Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

PGS.TS Lưu Đức Hải: 1.500 năm mới khai thác hết “kho báu” của Đắk Nông

Ngọc Giàu

Thứ hai, 16/12/2024 - 09:01

(Thanh tra) - Đó là khẳng định của PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, khi nói về tiềm năng bô xít của tỉnh Đắk Nông. Tỉnh này cũng xác định bô xít là “kho báu” và đang hiện thực hoá mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của quốc gia.

Đắk Nông đứng đầu cả nước với tổng trữ lượng quặng bô xít. Ảnh: LP

Trữ lượng bô xít hàng đầu thế giới

Theo khảo sát địa chất Hoa Kỳ năm 2023, nguồn tài nguyên bô xít toàn cầu ước tính khoảng 55 đến 75 tỷ tấn. Chủ yếu ở châu Phi chiếm 32%, châu Đại Dương chiếm 23%, Nam Mỹ và Caribê chiếm 21%, châu Á chiếm 18%, các nơi khác chiếm 6%.

Việt Nam là nước có tài nguyên bô xít hàng đầu thế giới với trữ lượng khoảng 5,8 tỷ tấn.

Theo quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023, Đắk Nông đứng đầu cả nước với tổng trữ lượng quặng bô xít.

Tổng trữ lượng của tỉnh Đắk Nông đã được xác định khoảng 4,2 tỷ tấn quặng nguyên khai, chiếm 47% trữ lượng bô xít cả nước.

PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trình bày tham luận tại một hội thảo. Ảnh: NVCC

“Với trữ lượng bô xít như trên, Đắk Nông và chỉ có Đắk Nông mới hội tụ đủ các yếu tố để trở thành trung tâm công nghiệp bô xít-alumin-nhôm của quốc gia. Mục tiêu này đã nằm trong quy hoạch khoáng sản của Trung ương, cũng như đã được tỉnh đưa vào quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Vấn đề còn lại là làm sao khai thác nhanh, hiệu quả tài nguyên này”, PGS.TS Lưu Đức Hải chia sẻ.

Bởi, ông Hải cho biết, hiện nay tại Đắk Nông mới chỉ có Nhà máy Alumin Nhân Cơ thuộc Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV (DNA), thực hiện việc khai thác, chế biến bô xít. Với công suất khai thác khoảng 0,65 triệu tấn alumin/năm như hiện nay, Đắk Nông mất khoảng trên 1.500 năm mới khai thác hết.

Chỉ có Đắk Nông mới hội tụ đủ các yếu tố để trở thành trung tâm công nghiệp bô xít-alumin-nhôm của quốc gia.

PGS.TS Lưu Đức Hải

Trước tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên bô xít ở tỉnh Đắk Nông, Quyết định 866 đã nêu rõ, đến năm 2030, sẽ nâng công suất Nhà máy Alumin Nhân Cơ lên khoảng 2 triệu tấn/năm; đầu tư mới 4 dự án sản xuất alumin tại Đắk Nông, với công suất tối thiểu 10 triệu tấn alumin/năm trở lên.

Về sản xuất nhôm kim loại, từ nay đến 2030 sẽ hoàn thành thí điểm dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông với công suất từ 300.000 tấn nhôm thỏi/năm, mở rộng 450.000 tấn nhôm thỏi/năm. Đầu tư mới các dự án sản xuất nhôm kim loại tại Đắk Nông.

Theo tính toán của PGS.TS Lưu Đức Hải, lợi nhuận từ khai thác, chế biến bô xít rất lớn. Giá thành sản xuất 1 tấn alumin (quặng bô xít chế biến thành alumin), tốn khoảng 250 đô la. Trong khi đó, 1 tấn alumin bán được từ 500 - 700 đô la.

“Với Đắk Nông, chỉ tính riêng khai thác hết bô xít chế biến thành alumin thì doanh thu tới 600-700 tỷ đô la. Lợi nhuận thấp lắm cũng được 300 tỷ đô la, đây là số tiền rất lớn cho tỉnh Đắk Nông. Chưa kể, hoạt động khai thác, chế biến bô xít sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển như cơ khí hóa chất và các ngành kinh tế xã hội khác”, ông Hải tính toán.

Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ thuộc Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV (DNA) là một trong hai dự án thí điểm trong ngành công nghiệp mới, công nghiệp khai thác chế biến quặng bô xít tại Đắk Nông. Ảnh: TKV

Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn

Khai thác, chế biến bô xít trở thành “miếng bánh” hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, địa phương đang gặp phải nhiều vướng mắc, làm chậm tiến trình khai thác, chế biến bô xít.

Rào cản đầu tiên liên quan đến việc chồng lấn quy hoạch khai thác khoáng sản với các loại quy hoạch khác. Tiếp đến là vấn đề giải phóng mặt bằng cũng khiến địa phương đau đầu.

“Bô xít ở Đắk Nông chiếm khoảng 27% diện tích toàn tỉnh. Nếu vẫn giữ nguyên chính sách giải phóng mặt bằng theo cơ chế thu hồi đất của dân khai thác bô xít, sau đó hoàn thổ trồng rừng keo để phục hồi môi trường. Với đà này, tỉnh lấy đâu đất trả cho dân để tái định cư và sản xuất”, PGS.TS Lưu Đức Hải đề cập.

Chưa hết, một bài toán nữa mà Đắk Nông cần giải cho tương lai chính là một lượng lớn chất thải bùn đỏ và bùn quặng đuôi. Những loại chất thải này không thể đông cứng nên đang được chôn lấp tại các hồ chứa. Với cách làm truyền thống như thế này, Đắk Nông phải dành 16% diện tích đất của tỉnh để làm hồ chứa bùn quặng đuôi và 6% diện tích đất của tỉnh làm hồ bùn đỏ (với giả thiết chiều sâu của hồ chứa trung bình 10m). Như vậy, vừa tốn kém quỹ đất vừa vừa tiềm ẩn nguy cơ vỡ hồ tràn chất thải nguy hiểm, gây ra sự cố môi trường, thiệt hại vô cùng lớn.

Đắk Nông đang đứng trước cơ hội lớn để khai thác "kho báu" hiệu quả. Ảnh: LP

Trước thời cơ cũng như thách thức lớn trong khai thác bô xít của tỉnh Đắk Nông, PGS.TS Lưu Đức Hải và các đồng nghiệp nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp để địa phương hiện thực hoá mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của quốc gia.

Theo đó, Đắk Nông cần có cơ chế đặc thù về chính sách về đất đai. Thay vì lấy đất của dân trả tiền cho dân, chúng ta có thể đưa ra những hình thức khác như thuê đất. Sau khi khai thác xong bô xít, doanh nghiệp thuê đất sẽ hoàn trả lại đất cho dân.

Để giảm diện tích hồ chứa bùn, bùn quặng đuôi chứa khoáng sét và các thành phần dinh dưỡng của đất bazan sẽ được cho vào các moong (đáy mỏ), phục hồi rồi trả đất lại cho dân.

Như vậy, dân vừa có đất để sản xuất vừa giảm được chi phí giải phóng mặt bằng cũng như giải được bài toán hồ chứa bùn đuôi quặng. Còn bùn đỏ không chứa phóng xạ, ông Hải đưa ra giải pháp là sử dụng với các chất thải rắn của nhà máy alumin để làm vật liệu trong xây dựng.

Thậm chí, Đắk Nông thực hiện cơ chế đổi đất lấy hạ tầng để thu hút nhà đầu tư. Để làm được điều này, Đắk Nông cần nghiên cứu áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khai thác, chế biến bô xít. Tức là tỉnh sẽ quy hoạch mỗi khu mỏ khai thác và chế biến bô xít thành một khu công nghiệp sinh thái. Các khu công nghiệp sinh thải này sẽ gắn với cơ sở hạ tầng và các nhà máy cơ khí, hoá chất,... để trở thành 1 hệ sinh thái công nghiệp bô xít – alumin – nhôm.

Ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông tại một buổi làm việc với các đơn vị nhằm gỡ vướng thủ tục để đẩy nhanh khai thác, chế biến bô xít tại Đắk Nông. Ảnh: NH

Ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, địa phương rất tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát và đầu tư vào lĩnh vực khai thác, chế biến bô xít. Hiện có nhiều tập đoàn lớn quan tâm đến loại tài nguyên khoáng sản này của Đắk Nông và cũng đã đến tìm hiểu, khảo sát…

Đắk Nông tập trung vào mục tiêu khai thác hiệu quả và chế biến sâu tài nguyên bô xít theo đúng định hướng của Nghị quyết của Bộ Chính trị số 23/NQ-TW, ngày 6/10/2022: “… đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - nhôm quốc gia”. Phía tỉnh đã chọn đơn vị có chức năng, am hiểu về địa chất để đánh giá trữ lượng cũng như hiệu quả kinh tế với từng mỏ bô xít.

Những mỏ bô xít nào có trữ lượng lớn thì ưu tiên khai thác, ngược lại, sẽ có phương án bảo vệ với những mỏ có trữ lượng thấp. Với những dự án bị vướng quy hoạch về khoáng sản, Trung ương đang tập trung tháo gỡ theo hướng đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội giữa việc thực hiện quy hoạch và thực hiện dự án. Từ đó, điều chỉnh quy hoạch bị chồng lấn cho phù hợp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

PGS.TS Lưu Đức Hải: 1.500 năm mới khai thác hết “kho báu” của Đắk Nông

PGS.TS Lưu Đức Hải: 1.500 năm mới khai thác hết “kho báu” của Đắk Nông

(Thanh tra) - Đó là khẳng định của PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, khi nói về tiềm năng bô xít của tỉnh Đắk Nông. Tỉnh này cũng xác định bô xít là “kho báu” và đang hiện thực hoá mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của quốc gia.

Ngọc Giàu

09:01 16/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm