Theo dõi Báo Thanh tra trên
Minh Tân
Thứ hai, 16/12/2024 - 10:00
(Thanh tra) - Với địa hình là khu vực miền núi có nhiều con sông lớn chảy qua, những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông ở huyện Đakrông đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến đời sống, tài sản của người dân và môi trường sinh thái nơi đây.
Tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Đakrông ngày càng diễn biến phức tạp. Ảnh: Minh Tân
Huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) có 13 xã, thị trấn nằm dọc theo Quốc lộ 19 và Quốc lộ 14, có nhiều con sông lớn chảy qua, đặc biệt là sông Đakrông và sông Ba Lòng. Theo UBND huyện Đakrông, hàng năm vào mùa mưa nước từ các nơi đổ về làm mục nước trên các sông, suối dâng cao đột ngột, chảy xiết, tạo nên lũ quét, tình hình sạt lở bờ sông gây ra nhiều tổn thất lớn về cơ sở hạ tầng, đất ở, đất sản xuất, tác động rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.
Ngoài ra, cử tri ở một số xã phản ánh việc khai thác cát sỏi lòng sông Đakrông làm sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất của người dân. Đồng thời, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét đầu tư xây dựng hệ thống đê kè ven bờ sông để người dân yên tâm sinh sống, sản xuất.
Hiện tượng sạt lở bờ sông tại Đakrông diễn ra quanh năm, nhưng nghiêm trọng hơn vào mùa mưa lũ. Mực nước dâng cao kết hợp với dòng chảy xiết đã cuốn trôi nhiều diện tích đất canh tác, làm hư hỏng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, cầu cống, và nhà ở. Một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các xã Ba Lòng, Mò Ó, thị trấn Krông Klang.
Qua kiểm tra, rà soát, đánh giá và thống kê số liệu trong những năm trở lại đây hai bên bờ sông Đakrông và sông Ba Lòng có 4 điểm bị sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 2,8km.
Trong đó, tại thôn A Ngo, xã A Ngo, tình trạng sạt lở diễn ra hằng năm trong các mùa mưa từ năm 2012 đến nay. Chiều dài sạt lở được xác định khoảng 1km, rộng 30m dọc theo bờ sông Đakrông đoạn qua thôn A Ngo, gây mất hàng nghìn m2 đất sản xuất của người dân. Cũng trên đoạn sông Đakrông đi qua địa phận khóm làng Cát, thị trấn Krông Klang, sạt lở kéo dài 0,6km với chiều rộng 20m và sâu 5-10m ảnh hưởng đến 120ha đất sản xuất. Theo tính toán, mỗi năm dòng sông xâm thực làm mất 1,3ha.
Tương tự, trên sông Ba Lòng, đoạn qua thôn Khe Luồi (xã Mò Ó) và thôn 5 (xã Ba Lòng), tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra nghiêm trọng. Cả 2 đoạn này bị bờ sông xâm thực rộng 10-25m, độ sâu 5-15m, nguy cơ ảnh hưởng đến khoảng 70ha đất sản xuất của 2 thôn trên.
Theo ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện Đakrông, tình trạng sạt lở bờ sông do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, chủ yếu là tình trạng tác động lớn của thiên tai, đặc biệt mưa lũ hàng năm khiến dòng chảy mạnh, mực nước dâng lên đột ngột, tạo nên các đợt lũ quét làm xói mòn đất. Bên cạnh đó, hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan gây áp lực lên hệ thống sông ngòi cũng như một phần do hoạt động của con người.
Trong thời gian qua, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân mỗi khi mùa mưa lũ về. Huyện cũng lên kế hoạch sẵn sàng di dời người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Cùng với đó, được sự quan tâm của Trung ương và tỉnh đã hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống kè chống sạt lở nhằm hạn chế tình xâm thực, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân.
“Tuy nhiên, Đakrông là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng kè chống sạt lờ còn yếu. Vì vậy, huyện Đakrông rất cần sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới. Trước mắt, địa phương chủ động khắc phục khi vào mùa mưa lũ, đặc biệt là an toàn cho người. Còn đất đai, hoa màu, địa phương kiến nghị Nhà nước hỗ trợ làm kè chống sạt lở”, ông Thái Ngọc Châu cho biết thêm.
Trước phản ánh của cử tri, người dân về việc các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn là một trong những tác nhân gây ra sạt lở ngày càng diễn ra phức tạo hơn, Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết đã thành lập đoàn kiểm tra trước những thông tin trên. Đồng thời, huyện đã yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải tuân thủ thiết kế mỏ đã được các đơn vị chức năng thẩm định, phê duyệt, chỉ được khai thác đúng theo mốc giới đã quy định. Thực hiện các biện pháp khai thác theo đúng quy trình đánh giá tác động môi trường.
“Trước phản ánh của người dân, huyện sẽ tiến hành kiểm tra, nếu có mỏ nào chưa hợp lí, có nguy cơ sẽ có báo cáo gửi các sở, ngành chức năng điều chỉnh hợp lí nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân”, ông Thái Ngọc Châu khẳng định.
Tình trạng sạt lở không chỉ làm mất đi đất sản xuất mà còn đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Đặc biệt, nỗi lo lắng càng lớn hơn mỗi khi vào mùa mưa lũ. Tình trạng sạt lở bờ sông ở huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị là một thách thức lớn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, người dân và các đơn vị liên quan. Việc áp dụng các biện pháp kịp thời và hiệu quả không chỉ giúp bảo vệ đời sống, tài sản của người dân mà còn góp phần duy trì sự ổn định và phát triển bền vững cho địa phương này.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Với địa hình là khu vực miền núi có nhiều con sông lớn chảy qua, những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông ở huyện Đakrông đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến đời sống, tài sản của người dân và môi trường sinh thái nơi đây.
Minh Tân
10:00 16/12/2024(Thanh tra) - Ngày 15/12, 40 ngôi nhà khang trang đã chính thức được khánh thành và bàn giao đến người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, nơi đã phải chịu thảm họa lũ quét cách đây hơn ba tháng.
Nam Dũng
14:11 15/12/2024Vũ Linh
19:35 14/12/2024Bùi Bình
20:22 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Nguyễn Điểm
16:01 13/12/2024Trọng Tài
Vũ Linh
Uyên Uyên
Hương Trà
Kim Thành
Văn Thanh
Minh Tân
Ngọc Giàu
Diệu Anh - Tuệ Vân
Văn Thanh
Ngọc Giàu
T.Lương