đã có đơn kháng cáo bản án Hình sự sơ thẩm số 39/2023/HS-ST ngày 14/8/2023.

Tại phiên tòa, ông Nguyễn Văn Thi, luật sư Công ty Luật TNHH Minh Đạt, bào chữa cho ông Nguyễn Văn Khuê cung cấp một quyển phiếu thu, ghi nhận toàn bộ các lần thu tiền thuê kiot. Theo ông Thi, đây là một hồ sơ rất quan trọng, thể hiện việc ông Khuê trực tiếp thu tiền của các hộ thuê kiốt và có sự chứng kiến, xác nhận của thủ quỹ, kế toán.

Bà Nguyễn Thị Lan, kế toán HTX Nghĩa Phương xác nhận tại phiên tòa đúng là quyển phiếu thu đã đưa cho ông Khuê trước khi bà xin nghỉ để đi chữa bệnh. 

Trình bày về nội dung kháng cáo, ông Hoàng Anh Tuấn, người đại diện theo ủy quyền của HTX Nghĩa Phương cho rằng, việc xây dựng, cải tạo chợ Nghĩa Phương được thực hiện theo Hợp đồng số 02/2016 ngày 20/3/2016 giữa ông Lê Văn Tịnh và HTX Nghĩa Phương.

Toàn bộ số tiền cho thuê 9 kiot đều được ông Khuê thu trực tiếp và dùng số tiền đó để chi cho các hoạt động cải tạo, xây dựng chợ Nghĩa Phương theo các hạng mục ghi chi tiết trong Hợp đồng số 02/2016 (được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng và tổng dự toán sau bổ sung là 6,4 tỷ đồng).

Vì vậy, để xác định được việc HTX Nghĩa Phương có bị thiệt hại hay không, ông Khuê có chiếm đoạt số tiền thu từ việc cho thuê kiot không, hay thực tế đã chi cho các hạng mục xây dựng, sửa chữa chợ Nghĩa Phương, thì cần phải xem xét các khối lượng công việc cụ thể, các hạng mục công trình đã được thực hiện, để xác định giá trị công trình dở dang đó trị giá bao nhiêu tiền.

Việc ông Khuê thu tiền thuê kiốt nhưng không nộp về quỹ của HTX Nghĩa Phương, theo người đại diện của HXT, thì việc này chưa gây ra thiệt hại, bởi vì việc sửa chữa, xây dựng chợ Nghĩa Phương hiện đã thực được hơn 90% so với dự toán, đến nay, các bên vẫn chưa thực hiện quyết toán khối lượng nhưng HTX đang khai thác công trình này và thu về lợi ích rất lớn. Vì vậy, chưa đủ cơ sở để xác định ông Khuê chiếm đoạt tiền của HTX và HTX là bên bị thiệt hại.

Ông Hoàng Anh Tuấn, người đại diện theo ủy quyền của HTX Nghĩa Phương trả lời Hội đồng Xét xử. Ảnh: Hoàng Nam

Hoãn phiên tòa để bổ sung hồ sơ, làm rõ các tình tiết

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, kiểm sát viên cao cấp, Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội cho rằng, trong vụ án này, cần phải có đầy đủ thông tin, thống kê về tình trạng của chợ Nghĩa Phương trước khi được đầu tư cải tạo, sửa chữa để so sánh với hiện trạng, làm rõ đã có sự thay đổi như thế nào sau khi được đầu tư, xây dựng? Cần mời cơ quan chức năng định giá giá trị công trình để làm rõ mức độ thiệt hại nếu có.

Về phía bị cáo, cần tiếp tục kiểm tra lại toàn bộ sổ sách, tư liệu, xem còn sót tài liệu nào chứng minh việc thanh quyết toán trong quá trình xây dựng chợ Nghĩa Phương?

Mặt khác, tại phiên tòa ngày 11/3, dù đã được triệu tập, nhưng một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng vẫn vắng mặt, đề nghị triệu tập những người này đến tham gia phiên tòa để làm rõ tính chất của vụ việc?

Đồng tình với quan điểm của người giữ quyền công tố, thẩm phán - chủ tọa phiên tòa đã tuyên hoãn phiên tòa để các bên bổ sung thông tin, tài liệu cần thiết.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm