Theo dõi Báo Thanh tra trên
Ngọc Giàu
Thứ bảy, 04/05/2024 - 08:28
(Thanh tra) - Bô xít chiếm 1/3 diện tích tự nhiên và trải dài trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Do đó, địa phương này đang có những khó khăn cần Trung ương tháo gỡ liên quan đến quy hoạch, khai thác bô xít để tạo động lực cho địa phương “cất cánh”.
Trung ương cần tháo gỡ những vấn đề liên quan đến quy hoạch, khai thác bô xít để tạo động lực cho Đắk Nông “cất cánh”. Ảnh: Ngô Minh Phương
Xin giao lại đất hoàn thổ
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, việc khai thác, chế biến bô xít đang gặp khó khăn do vướng giải phóng mặt bằng. Lý do, hiện nay địa phương chưa có quỹ đất để xây dựng các khu tái định cư (TĐC), để giao cho người dân thuộc diện di dời phục vụ dự án. Việc thiếu quỹ đất làm khu TĐC là do vướng quy hoạch bô xít, nên 5 dự án xây dựng khu TĐC đang nằm “trên giấy’.
Trong khi đó, hiện nay công tác đóng cửa mỏ từng phần để trả lại địa phương bố trí đất TĐC đang còn chậm do phương án cải tạo phục hồi môi trường được phê duyệt là trồng keo. Khi cây keo phát triển thành rừng mới đủ điều kiện trả lại đất; đồng thời thủ tục thay đổi phương án cải tạo phục hồi môi trường khá phức tạp.
Do đó, UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ TN&MT quan tâm, xem xét sớm phê duyệt đề án đóng cửa mỏ từng phần, cho phép Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) trả lại giấy phép khai thác một phần cho tỉnh (khoảng 70 ha) để phát triển kinh tế - xã hội (trong đó có đầu tư xây dựng các khu tái định cư tại các khu vực đất đã hoàn thổ mà tỉnh đã đề xuất trước đó.
Chia sẻ với PV Báo Thanh tra, một lãnh đạo Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV chia sẻ tình hình khai thác, chế biến bô xít đang gặp khó vì vướng giải phóng mặt bằng. Cụ thể, trong quý I/2024, sản lượng quặng khai thác của công ty thực hiện được 557.000 tấn, đạt 13,2% kế hoạch năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu do công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến không đủ diện tích cấp cho khai thác ảnh hưởng đến nguyên liệu đầu vào không đáp ứng đủ cung cấp cho nhà máy sản xuất alumin.
Lãnh đạo Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV chia sẻ, từ năm 2020 đến nay, công ty gặp khó khăn trong việc khai thác, chế biến bô xít. Có thời điểm, công ty bị thiếu nguyên liệu cho sản xuất. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhà máy.
Phía Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV cho biết thêm, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Công ty Nhôm Đắk Nông đã hoàn thiện đề án Đóng cửa mỏ một phần diện tích khai thác khoáng sản tại các xã Đắk Wer và Nghĩa Thắng, mỏ bô xít Nhân Cơ tỉnh Đắk Nông để trả lại đất cho địa phương phục vụ phát triển kinh tế xã hội với diện tích 130ha theo ý kiến của Hội đồng thẩm định họp ngày 8/4/2024. Trong thời gian tới, công ty tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, bộ, ngành có liên quan để sớm trình Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phê duyệt đề án, quyết định đóng cửa mỏ.
Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, khi địa phương được giao lại đất hoàn thổ (đất đã khai thác xong bô xít), sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề, nhất là nguồn quỹ đất TĐC cho người dân. Phía tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Trung ương về vấn đề này và mong sớm được giải quyết dứt điểm.
Gỡ khó mỏ vật liệu thông thường
Không chỉ khai thác, chế biến bô xít bị vướng mắc mà hàng nghìn dự án phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Đắk Nông cũng gặp khó, phải ngưng trệ. Ngoài nguyên nhân vướng quy hoạch thăm dò bô xít, nhiều dự án bị chậm tiến độ vì không có mỏ vật liệu. Theo UBND tỉnh Đắk Nông, do diện tích quy hoạch bô xít quá rộng, hàng ngàn km nên luôn tồn tại xen kẽ là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, đá, sỏi, đất san lắp).
Tại Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 31/12/2023, tổng số mỏ vật liệu xây dựng là 232 mỏ, trong đó có 83 mỏ vật liệu xây dựng thông thường và đất làm vật liệu san lấp nằm xen lẫn trong quy hoạch bô xít. Nếu không tiến hành khai thác tại mỏ này sẽ dẫn đến gia tăng chi phí đầu tư xây dựng do thiếu hụt nguyên vật liệu tại chỗ.
Cụ thể, đối với việc khai thác đất làm vật liệu san lấp phục vụ dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sắp tới, theo tính toán sơ bộ của các đơn vị chuyên ngành, nếu sử dụng mỏ nằm trong khu vực quy hoạch bô xít, nhưng không nằm trong thân quặng thì tiết kiệm chi phí vận chuyển hơn 249 tỷ đồng so với sử dụng đất đắp từ các mỏ ngoài quy hoạch bô xít; và nếu sử dụng các mỏ nằm trong khu vực thân quặng có thể tiết kiệm chi phí vận chuyển hơn 439 tỷ đồng.
Do đó, để đảm bảo không thiếu hụt nguồn nguyên liệu khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng, UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị Bộ TN&MT đồng ý cho tỉnh được tổ chức thực hiện việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít và đề nghị Bộ TN&MT hướng dẫn giải pháp phát hiện, thu hồi và bảo vệ bô xít trong khu vực mỏ.
Riêng đối với dự án đường Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị Bộ TN&MT cho phép đưa vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ cho dự án đối với các mỏ đất đắp nằm trong phạm vi quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít, bao gồm cả các mỏ nằm ngoài và trên thân quặng nhằm tránh lãng phí chi phí vận chuyển đất đắp.
Trước những khó khăn, vướng mắc của tỉnh Đắk Nông liên quan đến vấn đề bô xít, tại cuộc làm việc mới đây, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh chia sẻ rất hiểu nỗi khổ của địa phương. Bộ trưởng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn làm việc với tỉnh để tập hợp nội dung báo cáo Trung ương xem xét, tháo gỡ. Vấn đề cấp bách nhất mà bộ này đang tập trung là đóng của mỏ bô xít đã khai thác xong để giao về địa phương bố trí làm quỹ đất TĐC, triển khai các dự án phát triển kinh tế…
Cho rằng những quy hoạch này đang gây lãng phí cơ hội đầu tư cho hàng nghìn dự án khác của tỉnh và là rào cản rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Đắk Nông đã nhiều lần kiến nghị các bộ, ngành Trung ương liên quan sớm có những phương án tháo gỡ những vướng mắc này. Hy vọng rằng, với sự cầu thị và quyết tâm của chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Nông, cùng với sự quan tâm của các bộ ngành Trung ương sẽ sớm tìm được "lời giải" nhằm tháo gỡ những vấn đề liên quan đến quy hoạch, khai thác bô xít để tạo động lực cho Đắk Nông “cất cánh”.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn vừa ký văn bản yêu cầu các sở, ngành đẩy nhanh tốc độ chuẩn bị các bước tiếp theo để trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho dự án xử lý chất thải tập trung cấp vùng tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân trước ngày 30/12/2024.
Văn Thanh
12:45 22/11/2024(Thanh tra) - Chiều 21/11, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 11/2024 nghe và cho ý kiến vào báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2025 và một số nội dung quan trọng khác. Trong đó, nổi lên việc thu ngân sách Nhà nước của tỉnh năm 2024 đạt hơn 50.000 tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ, nằm trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước.
Văn Thanh
12:43 22/11/2024Bùi Bình
21:53 20/11/2024Hương Giang
20:39 20/11/2024Thành Nam
18:43 20/11/2024Nhật Minh
N. Phê - L. Bình
Trần Quý
Thái Hải
Văn Thanh
Văn Thanh
Văn Thanh
Trần Quý
Vũ Linh
Phương Anh
Phương Hiếu