Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tập trung 12 nhiệm vụ trọng tâm

Thứ bảy, 16/01/2016 - 17:40

(Thanh tra) - Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã tới dự.

Bộ Xây dựng triển khai nhiệm vụ năm 2016. Ảnh: TQ

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, năm 2015, Bộ Xây dựng đã tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường quản lý đầu tư xây dựng; tích cực kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, trọng tâm là nhà ở xã hội; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Xây dựng...

Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của ngành Xây dựng: Giá trị sản xuất ngành năm 2015 đạt khoảng 974.000 tỷ đồng (tăng 11,4% so với năm 2014); tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 35,7% (tăng 1,2% so với năm 2014 và tăng 5,2% so với năm 2010)…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đồng thời đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2016.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đánh giá cao những thành tích đạt được của ngành trong năm 2015, đồng thời chỉ ra những mặt còn hạn chế, đề nghị ngành Xây dựng tập trung trong năm 2016. 

Về nhiệm vụ năm 2016, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành xây dựng cần chủ động trong điều hành, lường trước tình hình để có giải pháp kịp thời, chủ động, hiệu quả. Trong đó, phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về xây dựng; nâng cao chất lượng quy hoạch (nhất là phối hợp quy hoạch xây dựng với các quy hoạch khác để giảm bất cập phát sinh); quản lý tốt quy hoạch; tăng cường công tác quản lý xây dựng (trong đó đặc biệt lưu ý về quy hoạch, cấp phép xây dựng và chất lượng công trình…); thanh tra, xử lý nghiêm các sai phạm về xây dựng.  

 Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu xử lý nghiêm các sai phạm về trật tự xây dựng. Ảnh: TQ

12 nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2016:

1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành, trong đó trọng tâm là hoàn thành việc ban hành các Thông tư hướng dẫn các Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đảm bảo đồng bộ, kịp thời; nghiên cứu xây dựng đề cương, dự thảo Luật về quản lý phát triển đô thị.

2. Tập trung triển khai Luật Xây dựng và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật; tăng cường quản lý, giám sát trong hoạt động đầu tư xây dựng; nâng cao hiệu quả công tác thẩm định dự án, thiết kế, dự toán các công trình xây dựng; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế- kỹ thuật.

3. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ lập các đồ án quy hoạch xây dựng theo phân cấp, nhất là các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

4. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; triển khai có hiệu quả các định hướng, chiến lược, chương trình, đề án về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng và giữa các địa phương trong việc huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, liên vùng.

5. Triển khai thực hiện Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn. Hoàn thành phê duyệt chương trình phát triển nhà ở của các địa phương. Thực hiện tốt các chương trình phát triển nhà ở trọng điểm, trong đó: Cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công (theo Quyết định 22), Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; tập trung triển khai Chương trình 167 giai đoạn 2, Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở khu vực thường xuyên ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 3 (bổ sung các dự án của giai đoạn 2 tiếp tục thực hiện đến năm 2020); đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị.

6. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; tăng cường quản lý, kiểm soát theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, đảm bảo để thị trường phát triển ổn định, bền vững; tiếp tục rà soát, phân loại, điều chỉnh hợp lý cơ cấu hàng hóa các dự án bất động sản; xây dựng hệ thống thông tin thị trường.

7. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển vật liệu xây dựng, nhất là xi măng và các vật liệu xây dựng chủ yếu, bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường; tổ chức sơ kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh Chương trình phát triển vật liệu xây không nung; kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

8. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành, đặc biệt là TTHC trong đầu tư xây dựng; tích cực thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử.

9. Kiện toàn, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên môn về xây dựng các cấp, các ban quản lý chuyên nghiệp, đáp ứng với yêu cầu tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và nhà ở.

10. Tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Xây dựng; xây dựng các cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành; hoàn thành cổ phần hóa các TCty thuộc Bộ Xây dựng, tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo lộ trình hợp lý.

11. Nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo phát triển nguồn nhân lực theo Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của Ngành; tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ theo quy hoạch. Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình cam kết của Chính phủ và của Ngành.

12. Tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành xây dựng, tích cực phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành.

Một số chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2016:
Tỉ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 36,8%. Tỷ lệ quy hoạch vùng tỉnh đạt 100%, quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 75%, quy hoạch chi tiết đạt khoảng 35%, quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 100%. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 81,5 - 82%, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm xuống còn 24%, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt khoảng 85,5 - 86%. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22,6m2 sàn/người. Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ đạt khoảng 74 - 75 triệu tấn. Giá trị sản xuất xây dựng toàn Ngành tính theo giá hiện hành tăng khoảng 10% so với năm 2015.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sẽ cưỡng chế dự án trường đang dở bán đấu giá hơn 88 tỷ đồng

Sẽ cưỡng chế dự án trường đang dở bán đấu giá hơn 88 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo cơ quan chức năng, toàn bộ công trình xây dựng Dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hóa tại khu đô thị mới Đông Hương, TP Thanh Hóa được xây dựng trên diện tích hơn 40.000m2, vừa được đấu giá thành bằng hình thức đấu giá trực tuyến với giá trúng là hơn 88 tỷ đồng.

Hương Trà

09:24 11/12/2024
Vì sao giá bất động sản tăng chóng mặt?

Vì sao giá bất động sản tăng chóng mặt?

(Thanh tra) - Trong 5 năm qua, tăng trưởng giá bất động sản của Việt Nam là gần 60%, cao hơn nhiều quốc gia khác như Mỹ, Australia - đang ở mức trên dưới 50%, hay Nhật Bản- Singapore, hiện ở mức trên dưới 40%, theo số liệu thống kê của trang batdongsan.com

Uyên Uyên

17:33 04/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm