Tháo gỡ khó khăn PCCC là vấn đề cấp bách

Ngày 21/3/2023, tại hội nghị tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiếp cận tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức, ông Trần Quốc Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khu công nghiệp Tây Bắc Ga, TP Thanh Hóa cho biết: Năm 2022 và đầu năm 2023, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang dần ổn định sản xuất trở lại sau đại dịch COVID 19, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền tệ, người dân thắt chặt chi tiêu dẫn đến hàng hóa sản xuất không thể lưu thông.

Cuối năm 2022, lực lượng công an PCCC tổng kiểm tra, rà soát PCCC trên địa bàn toàn tỉnh dẫn đến các doanh nghiệp khó khăn lại chồng chất khó khăn. Đây là vấn đề cấp bách, coi như sống còn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung, Khu công nghiệp Tây Bắc Ga nói riêng.

Khu công nghiệp Tây Bắc Ga là hợp phần của Khu công nghiệp Đình Hương, Tây Bắc Ga, doanh thu hằng năm 7.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 200 tỷ đồng, có hơn 200 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó có 193 cơ sở thuộc đối tượng quản lý về PCCC.

Từ cuối năm 2022, khi lực lượng công an PCCC tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC, Khu công nghiệp Tây Bắc Ga có 103 cơ sở không bảo đảm các tiêu chí PCCC mới. Cùng với việc xử phạt hành chính hàng 100 triệu đồng thì các doanh nghiệp đang bị tạm đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh từ cuối năm 2022 để khắc phục.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chấp hành xử phạt hành chính, xây dựng lộ trình, phương án để khắc phục nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, các cơ sở sản xuất tại Khu công ngiệp Tây Bắc Ga đã được xây dựng và đi vào hoạt động từ khá sớm. Có cơ sở đã xây dựng 10 năm, thậm chí 20 năm, chuyển tiếp qua nhiều thời điểm áp dụng PCCC khác nhau, Do đó, hệ thống kết cấu nhà xưởng, khoảng cách xưởng, vật liệu, tiêu chuẩn về hệ thống cấp nước, báo cháy, chữa cháy đều thực hiện theo tiêu chuẩn cũ. Với diện tích chật hẹp không thể mở rộng tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga, nếu áp dụng các tiêu chuẩn mới tại Nghị định 136 của Chính phủ thì hầu như phải phá đi xây dựng lại. Nhiều công trình, hệ thống PCCC mới được trang bị vài năm cũng phải đầu tư, nâng cấp mới lên đến hàng tỷ đồng, gây thiệt hại, khó khăn  nghiêm trọng đối với doanh nghiệp cũng như công ăn việc làm của người lao động.

Theo kết quả rà sát của cơ quan chức năng, trong số 103 cơ sở đang bị đình chỉ sản xuất tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga, có 44 dự án đang bị vướng khi làm thủ tục nghiệm thu PCCC do không đồng bộ trong thủ tục hồ sơ, giấy tờ (36 dự án thay đổi mục tiêu sử dụng đất, 8 dự án thay đổi  mục tiêu sản xuất so với ban đầu).

Nguyên nhân của tình trạng này lo do trong quá trình hoạt động và ảnh hưởng của dịch COVID 19, một số doanh nghiệp gặp khó khăn phải chuyển đổi ngành nghề hoặc cho thuê kho xưởng. Trong khi đó, quy hoạch chi tiết của Khu công nghiệp Đình Hương Tây Bắc Ga trước đây quá hẹp và cụ thể đến từng ngành, từng nghề sản xuất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cấp cho các dự án cũng ghi cụ thể mục tiêu sản xuất, kinh doanh dẫn đến khi doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư, thay đổi mục tiêu phải thực hiên nhiều bước thủ tục, điều chỉnh sử dụng đất. Tuy nhiên, hiện các thủ tục hành chính này cũng không thể được giải quyết do quy hoạch điều chỉnh chi tiết Khu công nghiệp Đình Hương Tây Bắc Ga chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bế tắc về PCCC chưa tìm được lối thoát

Ngoài ra, hạ tầng PCCC Khu công nghiệp Tây Bắc Ga chưa được đầu tư hoàn thiện ở cả hai giai đoạn.

Qua kiểm tra của lực lượng công an PCCC, Khu công nghiệp Tây Bắc Ga cả 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 có 19 trụ cấp nước, trong đó có 14 trụ có nước nhưng hư hỏng, hoen gỉ, áp lực nước không đảm bảo, 15 trụ không có nước do không mở được van tổng, đã hư hỏng hoặc không không có ống dẫn vào trụ. Tất cả các trụ này không thể vận hành và cấp nước khi có yêu cầu chữa cháy.

Còn tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga giai đoạn 2, chủ đầu tư là Tập đoàn Tân Phục Hưng cũng chưa đủ điều kiện nghiệm thu về PCCC theo quy định mới. Chính việc hệ thống cấp nước PCCC ngoài nhà, chưa đảm bảo nên các cơ sở sản xuất muốn đáp ứng được quy định thì phải tự đầu tư công trình cấp nước chữa cháy ngoài nhà, đường giao thông cho phương tiện chữa cháy, gây thêm lãng phí.

Những vướng mắc về công tác PCCC khiến các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga hiện các doanh nghiệp đang vô cùng bế tắc, chưa tìm được lối thoát để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Với việc bị đình chỉ kéo dài khiến hàng 100 doanh nghiệp bị mất doanh thu, lợi nhuận, không thực hiện được nghĩa vụ đóng góp ngân sách với Nhà nước mà còn ảnh hưởng đến việc làm của hơn 5.000 lao động.

Từ những tình hình trên, ông Trần Quốc Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khu công nghiệp Tây Bắc Ga, TP Thanh Hóa kiến nghị đến UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo, khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng và có phương án cải tạo, nâng cấp hạ tầng PCCC đảm bảo đồng bộ và phù hợp với quy mô sản xuất tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga, hạn chế chi phí đầu tư hạ tầng PCCC nội bộ tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Sớm xem xét, phê duyệt, ban hành quy hoạch điều chỉnh chi tiết Khu công nghiệp Đình Hương Tây Bắc Ga, chỉ đạo các sở, ngành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đồng bộ các thủ tục về GCNQSDĐ với chủ trương đầu tư và các hồ sơ liên quan đến thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC. Chỉ đạo công an ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn cụ thể tất cả các văn bản, quy định pháp luật làm căn cứ ban hành tiêu chuẩn thực hiện, hướng dẫn quy trình, thủ tục hồ sơ PCCC từ thiết kế, thẩm duyệt, đến nghiệm thu nhanh chóng, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có phương án khắc phục sớm đi vào hoạt động. Xem xét miễn giảm tiền thuê đất năm 2023 đối với các doanh nghiệp bị đình chỉ, xử phạt hành chính về PCCC …

Văn Thanh