Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bữa cơm đầy ruồi, nhặng

Thứ tư, 10/06/2015 - 06:43

(Thanh tra)- Theo đơn phản ánh của hàng chục hộ dân tại thôn An Sơn, xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây: Vào năm 2002, thị xã Sơn Tây tiến hành xây dựng mở rộng khu xử lý rác thải liền kề nơi các hộ dân sinh sống. Đến năm 2004, khu xử lý rác thải chính thức đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, các hộ dân luôn phải sống trong môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng do ảnh hưởng từ khu xử lý rác thải.

Người dân đang phải sống trong cảnh ô nhiễm và ruồi muỗi trước việc làm thiếu trách nhiệm của chính quyền thị xã Sơn Tây. Ảnh: Nam Dũng

Do lượng rác ngày càng nhiều nên thị xã Sơn Tây đã tiến hành mở rộng khu vực xử lý rác thải, số lượng mỗi ngày một tăng lên. Từ 2 lò đốt ban đầu, nay tăng lên thành 5 lò đốt hoạt động liên tục ống khói của khu đốt xả mùi khét gây ô nhiễm không khí làm thiệt hại về vật chất, tinh thần, gây tổn hại sức khỏe, đe dọa đến tính mạng của người dân do phải hứng chịu từ nguồn ô nhiễm.
 
Để thực hiện việc mở rộng khu xử lý rác thải này, từ năm 2010, UBND thị xã Sơn Tây đã tiến hành làm thủ tục thu hồi nhà đất đối với các hộ dân đang quản lý sử dụng liền kề bãi rác.
 
Khi tiến hành thu hồi đất của người dân, UBND thị xã Sơn Tây đã không xác định đúng nguồn gốc đất mà người dân đang sử dụng dẫn đến tình trạng không đền bù mà chỉ hỗ trợ giá đất nông nghiệp theo diện các hộ này sử dụng đất có nguồn gốc là mượn của UBND xã Xuân Sơn.
 
Nguồn gốc đất đai ở đây đã được các hộ dân sử dụng ổn định và không có tranh chấp từ những năm 1973 -1974, trong đó có hộ sử dụng từ năm 1960 gần thời điểm khi Trung tâm Phòng, chống lao được thành lập (1957) tại đây.
 
Trước việc làm đó của UBND thị xã Sơn Tây, các hộ dân đã liên tục khiếu nại các quyết định thu hồi và bồi thường, hỗ trợ của cơ quan này.

Tuy nhiên, câu trả lời của phía UBND thị xã Sơn Tây vẫn không có gì thay đổi so với các quyết định ban đầu. Cực chẳng đã từ năm 2011, các hộ dân đã đồng loạt gửi đơn kiện UBND thị xã Sơn Tây ra Tòa án vì những quyết định sai trái này.
 
Tại 2 cấp tòa, sơ thẩm cũng như phúc thẩm, UBND thị xã Sơn Tây đã bị thua và buộc phải hủy và hủy một phần các quyết định đã ban hành về việc thu hồi đất của người dân thôn An Sơn, xã Xuân Sơn.
 
Kể từ khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật đã gần 1 năm (6/2014) nhưng UBND thị xã Sơn Tây vẫn chưa thấy có động thái thực thi bán án theo quy định của pháp luật. Điều này đồng nghĩa với việc các hộ dân tiếp tục phải sống trong môi trường ô nhiễm từng ngày, từng giờ bị xâm phạm nghiêm trọng đến đời sống sức khỏe và tính mạng
 
Những hộ dân tại đây đã có nhiều đơn đề nghị UBND thị xã Sơn Tây nghiêm túc thực hiện các quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật liên quan đến việc bồi thường,
 
Liên quan đến vấn đề thi hành những bản án phúc thẩm đã có hiệu lực của TAND Hà Nội, ông Đỗ Thế Quang - Chi cục Trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Sơn Tây cho biết, đã nhận được đơn của những hộ dân từ tháng 1/2015 nhưng đó chỉ là “Đơn kiến nghị” nên chưa xem xét. Nếu người dân có đơn đúng thể thức phải là “Đơn đề nghị đôn đốc thi hành án” và “giấy tờ hồ sơ đầy đủ có dấu đỏ hoặc công chứng thì chúng tôi sẽ làm”!
 
Để làm rõ vấn đề PV Báo Thanh tra đã nhiều lần đến UBND thị xã Sơn Tây liên hệ và đặt lịch làm việc nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.
 
Trưa ngày 26 và 31/5, PV Báo Thanh tra đã về nơi những người dân sinh sống cạnh nhà máy xử lý rác thải Xuân Sơn thì thấy có mùi hôi thối bốc nồng nặc rất khó chịu và cảnh ô nhiễm môi trường trầm trọng tại đây.
 
Được biết, bãi rác Xuân Sơn được xây dựng từ năm 1998 tới nay, qua quá trình vận hành đã nhiều lần rò rỉ nước ô nhiễm nghiêm trọng tới môi trường xung quanh. Ông Hoàng Ngọc Ân (SN 1944, cư trú tại thôn An Sơn) cho biết: “Từ ngày có nhà máy xử lý rác thảingười dân chúng tôi sống dở, chết dở, nhà máy xử lý rác thải Xuân Sơn đã vài lần vỡ ống ngầm, một lần xả nước thải khiến lúa cấy lại 3 lần vẫn chết, cá chết nổi trắng làm cuộc sống người dân khổ cực lắm. Chúng tôi đã làm đơn đề nghị phải di dời dân ra khỏi khu vực ô nhiễm mà tới nay vẫn chưa có hồi đáp, mong rằng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để cứu lấy cuộc sống cho chúng tôi”.
 
Người dân nơi đây đã tìm đủ mọi cách để hạn chế ngửi mùi khói độc từ nhà máy xả ra bằng việc bịt kín tất cả lỗ thoáng trong nhà bằng nilon, chăng bạt phủ kín trước cửa ra vào, thậm chí bịt cả khẩu trang khi ngủ. Song tất cả việc làm đó cũng không cải thiện được bao nhiêu vì về đêm lượng rác đốt của nhà máy càng nhiều.
 
“Tôi già rồi không sống được lâu chỉ thương cho mấycháu nhỏ đang sống cùng, ngày ngày hít phải khói độc. Nhà tôi đã dùng nilon bịt kín hết, có lúc về mùa đông tôi còn phải bịt cả khẩu trang đi ngủ vì cổ họng tôi yếu. Còn mùa hè thì rác họ chở về bãi rác, ruồi nhặng nhiều mặc dù có phun thuốc diệt ruồi muỗi nhưng cũng không ăn thua. Đến bữa ăn mùa hè, ruồi bu kín hết mâm chúng tôi phải vừa ăn vừa khua ruồi thậm chí là còn mắc màn ăn cơm” - ông Ân cho hay.
 
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Theo Điều 243, Điều 244, Điều 245 Luật Tố tụng hành chính và Khoản 1, 2, Điều 247 Luật Thi hành án đã quy định chi tiết: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa thì tùy vào từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Nam Dũng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm