Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 1: Ngồi trên “mỏ vàng” nhưng không được quyết

Ngọc Giàu

Thứ tư, 01/05/2024 - 16:08

(Thanh tra) - Theo quy hoạch của Trung ương, Đắk Nông là tỉnh có trữ lượng bô xít đứng đầu cả nước. Đây là tài nguyên quốc gia, có giá trị cao, được kỳ vọng là động lực đưa tỉnh này phát triển vượt bậc.

Đắk Nông ngồi trên “mỏ vàng” nhưng không được quyết. Ảnh: Khương Trung

Đắk Nông được ví như “mỏ vàng” quặng bô xít khi 1/3 diện tích tỉnh này nằm trong quy hoạch bô xít. Đây là tài nguyên quốc gia nên việc quy hoạch, khai thác đều thuộc thẩm quyền của Trung ương. Những năm qua, việc khai thác “mỏ vàng” này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, Đắk Nông đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được tháo gỡ dứt điểm. Chưa kể, vướng mắc trong quy hoạch bô xít kéo theo hàng loạt vấn đề khác như chồng lấn quy hoạch, phân bố quỹ đất đầu tư các dự án khác…

Tiềm năng lớn

Theo quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 866 ngày 18/7/2023 (Quyết định 866), Đắk Nông có tổng trữ lượng quặng bô xít hơn 1,784 tỷ tấn (chiếm hơn 57% trữ lượng).

Đắk Nông có tổng trữ lượng quặng bô xít hơn 1,784 tỷ tấn. Ảnh: TKV

Diện tích bô xít được quy hoạch thăm dò, khai thác của Đắk Nông trong thời kỳ này là 179.597ha, chiếm 27% diện tích tự nhiên của tỉnh và rộng nhất cả nước. Quặng bô xít ở Đắk Nông trải rộng trên hầu hết diện tích tự nhiên của tỉnh, tập trung chủ yếu ở 5 địa bàn: TP Gia Nghĩa, Đắk G’long, Đắk R’lấp, Tuy Đức và Đắk Song. Bô xít ở Đắk Nông được đánh giá có chất lượng cao hơn bô xít ở các địa phương khác. Hàm lượng bô xít nhôm đạt gần 40%.

Theo quy hoạch được thể hiện trong Quyết định 866, Trung ương định hướng việc thăm dò, khai thác khoáng sản bô xít, sản xuất alumin, nhôm kim loại phải đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, cung cấp điện, nước, đảm bảo về môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Đặc biệt, đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ sinh thái. Phía tỉnh Đắk Nông cũng xác định tài nguyên bô xít có vai trò vô cùng quan trọng, là động lực để tỉnh này “cất cánh”.

Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Ðắk Nông khóa XII nhiệm kỳ 2020-2025, Đắk Nông đã xác định ba trụ cột tăng trưởng và ba đột phá chiến lược để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo động lực phát triển.

Cụ thể, tỉnh Đắk Nông xác định ba trụ cột của nền kinh tế, trong đó có phát triển công nghiệp bô xít-alumin-nhôm. Tại Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh này đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của quốc gia; đến năm 2050 là trung tâm về công nghiệp nhôm và sau nhôm của quốc gia…

Hồi tháng 3/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đến Đắk Nông dự Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2024. Tại đây, Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh mặc dù tỉnh Đắk Nông đang có nhiều khó khăn nhưng vẫn có những điểm sáng và lợi thế riêng, hoàn toàn có thể tập trung vào phát triển công nghiệp dựa trên lợi thế về tài nguyên bô xít.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý Đắk Nông trong quá trình thực hiện quy hoạch tỉnh phải quán triệt 4 nguyên tắc “tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu”. Phó Thủ tướng cũng ủng hộ Đắk Nông cấp chủ trương cho các dự án khai thác bô xít theo hướng tuần hoàn, tức cho ra sản phẩm alumin, nhôm và phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao, phát triển du lịch.

Nhiều “ông lớn” quan tâm đến bô xít

Theo quy hoạch trong Quyết định 866 đến năm 2030, sẽ nâng công suất Nhà máy Alumin Nhân Cơ lên khoảng 2 triệu tấn/năm; đầu tư mới 4 dự án sản xuất alumin tại Đắk Nông, với công suất tối thiểu 1.000.000 tấn alumin/năm trở lên.

Về sản xuất nhôm kim loại, từ nay đến 2030 sẽ hoàn thành thí điểm Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông với công suất từ 300.000 tấn nhôm thỏi/năm, mở rộng 450.000 tấn nhôm thỏi/năm. Đầu tư mới các dự án sản xuất nhôm kim loại tại Đắk Nông.

Tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của quốc gia. Ảnh: STTTT

Hiện nay, UBND tỉnh Đắk Nông đã công bố 12 mỏ bô xít là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia với tổng diện tích 354,17 km2. Đến nay mới có 1 mỏ bô xít đã được thăm dò, phê duyệt trữ lượng được cấp phép khai thác, do Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) khai thác.

Trung bình mỗi năm chỉ khai thác khoảng 100ha để cung cấp quặng bô xít cho Nhà máy Alumin Nhân Cơ (công suất 650.000 tấn alumin/năm). Theo tính toán sơ bộ, nếu chỉ cung cấp quặng cho Nhà máy Alumin Nhân Cơ hoạt động thì phải mất gần 400 năm nữa mới khai thác, chế biến hết trữ lượng bô xít của tỉnh Đắk Nông.

Do đó, để khai thác nhanh, bền vững tài nguyên khoáng sản này, thời gian qua, nhiều “ông lớn” đã đến Đắk Nông nghiên cứu, khảo sát đầu tư; trong đó có Tập đoàn TH hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào tỉnh Đắk Nông.

Riêng phía TKV đã hoàn thành xây dựng Đề án “Phát triển tổng thể lĩnh vực bô xít - alumin - nhôm của TKV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo nội dung đề án, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, TKV sẽ tập trung đầu tư mở rộng nâng công suất Tổ hợp Alumin Nhân Cơ lên khoảng 2 triệu tấn Alumin/năm; đầu tư mới Tổ hợp Bô xít-Alumin-Nhôm Đắk Nông 2 có công suất 2 triệu tấn alumin/năm và 0,5-1 triệu tấn Nhôm/năm.

Theo đó, TKV sẽ thực hiện 2 đề án thăm dò và 5 dự án Bô xít-Alumin-Nhôm với tổng mức đầu tư dự kiến trên 182 nghìn tỷ đồng, trong đó, ưu tiên thực hiện Dự án Nhà máy Điện phân Nhôm Đắk Nông 2 ngay trong năm 2024, phấn đấu hoàn thành trong năm 2030, để nâng cao giá trị chế biến sâu, góp phần xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia.

Việc các nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu để khảo sát, đầu tư khảo sát bô xít, chế biến alumin… rất được tỉnh Đắk Nông quan tâm. Thế nhưng, hiện nay việc khai thác bô xít đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do quy hoạch. Cũng vì vướng quy hoạch bô xít nên hàng loạt dự án phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế ở Đắk Nông đang phải tạm dừng. Thời gian qua, Đắk Nông đã kiến nghị trung ương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm