Theo dõi Báo Thanh tra trên
Ngọc Giàu
Thứ tư, 01/05/2024 - 22:07
(Thanh tra) - Đắk Nông đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của quốc gia. Thế nhưng kịch bản phát triển kinh tế của tỉnh này đang đối mặt với nhiều khó khăn do vướng quy hoạch bô xít.
Đắk Nông có nguy cơ bị vỡ kịch bản phát triển kinh tế vì vướng quy hoạch bô xít. Ảnh: TKV
Hàng trăm dự án vướng bô xít
Trao đổi với PV Báo Thanh tra, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, trên địa bàn tỉnh có 425 dự án đầu tư công gặp vướng mắc về bô xít. Trong đó có 37 dự án đầu tư trung hạn giai đoạn 2021- 2025 với tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng.
Vị lãnh đạo nói thêm, theo quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 2 Quyết định số 866 (quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/7/2023, gọi tắt Quyết định 866), các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật vì lợi ích quốc gia, công cộng theo Điều 62 Luật Đất đai trên khu vực có khoáng sản được phép thực hiện theo nguyên tắc phải thu hồi, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tuân thủ quy định tại Luật Khoáng sản, Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng khó khả thi, không hiệu quả.
Vị lãnh đạo này dẫn chứng, tại dự án Tỉnh lộ 2 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư, với khoảng cách từ dự án về Nhà máy Alumin Nhân Cơ khoảng 60 km và tổng nhu cầu san lấp đất nội bộ trong công trình 74.000m, thì phát sinh 40,33 tỷ đồng để vận chuyển quặng nguyên khai về nhà máy; nhưng giá trị quặng tinh thu về chỉ ước khoảng 16 tỷ đồng (trong trường hợp lý tưởng toàn bộ đất san gạt điều phối nội trong phạm vi dự án đều có hàm lượng quặng bô xít có độ thu hồi 33%).
Thêm vào đó, chủ đầu tư phải bỏ ra 3,6 tỷ đồng mua 74.000m3 đất san lấp để bù đắp vào lượng quặng nguyên khai đã thu hồi đưa về nhà máy. Số liệu tính toán sơ bộ trên cho thấy việc thu hồi bô xít không mang lại hiệu quả về mặt kinh tế. Trường hợp bảo vệ sẽ gặp khó khăn, phát sinh dự toán để chi cho công tác vận chuyển, công tác bảo quản, bố trí và giải phóng mặt bằng khu vực chịu quặng.
Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông cho hay, đơn vị đang làm chủ đầu tư nhiều dự án đầu tư công, công trình trọng điểm như: Đường Tỉnh lộ 2; đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê; cải tạo, nâng cấp cục bộ Tỉnh lộ 5… Tuy nhiên, các dự án phải dừng lại vì chưa có hướng tháo gỡ trong việc xác định thẩm quyền cấp phép, giải pháp thu hồi, bảo vệ, phương án tính tiền cấp quyền đối với bô xít có thể có trong khu vực khai thác đất làm vật liệu san lấp.
Ít không gian phát triển
Bô xít chiếm 1/3 diện tích tự nhiên Đắk Nông. Nhiều địa phương còn rất ít không gian phát triển vì không vướng quy hoạch cũng nằm trong khu vực thăm dò bô xít. Huyện Đắk R’lấp có khoảng 2/3 diện tích tự nhiên vào quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít. Đây là địa phương duy nhất đến thời điểm này của tỉnh Đắk Nông được khai mở “kho báu” bô xít. Nhờ khai thác bô xít, những năm qua địa phương phát triển rất mạnh trên mọi lĩnh vực.
Tuy nhiên, Đắk R’lấp không chỉ có bô xít mà còn nhiều tiềm năng khác khi địa phương này là cửa ngõ của Tây Nguyên nối với các tỉnh phía Nam theo Quốc lộ 14, nơi tiếp giáp giữa Tây Nguyên và Nam bộ.
Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Đắk R’lấp quyết tâm đặt mục tiêu trở thành thị xã trước năm 2025. Song mục tiêu này đang gặp không ít khó khăn vì vướng quy hoạch bô xít.
Ông Phan Anh Tuấn - Bí thư Huyện ủy Đắk R’lấp cho biết, toàn huyện có trên 63.000 héc-ta đất tự nhiên, trong đó 40.000 héc-ta vào quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít. Nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội của huyện bị vướng quy hoạch.
Ngay cả dự án trọng điểm như cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành (đi qua địa phận huyện khoảng 28,5km) và 5 dự án khu tái định cư cho người dân thuộc dự án khai thác bô xít cũng bị vướng quy hoạch bô xít. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc kêu gọi đầu tư và mục tiêu phấn đấu lên thị xã của huyện Đắk R’lấp.
Theo quy hoạch tỉnh vừa được công bố, mục tiêu đến năm 2030, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên; hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ; là cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương giữa vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ; trung tâm công nghiệp bô xít -alumin-nhôm của quốc gia, năng lượng tái tạo của vùng; phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị thị trường; phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Theo quy hoạch trên, Đắk Nông cần tạo ra các không gian phát triển mới, tạo ra nhiều dư địa tăng trưởng mới nhằm thu hút đầu tư các dự án lớn, trọng điểm, lan toả trong thời kỳ mới. Song khi áp dụng các quy hoạch của Trung ương, trong đó có quy hoạch thuộc Quyết định 866, Đắk Nông hết dư địa về không gian, dư địa chỉ tiêu sử dụng đất để phân bổ cho các phương án phát triển kinh tế mới; bị chồng lấn các phương án phát triển quan trọng trong khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản bô xít.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Làm rõ băn khoăn về lo ngại đưa phân bón chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% sẽ khiến tăng giá, ĐBQH và các chuyên gia đã có những phân tích cụ thể.
(Thanh tra) - Chiều 20/11, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố để đánh giá tình hình phân bổ và giải ngân kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão số 3, đồng thời dự kiến nguồn kinh phí hỗ trợ từ Mặt trận Tổ quốc. Hội nghị do ông Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ngành và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.
Bùi Bình
21:53 20/11/2024Hương Giang
20:39 20/11/2024Thành Nam
18:43 20/11/2024Uyên Phương
11:48 20/11/2024Nam Dũng
07:30 20/11/2024Công Thắng - Bạch Vân
Kim Thành
Phương Anh
Thái Hải
Trần Quý
Nam Dũng
Lê Phương
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Trần Kiên