Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hơn 54% mẫu nước đá tại TP. Hồ Chí Minh không đảm bảo vệ sinh

Thứ tư, 22/07/2015 - 18:11

Hơn 54% các mẫu xét nghiệm nước đá ngẫu nhiên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, dẫn đến nhiều nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Hữu Oai/TTXVN)

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo An toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nước đá, do Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 22/7.

Hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 193 cơ sở sản xuất nước đá; trong đó có 79 cơ sở sản xuất sử dụng nguồn nước máy, 114 cơ sở sử dụng nước giếng khoan.

Theo Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, trong số các cơ sở sử dụng nước giếng khoan để sản xuất nước đá, có hơn 56% các cơ sở không thực hiện xét nghiệm các chỉ tiêu theo quy chuẩn.

Trong sáu tháng đầu năm 2015, nhiều cơ sở chưa chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nước đá như không thực hiện công bố hợp quy sản phẩm (35,8%), không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc hết hiệu lực (25,6%).

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, cho biết Chi cục và các cơ sở đã thực hiện nhiều xét nghiệm các mẫu nước đá trên địa bàn. Trong số đó, các mẫu do cơ sở tự xét nghiệm và các quận huyện thực hiện đều đạt chỉ tiêu, nhưng các mẫu do Chi cục thực hiện thì có tới 54,5% mẫu bị nhiễm khuẩn, không đạt chỉ tiêu. Toàn bộ các cơ sở có kết quả xét nghiệm không đạt đã được chuyển sang Thanh tra Sở Y tế xử lý.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu ra nhiều ý kiến nhằm thực hiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nước đá; trao đổi những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở trong thực hiện quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nhiều cơ sở đã thực hiện đóng gói nước đá tự động và sử dụng bao bì PE thay cho bao bì PP nên đã có giải pháp về công nghệ để đảm bảo vệ sinh. Theo các đại biểu, việc đầu tư dây chuyền đóng gói tự động tuy có vốn đầu tư lớn, nhưng hiệu quả mang lại cao, giảm số lượng nhân công làm việc trực tiếp và giảm nguy cơ nước đá bị nhiễm bẩn. Tuy nhiên, do giá thành cao hơn nên các cơ sở đầu tư công nghệ gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường.

Bà Dương Thị Thu Dung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất-Thương mại Hồng Phúc, cho rằng quan trọng nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm, làm sao để khách hàng chấp nhận mua nước đá bao bì PE với giá đắt hơn nhưng an toàn hơn. Để an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, các cơ quan quản lý cần có lộ trình cụ thể về chuyển đổi bao bì từ PP sang PE để các nhà máy sản xuất nước đá chấp hành đúng theo quy định. Đồng thời, tăng cường truyền thông cho người dân về tác hại của việc sử dụng các loại nước đá không hợp vệ sinh trên thị trường hiện nay.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay có đến 80% bệnh tật ở các quốc gia đang phát triển có liên quan đến nguồn nước và môi trường. Ở Việt Nam, mỗi năm có đến 9.000 trường hợp tử vong, 200.000 người mắc bệnh ung thư có nguyên nhân liên quan từ ô nhiễm nguồn nước./.

Theo Võ Tiến Lực/TTXVN

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm