Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tìm giải pháp di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường

Văn Thanh

Thứ sáu, 14/04/2023 - 21:58

(Thanh tra) - Chiều 14/4/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa họp cho ý kiến vào đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong đô thị, khu dân cư và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh.

Bãi rác ở thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: VT

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hóa về đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong đô thị, khu dân cư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh, qua kết quả điều tra, khảo sát tại 423 cơ sở, kết quả phân tích chất lượng thành phần môi trường và các số liệu thanh tra, giám sát, xác minh đơn thư của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố và căn cứ tiêu chí phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hiện có 208/423 cơ sở gây ô nhiễm môi trường; không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Với mục tiêu, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh phát triển bền vững, đề án đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng không có khả năng khắc phục tại chỗ, không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường ra khỏi khu dân cư, khu đô thị.

Trên cơ sở rà soát đề án đã đề xuất phương án xử lý các cơ sở gây ô nhiễm, dự kiến sẽ di dời 168 cơ sở thuộc nhóm các cơ sở không đảm bảo khoảng cách về môi trường hoặc đảm bảo về khoảng cách nhưng không thể khắc phục tại chỗ vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung.

Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất chế biến đá tại cụm công nghiệp Vức, hiện đã hết hạn thuê đất, chưa được giao đất, cho thuê đất, chưa thực hiện việc lập hồ sơ môi trường… Yêu cầu UBND TP Thanh Hóa rà soát các cơ sở, lập phương án di dời, yêu cầu dừng hoạt động hoặc giao đất, cho thuê đất đối với các cơ sở đủ điều kiện để tiếp tục được hoạt động tại chỗ, thời gian trước ngày 30/12/2025.

Cho ý kiến vào nội dung này, các đại biểu dự hội nghị cho rằng: Việc xây dựng đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong đô thị, khu dân cư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh là cần thiết, cần hoàn thiện và triển khai sớm. Qua rà soát danh sách 168 cơ sở thuộc diện phải di dời mới chỉ là kết quả sau khi khảo sát 423 doanh nghiệp, do vậy cần phải tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo không bỏ sót cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoạt động trong khu đô thị, khu dân cư. Bên cạnh đó, đề án xác định mục tiêu, lộ trình di dời các cơ sở trong giai đoạn 2026-2030 là chưa có tính phấn đấu, cần phải xác định các cơ sở có tính cấp bách về ô nhiễm môi trường để tổ chức di dời ngay trong giai đoạn 2023-2025.

Về giải pháp, ý kiến các đại biểu cho rằng, trước hết phải xác định được vị trí để di dời các cơ sở, đồng thời phải có các giải pháp đồng bộ về hạ tầng, công nghệ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng di dời cơ sở gây ô nhiễm ở vị trí này lại gây ô nhiễm môi trường ở vị trí khác.

Đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong đô thị, khu dân cư vào các khu công nghiệp cụm công nghiệp sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh là quan trọng nên Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cần chỉ đạo sở, ngành liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng để khi ban hành thực hiện đạt hiệu quả cao.

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng khẳng định: Muốn phát triển bền vững thì phải đảm bảo môi trường, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất với đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về việc sửa đổi tên đề án là “Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030”.

Theo đó, phải điều tra, khảo sát, đánh giá lại thực trạng của các cơ sở sản xuất một cách căn cơ, phân loại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo các nhóm nguyên nhân và mức độ ô nhiễm, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, khu sản xuất tập trung để chuẩn bị mặt bằng tiếp nhận các cơ sở di dời. Vận động chuyển đổi nghề đối với các cơ sở sản xuất không có khả năng khắc phục ô nhiễm tại chỗ và không có điều kiện để di dời.

Đề án cần xác định mục tiêu, lộ trình cho giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030, đồng thời nên xác định mục tiêu cụ thể cho từng năm để có giải pháp phù hợp.

Bên cạnh giải pháp tuyên truyền, vận động, cần có các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở di dời; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng địa phương, đơn vị, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thiện đề án với tinh thần khẩn trương, phấn đấu phê duyệt, ban hành ngay trong 6 tháng đầu năm nay.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm