Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 2: “Kỳ quan” thủy điện trong Vườn quốc gia Yok Đôn?

Chủ nhật, 15/12/2013 - 07:42

(Thanh tra) - Miền Trung - Tây Nguyên, với 3 lưu vực của các con sông lớn là sông Ba, sông Sêsan - Sêrepok và Vu Gia - Thu Bồn, trên các hệ thống sông này là “đại công trường” với các dự án thủy điện đã hoàn thành, đang và sắp khởi công. Những tác động tiêu cực của thủy điện đến môi trường, đến an sinh của các vùng hạ lưu ai cũng thấy rõ, song không hiểu lý do gì mà tỉnh Đắk Lắk lại muốn xây dựng thủy điện ngay trong Vườn quốc gia Yok Đôn, gây bức xúc không chỉ ở các nhà quản lý, nhà khoa học mà còn cả trong dư luận xa gần?

VQGYĐ có hệ sinh thái đặc biệt và đặc trưng ở Tây Nguyên

>>Bài 1: Xâm hại môi trường 

Ở Đắk Lắk đang râm ran về chuyện ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn (VQGYĐ) tuyên bố sẽ từ chức, nếu chính quyền và ngành chức năng cho xây dựng một dự án nhà máy thủy điện giữa vườn quốc gia này. Vậy thực hư vấn đề này ra sao?

Qua tìm hiểu của PV, VQGYĐ là một trong những khu rừng đặc dụng lớn nhất của nước ta, nằm trên địa bàn thuộc 3 huyện Buôn Đôn và Ea Súp (Đắk Lắk) và huyện Cư Jút (Đắk Nông), phía Tây của Vườn tiếp giáp nước bạn Campuchia. Vườn được phê duyệt theo Quyết định số 352/CT-HĐBT ngày 29/10/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và được mở rộng địa giới theo Quyết định số 39/2002/QĐ-TTg ngày 18/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ, với mục đích bảo vệ 115.545 ha hệ sinh thái rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên, rừng khộp cây họ dầu, gỗ quý hiếm…; và hơn 464 loài thực vật, 63 loài động vật có vú, 196 loài chim, 40 loài bò sát, cùng hàng chục loài cá nước ngọt nằm trong danh mục sách đỏ; là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật nguy cấp mang tính toàn cầu như bò xám, mang lớn, voi châu Á, hổ, nai, gấu, sói đổ, chà vá chân nâu… Ngoài ra, vườn còn có hệ chim phong phú nhất Đông Dương, nên được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt.

Song, từ năm 2009, đã có một Dự án xây dựng công trình thủy điện Đrăng Phôk với công suất 26 MW, do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới làm chủ đầu tư, dự định sẽ tiến hành triển khai ngay vùng lõi của vườn và hiện đang lập báo cáo đánh giá tác động môi trường để trình  các cấp có thẩm quyền phê duyệt.  

Theo ông Lê Văn Thừa, Phó phòng Kế hoạch và Hợp tác quốc tế, VQGYĐ cho biết, theo quy hoạch, nếu dự án thủy điện triển khai sẽ thu hồi 63 ha rừng nguyên sinh nằm ngay giữa trung tâm của vườn. Không cần phải nói nhiều, dự án sẽ gây nhiều hệ lụy, không những làm giảm tính đa dạng sinh học mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái cũng như công tác bảo tồn thiên nhiên của một khu rừng đặc dụng, đặc trưng nhất của Tây Nguyên. Còn ông Thành thì than thở: “Dòng sông Sêrepok chảy qua giữa vườn, để làm nhà máy thủy điện, người ta sẽ ngăn sông, đắp đập ở vị trí ngay giữa vườn, sẽ nổ mìn, đào sâu làm móng đập, phá đá làm vật liệu xây dựng. Vùng lõi của rừng sẽ biến thành “đại công trường”, tập trung hàng nghìn công nhân, hàng trăm phương tiện xe máy các loại... Như vậy, hàng chục ha rừng nguyên sinh bị tàn phá, dòng nước trong lành xưa nay bị khuấy đảo thì liệu có còn con thú, con chim nào dám yên ổn sinh sống giữ rừng không?”. Ông Thành dẫn chúng tôi ra trước tấm bản đồ.

Ông Võ Thanh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho rằng, so với các tỉnh khác trên địa bàn Tây Nguyên, Đắk Lắk là địa phương có ít các dự án thủy điện nhất, lý do là địa hình bằng phẳng, ít có vị trí thích hợp để xây dựng thủy điện. Nhưng khi, các cán bộ chuyên môn của Sở cung cấp báo cáo về tình hình thực hiện các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, thì đến tháng 9/2013, toàn tỉnh cũng có tới 26 dự án thủy điện lớn, vừa và nhỏ, trong đó đã hoàn thành 17 dự án, đang khởi công 3 dự án, còn lại 6 dự án khác đang giai đoạn thực hiện các thủ tục pháp lý. Trong 26 dự án nêu trên, chỉ có 6 dự án thủy điện có công xuất từ 50 - 280 MW, còn lại 20 dự án là thủy điện vừa và nhỏ, thậm chí có những dự án chỉ có công xuất dưới 1 MW. 

Tại tỉnh Gia Lai, ông Phan Đức Hưng, Phó phòng Quản lý điện năng, Sở Công thương Gia Lai cho biết: Trên địa bàn tỉnh, hiện có 42 dự án thủy điện, trong đó có 8 dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, 34 dự án thủy điện vừa và nhỏ do các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư. Được biết, để xây dựng một nhà máy thủy điện, cứ 1 MW phải thu hồi từ 10 đến 16 ha rừng, đất lâm nghiệp. Chưa có một thống kê cụ thể nào đã có bao nhiêu ha rừng ở Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum…, phải nhường chỗ cho thủy điện, nhưng chắc chắn đã có hàng nghìn ha rừng, đất lâm nghiệp, mãi mãi nằm im dưới các lòng hồ lạnh ngắt!

Nguyên Phê

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm