Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Báo chí và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường

Thứ bảy, 30/11/2013 - 09:21

(Thanh tra) - Tọa đàm “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (DN) trong công tác bảo vệ môi trường” do Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Cơ quan Đại diện Cục Báo chí tại TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức vào cuối tháng 11.

Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí, Bộ Văn hóa và Thông tin Bùi Huy Lan đang chia sẻ những thông tin về BVMT.

Bắt đầu buổi Tọa đàm, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh Đào Văn Lừng đặt thẳng vấn đề: “Đừng để hội nhập kinh tế quốc tế mà biến Việt Nam thành “bãi rác” của thế giới”. Và ông cũng đặt vấn đề về trách nhiệm xã hội của DN trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT).

Theo báo cáo, từ năm 2012 đến tháng 10/2013, Thanh tra Bộ TN&MT đã tiến hành 31 cuộc thanh tra, kiểm tra về BVMT đối với 669 tổ chức. Kết quả cho thấy nhiều DN vi phạm quy định về chôn hóa chất độc hại, xả chất thải vượt quy chuẩn. Không ít DN đã nhiều lần bị xử phạt vẫn cố tình vi phạm. Những vụ việc vi phạm trên có nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng.

Điều này cũng được Cục Trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Văn Quyền khẳng định, từ năm 2002 đến nay, cơ quan chức năng gần như buông lỏng quản lý trong công tác này. Phải chăng vì coi trọng phát triển kinh tế đã tạo điều kiện cho nhiều DN gây những tác động xấu đến vậy. Điển hình nhất là sự nhùng nhằn trong chính sách cho nhập công nghệ cũ để tạo việc làm cho người lao động, nhưng cũng sẽ là một hệ lụy tiêu cực cho môi trường. Có ý kiến cho rằng, hiện chúng ta đang làm công tác dọn rác cho Đài Loan và tới đây có thể là Bắc Kinh. Đây cũng là nhận thức cần thay đổi của DN trong công tác BVMT. Tuy nhiên, thống kê hàng năm cho thấy, Nhà nước dùng 1/5 ngân sách cho DN vay hỗ trợ xử lý và BVMT, nhưng phần lớn họ không chịu vay vì cho rằng, thủ tục vay gây phiền toái.

Qua số liệu của Thanh tra Chính phủ và WB cũng cho thấy, nếu hành vi của công chức hư hỏng với hối lộ 3 phần thì DN chủ động đến 7 phần. Như vậy, quốc nạn đến từ 2 phía. Nhiều DN cấu kết với chính quyền và công chức tiêu cực hình thành các “nhóm lợi ích thân hữu” để phá rừng, xả chất độc hại, kinh doanh làm ô nhiễm môi trường… nhằm kiếm lợi bất chính. 

Trong 5 năm công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm về môi trường của Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về Môi trường (C49), có khoảng 7.000 - 8.000 vụ phá rừng và hơn 1.000 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã mỗi năm, khoảng 70% nước thải tại các khu, cụm công nghiệp xả thẳng ra môi trường không qua xử lý.

Để nâng cao nhận thức trong công tác BVMT đến năm 2020, Nhà nước cần có những chương trình hỗ trợ DN vay với lãi suất bằng 0 để phát triển công nghệ tiết kiệm điện năng, năng lượng và nước, qua đó sẽ giảm tác động xấu đến môi trường.

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Hưng cho rằng, bất cập nhất hiện nay là lực lượng quản lý chỉ đợi DN vi phạm rồi phạt, mà không có biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ DN khắc phục hoặc phòng ngừa hành vi vi phạm. Lực lượng quản lý cần đồng hành với DN, coi sự phát triển của DN là phát triển của xã hội. Cần tạo điều kiện để DN tập huấn về công tác BVMT, mặt khác các phương tiện truyền thông cũng cần tuyên truyền và hỗ trợ DN trong công tác BVMT, nên cùng nhau chia sẻ khó khăn với DN, chứ không nên đổ hết khó khăn lên DN.

Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí, Bộ Văn hóa và Thông tin Bùi Huy Lan lắc đầu ngao ngán nói: “Chưa bao giờ, hình ảnh DN với vấn đề BVMT lại xấu như hiện nay, gây bức xúc trong dư luận xã hội và luôn là vấn đề nóng trên diễn đàn Quốc hội trong thời gian qua. Trên báo chí, tràn ngập các thông tin phản ánh về những vụ vi phạm nghiêm trọng đến môi trường, nhưng không ghi nhận được hình ảnh nào tiêu biểu trong công tác BVMT, trong khi nhiều DN làm rất tốt”.

Trên thực tế, công tác tuyên truyền của báo chí vẫn chưa tốt về những gương điển hình trong công tác BVMT. Khuyết điểm của DN luôn được báo chí chú trọng, trong khi công tác đào tạo phóng viên tác nghiệp chưa được chuyên sâu. Theo Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phạm Đình Toàn, trong năm 2013, Hội Nhà báo Việt Nam đã mở 5 lớp (2 Hà Nội, 2 TP. Hồ Chí Minh và 1 miền Trung) tập huấn và đào tạo phóng viên tác nghiệp về môi trường. Phần lớn, các cơ quan báo chí cử các phóng viên mới vào nghề tham dự, tác phong học tập không tốt, kỹ năng tác nghiệp rất kém, không có tính chuyên sâu về mảng mình phụ trách.

“Cần bồi dưỡng kiến thức BVMT cho đội ngũ phóng viên, người làm báo, cần biểu dương và xử lý các hành vi tiêu cực của các phóng viên dám “bẻ cong ngòi bút”, ông Đào Văn Lừng nói và khuyến khích: Các Nhà báo có dũng cảm đi đến tận cùng sự thật không? 

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các DN gây ra, cần tăng cường quản lý Nhà nước, giải quyết triệt để sự chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật đi đến thống nhất. Tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên tác động môi trường của các DN. Hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp với cuộc sống như khuyến khích các DN nên sử dụng vốn vay ưu đãi về BVMT. 

Kết thúc buổi tọa đàm, ông Đào Văn Lừng nhắc đến bài học cay đắng của Đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, người đã ra lệnh rải hàng trăm ngàn tấn chất độc dioxin xuống miền Nam Việt Nam làm hơn 1 triệu người Việt Nam bị nhiễm và ảnh hưởng di chứng chất độc màu da cam. Và sau này, chính con trai và cháu nội ông cũng bị nhiễm chất độc dioxin.

Hoàng Tuấn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Chuyện lạ nhà máy chế biến cà phê tiền tỷ “tự mọc” giữa vùng biên Quảng Trị

Chuyện lạ nhà máy chế biến cà phê tiền tỷ “tự mọc” giữa vùng biên Quảng Trị

(Thanh tra) - Chưa hề có bất cứ thủ tục nào về đầu tư, xây dựng… nhưng nhà máy chế biến cà phê cùng các hạng mục khác đã được đầu tư triển khai với hơn 8.000m2. Thế nhưng, chính quyền địa phương cũng chỉ làm cho có lệ và có dấu hiệu buông lỏng quản lý khi nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động.

Minh Tân

20:30 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm