Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề phòng ngập lụt, úng, thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng của bão TRAMI

Hoàng Nam

Thứ sáu, 25/10/2024 - 15:46

(Thanh tra) - Ngày 25/10/2024, Cục Thủy lợi, và Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn liên tiếp phát đi công điện gửi các sở, ngành, địa phương về việc đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều, đề phòng ngập lụt, úng, thiếu nước sinh hoạt do mưa lớn ảnh hưởng của bão TRAMI.

Bảo đảm an toàn, vận hành công trình thủy lợi tiêu nước

Theo đó, Cục trưởng Cục Thủy lợi đã phát đi Công điện hỏa tốc số 13/CĐ-TL-ATĐ điện cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên; Chủ tịch, Giám đốc các công ty khai thác công trình thủy lợi các tỉnh, thành phố; Giám đốc Ban Quản lý dự án các tỉnh, thành phố đang quản lý các dự án sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi trong vùng ảnh hưởng; Giám đốc các Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 3, 4, 5;  Lãnh đạo các đơn vị cấp nước sạch khu vực nông thôn, đề nghị các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các nội dung sau: 

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo của cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn, các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để thực hiện phương án bảo đảm an toàn, vận hành công trình thủy lợi tiêu nước phục vụ chống úng, ngập; thực hiện kiểm tra, rà soát, đánh giá khả năng hệ thống cấp nước sẽ bị ảnh hưởng, có phương án đảm bảo cung cấp nước cho người dân. 

Rà soát, khoanh vùng cụ thể diện tích cây trồng có nguy cơ bị ngập lụt, úng để có phương án tiêu úng cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình tiêu úng. 

Chỉ đạo các đơn vị cấp nước thực hiện kiểm tra, rà soát, đánh giá mức độ và khả năng ngập, lụt ảnh hưởng đến vận hành công trình, nhất là hệ thống xử lý, máy bơm... có phương án khắc phục kịp thời đảm bảo an toàn cấp nước sinh hoạt; tăng cường cấp nước và thông báo đến các hộ sử dụng nước chủ động tích trữ đủ nước sạch để sử dụng phòng trường hợp xảy ra sự cố công trình, ngập, lụt trên diện rộng; tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các giải pháp trữ thu, trữ, xử lý nước và sử dụng nước sạch tiết kiệm, an toàn. Phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch, phương án cung ứng nước sạch, trang thiết bị trữ nước, xử lý nước, hóa chất xử lý nước cho các khu vực sơ tán, các hộ gia đình tại những khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng. 

Xác định công trình trọng điểm, nguy cơ xảy ra sự cố khi có mưa lớn để chủ động triển khai phương án ứng phó với mưa lớn, bảo đảm an toàn công trình; đặc biệt quan tâm an toàn các hồ thủy lợi đang thi công, hồ thủy lợi xung yếu; đối với hồ thủy lợi xung yếu, không đảm bảo an toàn cần xem xét tích nước hạn chế hoặc không tích nước. 

Thực hiện vận hành các hồ chứa nước theo quy trình vận hành được phê duyệt. Đối với các hồ chứa có cửa van xả lũ, căn cứ vào tình hình dự báo mưa để thực hiện điều chỉnh mực nước hồ nhằm chủ động đón lũ, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và không xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du đồng thời tích nước đảm bảo phục vụ sản xuất. Thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố. 

Tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ; bố trí đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện tại công trình có nguy cơ xảy ra sự cố để kịp thời ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp xảy ra theo phương châm “bốn tại chỗ”; kịp thời xử lý tình huống theo phương châm “bốn tại chỗ”. 

Thường xuyên báo cáo tình hình an toàn công trình thủy lợi, sự cố công trình và vận hành công trình thủy lợi phòng, chống ngập lụt, úng về bộ phận thường trực bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và phòng, chống ngập lụt, úng, thiếu nước sinh hoạt của Cục Thuỷ lợi. 

Chủ động các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu

Trong cùng ngày, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng ban hành Văn bản số 1142/ĐĐ-QLĐĐ gửi các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh gửi các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Yên về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều ứng phó bão số 6 (TRAMI).

Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ và các Công điện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai ứng phó với bão số 6.

Kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu; khẩn trương gia cố các vị trí đê điều đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đê, kè đang thi công dở dang (như đê Tây phá Cầu Hai, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; kè chống xói lở bờ biển xóm Rớ và kè chống sạt lở, bồi lấp cửa biển Đà Diễn, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Bố trí sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão và tình hình hệ thống đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai để phối hợp chỉ đạo.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm