Đánh vào niềm tin và lòng tham

Các đối tượng thường xuyên giới thiệu về sản phẩm và những món hoa hồng rất hấp dẫn. Một người dân khi tham gia bỏ ra một số tiền nhất định để mua một sản phẩm hàng hóa. Muốn có nhiều hoa hồng, họ tìm cách giới thiệu nhiều người tham gia. Chẳng hạn, chỉ cần giới thiệu 2 người tham gia vào hệ thống là họ có cơ hội để hoàn lại khoản tiền mà mình đã đầu tư. Sau đó, chỉ cần ngồi nhìn hệ thống của mình phát triển và hưởng hoa hồng. Hai yếu tố mà các công ty đa cấp thường tạo sự hấp dẫn cho người tham gia là niềm tin và lòng tham.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai để lôi kéo người tham gia vào hệ thống, phần lớn người ta rỉ tai nhau hai từ: Hoa hồng, lợi nhuận, thổi phồng giá trị của sản phẩm… mà ít nhắc đến 2 từ “đa cấp”.

Theo đại diện Cục Phòng, chống Tội phạm Cộng nghệ cao (Bộ Công an), đa cấp trá hình thường thể hiện bằng những hình thức, đó là: Những lời quảng cáo rất hấp dẫn về khoản hoa hồng thu được, ví dụ bỏ ra 9,8 triệu đồng, sau 1 năm được người tham gia được 100 triệu đồng. Lợi ích của người tham gia bán hàng đa cấp không phải từ việc bán sản phẩm, lợi nhuận họ có được là thu hút được nhiều người tham gia vào hệ thống.

Trước nhiều hiện tượng các công ty đa cấp trá hình, lừa đảo, điển hình là Cty Liên Kết Việt, sau một thời gian hoạt động đã thu hút được 60.000 người tham gia và thu lợi bất chính trên 1.900 tỷ đồng. Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, mới đây, Cục Quản lý Cạnh tranh đã ra thông báo khuyến cáo trên trang web là www.vca.gov.vn,  người tiêu dùng hãy xem đây như một cuốn cẩm nang để nhận diện các công ty đa cấp bất chính. Người dân chú ý đến các đặc điểm sau đây:

Đầu tiên, cần tìm hiểu thật kỹ doanh nghiệp (DN) tham gia bán hàng đa cấp như: Uy tín, chính sách trả thưởng và các sản phẩm của Cty. Tiếp đến, nắm rõ quy định về quản lý bán hàng đa cấp đã được quy định rõ trong Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý bán hàng đa cấp của Chính phủ; cảnh giác với các thông tin được đưa ra, mọi lời mời chào của DN khi thu hút người tham gia vào hệ thống; mọi hình thức thu tiền của người vào sau để trả hoa hồng cho người vào trước mà không qua mua bán hàng hóa đều bị nghiêm cấm; Mọi cam kết chi trả hơn 40% hoa hồng được hưởng đều vi phạm các nghị định của pháp luật; cần tránh mua lượng hàng hóa quá lớn không phù hợp với khả năng tiêu dùng hoặc bán lại của mình; danh sách các Cty bán hàng đa cấp hợp pháp được công bố công khai trên trang web của Cục Quản lý cạnh tranh; nếu không có trên trang web này là Cty bất hợp pháp.

Được trả lại sản phẩm

Dư luận thắc mắc, hiện có một số Cty bán hàng đa cấp có dấu hiệu bất chính mà cơ  quan công an vẫn chưa khởi tố. Đại úy Trương Mạnh Tùng, đại diện C50, Bộ Công an cho biết, một số đối tượng chủ mưu của Cty đa cấp có dấu hiệu lừa đảo, thường tìm cách lách luật, thậm chí thuê cả một văn phòng luật sư để tìm kiếm những kẽ hở trong các văn bản quy phạm pháp luật; hoặc là tìm cách đánh vào sự chủ quan của những người tham gia vào trong các hệ thống để họ lách những quy định để đưa những sản phẩm chưa được cấp phép bán hàng đa cấp trá hình với những sản phẩm đã được cấp phép. Họ đưa ra sản phẩm cho khách hàng rất chung chung, ví dụ như: Thực phẩm chức năng, phụ tùng ô tô… Trong khi đó, họ không ghi rõ đó là loại sản phẩm gì, được cấp phép sản xuất kinh doanh, bán hàng đa cấp hay chưa; vì thế người dân rất dễ bị nhầm lẫn trong việc mua sản phẩm đó có giấy phép chưa?

Trước khi tham gia vào mô hình đa cấp nào, người dân cần kiểm tra xem doanh nghiệp đó đã được Cục Quản lý cạnh tranh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hay chưabằng cách tra cứu vào trang thông tin điện tử của Cục tại địa chỉwww.vca.gov.vn.

“Nếu khi phát hiện các dấu hiệu của một Cty kinh doanh đa cấp bất chính, mà họ đã lỡ tham gia, nếu đã mua sản phẩm của hệ thống rồi, tại Nghị định 42 của Chính phủ quy định về bán hàng đa cấp có quy định: Khi người tham gia trong hệ thống có nhu cầu hoàn trả lại các sản phẩm đã mua của Cty, bắt buộc đơn vị phân phối phải nhận lại món hàng đó, với các điều kiện đảm bảo. Ví dụ như: Món hàng đó còn thời gian sử dụng, còn nguyên nhãn, vỏ… Hệ thống phải mua lại giá trị tối thiểu 90% giá trị của sản phẩm. Đấy là phép thử để nhận diện các Cty kinh doanh đa cấp chân chính”, Đại úy Tùng nhấn mạnh.

Bán hàng đa cấp xét cho cùng cũng chỉ là một hình thức bán hàng. Khi tham gia vào hệ thống, người mua trở thành một nhà phân phối của DN, giúp DN bán hàng và trả hoa hồng trên lợi nhuận của món hàng mình bán. Không có chuyện tham gia đầu tư để kiểm một khoản tiền kếch xù mà đa cấp đưa lại. Không thể có huyện, một nồi áp suất có giá 11 triệu đồng, một chiếc máy OZON 10 triệu đồng hay 4 gói cà phê có giá 16 triệu đồng… đã từng xảy ra tại một DN bán háng đa cấp ở tỉnh Kon Tum. Tất cả những hiện tượng này, một người bình thường đều có thể nhận ra đó là đa cấp bất chính.

   Trà Vân